Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đồng tiền biết nói

Kinh Thánh: Mác 12:41-44

“Đức Chúa Jêsus ngồi đối ngang cái rương đựng tiền dâng, coi dân chúng bỏ tiền vào thể nào. Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền; cũng có một mụ góa nghèo kia đến bỏ hai đồng tiền ăn một phần tư xu. Ngài bèn kêu môn đồ mà phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào. Vì mọi kẻ khác lấy của dư mình bỏ vào, còn mụ nầy nghèo cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình.” (BTT)

“Đồng tiền biết nói” là một cụm từ mang hàm ý “tiền bạc có thể tạo ảnh hưởng và quyền lực trên người khác”. Thế nhưng chỉ vài ngày trước khi bị đóng đinh, Chúa Jêsus đã sử dụng tiền dâng của một người phụ nữ nghèo để giải thích ý nghĩa thiêng liêng của việc dâng hiến. Hành động này diễn ra tại sân dành cho phụ nữ, là sân nằm ngoài cùng trong số ba sân của đền thờ, nơi đặt kho bạc. Khu vực này rộng 60 bộ vuông, được bao quanh bởi các dãy cột, có mười ba cái rương hình kèn (hẹp ở trên cùng và rộng ở dưới cùng để rương có thể đứng vững và ngăn những kẻ ăn cắp vặt!) để thu thuế đền thờ, là số tiền dâng hiến bắt buộc, cũng như các khoản đóng góp tự nguyện. Mỗi rương được đánh dấu để cho biết mục đích của nó. Chính tại đây, Si-mê-ôn và An-ne đã gặp hài nhi Jêsus (Lu-ca 2:22-39) khi Ma-ri đến dâng con theo như luật pháp quy định.

Tiền dâng của người đàn bà góa vô cùng khiêm tốn so với khoản đóng góp hậu hĩ của những người giàu có. Số tiền của bà không phải là tiền dâng bắt buộc mà là tiền dâng tự nguyện, vì bà bỏ hai đồng tiền vào chiếc rương hình kèn cho mục đích này. Nhưng chỉ có Chúa Jêsus biết rằng số tiền đó là tất cả những gì bà có để sinh sống. Có nhiều người đang đi lại xung quanh, nên khoản đóng góp của bà sẽ không thu hút sự chú ý, không giống như những người “thổi kèn” để loan báo việc thiện của họ (Ma-thi-ơ 6:2). Nhưng Chúa Jêsus đã nhìn thấy và chỉ ra điều đó cho các sứ đồ tập sự của Ngài. Đã đến lúc để Hội Thánh học một bài học khác về cách tiền bạc bộc lộ tấm lòng của người dâng hoặc của người người giữ lấy cho mình.

Đoạn Kinh Thánh này minh họa lời dạy trước đó của Chúa Jêsus về các thầy thông giáo giả hình (Mác 12:38-40). Những người giàu sử dụng tiền dâng để chứng minh sự thánh thiện của họ và để nhận được sự ngưỡng mộ từ những người sùng đạo. Việc dâng hiến lẽ ra là để phục vụ Đức Chúa Trời. Nhưng đối với họ thì đó thật sự là một nghi thức tự thưởng không có giá trị về thuộc linh (Ma-thi-ơ 6:1-4). Nếu không có động cơ yêu thương chân thành, thì tiền dâng trở nên vô giá trị. Đối với những người giàu, số tiền đó chỉ là một tỷ lệ nhỏ trong tài sản của họ, họ có thể dễ dàng bỏ ra để mua được sự đồng tình của mọi người. Ngược lại, người đàn bà góa có rất ít, nhưng vì tình yêu đối với Chúa bà đã dâng tất cả. Và Chúa Jêsus khen ngợi số tiền dâng cuối cùng của bà. Đây cũng là hình ảnh về sự hy sinh của Ngài vào cuối tuần đó (Mác 10:45). Giá trị trước mặt Đức Chúa Trời lớn hơn nhiều số tiền mặt mà người giàu không cần đến. Ngài không đếm số tiền bà dâng, mà là số tiền bà đã không giữ lại.

Chúng ta nên thận trọng trong việc chi tiêu, đó là điều tốt. Nhưng khi chúng ta từ chối dâng cho Đức Chúa Trời những gì thuộc về Ngài, thì đó không phải là thận trọng mà là trộm cắp (Ma-la-chi 3:8-10). Nếu tình yêu dành cho tiền bạc của chúng ta vượt quá tình yêu dành cho Đấng Christ, chúng ta sẽ ở trên một con dốc trơn trượt dẫn đến sự hủy diệt và đau đớn (I Ti-mô-thê 6:9-10). Đời sống của Cơ Đốc nhân nên giống như Đấng Christ, sẵn lòng cho đi mọi thứ. Việc giữ lại những gì đáng lẽ phải hiến dâng cho Đức Chúa Trời chính là tội lỗi của A-can (Giô-suê 7:1-26), Sau-lơ (I Sa-mu-ên 15:1-23) cùng với A-na-nia & Sa-phi-ra (Công vụ 5:1-11). Đừng noi gương xấu của họ! Nhưng hãy cảnh giác với những kẻ thao túng tôn giáo – là những người mà lòng tham cá nhân được che đậy bằng sự nhiệt thành thuộc linh – đòi hỏi bạn phải hy sinh dâng hiến. Sự dâng hiến thuộc linh không bao giờ đến từ sự ép buộc về tâm lý (II Cô-rinh-tô 9:7). Chúng ta cần biết về những nhu cầu; nhưng chỉ Đức Thánh Linh mới có quyền thôi thúc việc dâng hiến như một biểu hiện cho tình yêu của chúng ta đối với Đức Chúa Cha, và lòng biết ơn đối với sự hy sinh của Đức Chúa Con. Thái độ của bạn với tiền bạc nói lên điều gì?

Kính lạy Cha thánh, con biết Ngài đang tìm kiếm một người vui lòng và sẵn sàng đáp lại tình yêu của Ngài. Xin Ngài tha tội cho con khi con giữ lại số tiền mà Thánh Linh của Ngài thôi thúc con dâng hiến, hoặc khi con gây áp lực để buộc người khác dâng quá khả năng của họ. Xin giúp con xem xét lại phần mười và của dâng để con dâng những gì xứng đáng với Ngài như một biểu hiện tình yêu của con dành cho Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn