Đa số người Việt Nam quan niệm rằng Đạo Tin Lành là Đạo bỏ Ông bỏ Bà. Thành kiến này do hiểu lầm cách thức người Tin Lành bày tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ đã khuất, không giống với những hình thức thông thường của người chịu ảnh hưởng Tam giáo (Phật – Lão – Nho), nghĩa là không nhang đèn, không bàn thờ, không giỗ kỵ.
Thật ra, tin Chúa mới đáng gọi là hiếu kính. Điều răn thứ 5 trong 10 điều răn Chúa dạy: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất ” (Xuất 20:12). Luật pháp xử tử những ai mắng cha chưởi mẹ (Lê-vi-ký 20:9). Chính Chúa cũng cấm những ai hầu việc Ngài thế cho sự hiếu thảo (Mác 7:10-12).
Về sự hiếu thảo thì loài người chưa có một tiêu chuẩn chung làm mực thước. Ví như bên kia rặng Hy-mã-lạp-sơn, một sắc dân ngày xưa, khi ông bà cha mẹ đến 60 tuổi là con cháu đưa lên cây cao, rồi chặt cho cây ngã xuống chết, họ cho đó là sự hiếu thảo. Về điều đó chúng ta nghĩ sao? Với những nước Tây phương, họ không có bàn thờ để thờ tự như người Á đông, chẳng lẽ tất cả họ đều bất hiếu? Mà sao họ lại giàu có văn minh như vậy, còn đa số người Á đông chúng ta lại làm sự đó để gọi là hiếu, để ông bà “phù hộ” lại nghèo nàn, lạc hậu.
Chúng ta suy nghĩ gì khi cổ nhân nói lên sự thật: “Sống không cho ăn, chết làm cỗ, làm văn tế ruồi ”. Hay khi đặt lên bàn thờ những hoa quả bằng nhựa để cúng thì có thể gọi là hiếu được không? Và thờ cúng ông bà thì đến bao nhiêu đời là đủ? Có người quan niệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, có người khác thì chừng ba hay bốn đời, còn trên nữa thì có chỗ khác lo!!!
Quan niệm biết ơn người có công sinh thành dưỡng dục là điều đúng, nhưng nên nhớ rằng tất cả mọi người trải qua các đời đều do Đức Chúa Trời dựng nên, và ban cho sự sống, nên chỉ thờ phượng một mình Ngài là đủ. Chúa cấm liên hệ đến người đã chết (Ê-sai 8:19).
Quan niệm hiếu thảo của Cơ Đốc giáo như sau: khi ông bà cha mẹ còn sống thì phải lo cho tròn phận sự làm con; nếu cha mẹ chưa tin Chúa Giê-xu thì điều cần thiết nhất là khuyên lơn người tin Chúa để được cứu rỗi linh hồn; khi cha mẹ qua đời thì phải lo chôn cất đàng hoàng tử tế. Trong cuộc sống, phải sống đạo đức, chân thật với dòng họ, với mọi người, để dòng họ không bị tiếng xấu mà ô danh.