Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Hỏa táng thi thể của người qua đời có phải là tội không?

Hỏi: Hoả táng thi thể của người qua đời có phải là tội không?

Đáp: Không! Không có mệnh lệnh rõ ràng nào trong Kinh Thánh phản đối việc hoả táng. Kinh Thánh không đưa ra những hướng dẫn cụ thể nào về việc tiêu huỷ thi thể sau khi chết, và cũng không trả lời cho những câu hỏi về phương thức hoả táng thi thể của người đã khuất. Cũng như không có lời nguyền rủa hay sự đoán phạt nào dành cho thi thể người chết được hoả táng.Tại cao điểm của đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều tín hữu mất đi người thân yêu và bạn bè nhưng chỉ nhận được tro hoả táng, đã tự hỏi Kinh Thánh nói gì về việc hoả táng? Liệu thi thể hoả táng có được phục sinh khi Chúa Jêsus Christ trở lại không?

1. Kinh Thánh nói gì về việc hoả táng?
Hoả táng đã được thực hiện từ thời Kinh Thánh, nhưng không được phổ biến rộng rãi với dân Y-sơ-ra-ên hay với Cơ Đốc nhân thời Tân Ước. Trong văn hoá thời Kinh Thánh, chôn cất trong hầm mộ, hang động, hay dưới lòng đất là những cách thông thường để xử lý thi thể người đã khuất (tham chiếu Sáng 23:19-20; 35:19-20; IISử 16:14 và Mat 27: 60-66). Mặc dù chôn cất là tập tục phổ biến, nhưng không có chỗ nào trong Kinh Thánh ghi chép chôn cất là phương pháp duy nhất được phép tiêu huỷ thi thể.
Những tập tục trong các thời kỳ Kinh Thánh được mô tả trong từ điển Kinh Thánh của Unger như vầy: “Việc mai táng trong thời kỳ Kinh Thánh theo sau ngay khi chết rất rõ ràng trong các lời tường thuật về việc chôn cất Sa-ra (Sáng 23:1-20), Ra-chên (Sáng 35:19-20), và vú nuôi của Rê-be-ca (Sáng 35:8). Người Hê-bơ-rơ thường không hoả táng ngoại trừ trong các trường hợp cấp thiết bất thường, như trong trường hợp của Sau-lơ và các con trai của ông (I Sa 31:11-13). Sau nầy, người Ba-by-lôn thiêu người chết của họ và cất tro hoả táng vào bình đựng di cốt, và những người Hy Lạp và La Mã cũng vậy. Thời gian sau nầy, người Hê-bơ-rơ cũng thực hiện việc hoả táng như được trình bày trong các bảng cáo phó ở Palestine thời Tân Ước.” Từ đây, chúng ta biết rằng người ta không thể cho rằng hoả táng là tội.
Một số tín hữu cho rằng hoả táng gây trở ngại việc thân thể được phục sinh khi Đấng Christ trở lại. Điều nầy không đúng. Hoả táng không có cách nào gây trở ngại quyền năng của Đức Chúa Trời phục sinh người chết, nghĩa là ban sự sống cho chúng ta sau khi chết. Xuyên suốt lịch sử nhân loại, nhiều người chết vô số cách khác nhau từ tai nạn đến chiến tranh đến mất tích giữa biển. Thực tế là dù nếu thân thể vẫn nguyên vẹn khi chết, thì cuối cùng nó cũng bị phân huỷ. Thân thể của hầu hết những người chết lúc Đức Chúa Trời tạo dựng vũ trụ sẽ không còn tồn tại vào lúc Chúa Jêsus tái lâm. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời quyền năng vẫn khiến họ sống lại trong tương lai.
Niềm hy vọng của tín hữu là thân thể được chôn cất hay hoả táng không phải là thân thể cuối cùng ở với Chúa. Kinh Thánh có chép, “Sự sống lại của những người chết cũng vậy. Thân thể gieo xuống là hư nát, nhưng sống lại là bất diệt; gieo xuống là nhục, nhưng sống lại là vinh; gieo xuống là yếu đuối, nhưng sống lại là mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể vật chất, nhưng sống lại là thân thể thuộc linh. Nếu đã có thân thể vật chất thì cũng có thân thể thuộc linh” (I Cô 15:42-44- TTHĐ). Thật vậy, ở trong đời hầu đến, không có sự khác biệt giữa thân thể của một người được chôn cất hay hoả táng. Đức Chúa Trời biết cách khiến thân thể sống lại, hoặc sống lại để được sống hoặc sống lại để bị xét đoán (xem Giăng 5:28-29). Trong niềm tin Cơ Đốc, thân thể của Cơ Đốc nhân sẽ là thân thể mới vinh hiển như thân thể vinh quang của Đấng Christ khi Ngài hiện ra (xem Phi-líp 3:21).

2. Chôn cất hay hoả táng nằm trong sự tự do của Cơ Đốc nhân
Chôn cất hay hoả táng người đã khuất có thể hiện lòng tôn trọng một cách tốt nhất hay không nằm ở quyết định rất cá nhân. Những mong muốn của người thân trong gia đình và bạn bè cũng cần xem xét bởi bất cứ quyết định nào, bởi vì họ là những người sống với quyết định và những ký ức đó. John MacArthur, mục sư giáo sư người Mỹ đã nói, “tình trạng những hài cốt của thi thể không quan trọng và chúng ta không cần tập trung vào cách tiêu huỷ thân thể thuộc về đất của chúng ta, vì rõ ràng bất cứ thi thể nào được chôn cất cuối cùng cũng bị phân huỷ (xem Truyền đạo 12:7). Ông nói tiếp: “Vì vậy, hoả táng không phải là tập tục xa lạ hay sai trái gì.”

☘ Nói tóm lại, hoả táng là phương thức có thể chấp nhận để xử lý thi thể người đã khuất. Hoả táng không mâu thuẫn với Kinh Thánh và cũng không gây trở ngại quyền năng của Đức Chúa Trời khiến kẻ chết sống lại. Vấn đề về sự hoả táng nằm trong phạm vi tự do của Cơ Đốc nhân. Kinh Thánh nói cho chúng ta biết, “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia-cơ 1:5). Một người hay một gia đình khi suy xét vấn đề nầy thì nên cầu xin sự khôn ngoan và làm theo lòng tin quyết đó. Đau buồn là một quá trình khó khăn. Mỗi chúng ta xử lý cảm xúc bằng nhiều cách khác nhau. Chôn cất hay hoả táng có phải là chọn lựa tốt hơn cho người thân hoặc cho bản thân hay không còn tuỳ thuộc vào quyết định cá nhân. Hãy tin cậy cách Đức Chúa Trời cảm thúc bạn vừa muốn vừa làm theo Ý tốt của Ngài (Phi-líp 2:13). Muốn thật hết lòng!

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn