Nếu Đức Chúa Trời yêu thương, không muốn con người phạm tội, thì tại sao Ngài đặt cây “Biết điều thiện và điều ác” để tổ phụ con người phạm tội? Phải chăng Ngài đã gài bẫy con người.
Trước hết xin xác định một điều, Đức Chúa Trời rất yêu thương con người, và không hề muốn con người phạm tội, do đó Ngài không bao giờ gài bẫy con người.
Từ “gài bẫy” được sử dụng khi “cái bẫy” được nguỵ trang, mà đối phương không thể nhận ra sự nguy hiểm. Ở đây, Đức Chúa Trời đã cảnh báo trước cho tổ phụ con người rằng: “Về cây biết điều thiện và điều ác, thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết ” (Sáng Thế Ký 2:17), nên ta không thể nói rằng Ngài gài bẫy con người.
Thay vì dùng từ “gài bẫy”, thì từ đúng nhất mà ta có thể sử dụng ấy là “thử nghiệm”. Câu chuyện này cho thấy, Đức Chúa Trời đặt con người trong vườn phước hạnh, ban cho con người sự tự do, là điều duy con người mới có. Đức Chúa Trời đã tôn trọng sự tự do đó, nên Ngài đặt cây “Biết điều thiện và điều ác” để thử nghiệm con người sự tự do của mình với lời dặn bảo rất rõ ràng.
Rồi đọc Sáng Thế Ký 3:11, 13 ta sẽ thấy loài người bị phạt không phải vì ăn trái cấm, bèn là do họ không chịu ăn năn. Bởi án phạt chỉ được công bố sau khi Chúa hỏi người nam, rồi hỏi người nữ, nghĩa là Ngài đã mở cho con người một đường ăn năn, nhưng tiếc thay án phạt phải được công bố bởi con người đã lựa chọn con đường chống nghịch với Đức Chúa Trời.
Cho nên vấn đề không phải là bạn phạm tội gì, nhưng là bạn có ăn năn không? Đức Chúa Trời cho bạn sự tự do lựa chọn cho mình con đường đến sự sống đời đời với Ngài hoặc là chịu khổ hình đời đời. Ngài không hề gài bẫy ai, nhưng đang tha thiết chờ đợi mọi người ăn năn. Hãy giải thoát khỏi tư tưởng bạn những gì không tốt về Đức Chúa Trời, bởi tình yêu thương của Chúa vô cùng lớn lao.