Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Cơ Đốc nhân có được nhận và gởi tiền hoặc của hối lộ không?

Hỏi: Cơ Đốc nhân có được nhận và gởi tiền/của hối lộ không?

Đáp: Là người đi theo Đấng Christ, chúng ta đại diện cho điều tốt và điều đúng. Sự lừa dối không phải là một phần con người chúng ta, vì điều đó làm mất lòng tin và làm buồn lòng Đức Thánh Linh. Rõ ràng, đối với Cơ Đốc nhân hối lộ không phải là một lựa chọn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề hối lộ, hãy đọc xem Kinh Thánh nói gì về tiền/của hối lộ.

Kinh Thánh Cựu Ước nói nhiều về hối lộ bao gồm một từ trong tiếng Hy-bá-lai שַׁחַד, thường được dịch là “hối lộ,” là “quà tặng” (KJV) hoặc “hối lộ” (ASV), và thường liên quan đến món quà được trao cho thẩm phán để nhận được phán quyết có lợi. Các trước giả Cựu Ước liên kết hối lộ với một số thái độ cơ bản và những điều xấu xa kèm theo.

Hối lộ được coi là một hành vi làm sai lệch công lý vì nó thường khiến người vô tội bị kết án và kẻ có tội được trả tự do. Môi-se tuyên bố: “Con chớ nhận của hối lộ vì của hối lộ làm mờ mắt người sáng suốt và xuyên tạc lời nói của người công chính” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:8-TTHĐ; Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:9). Đa-vít ca ngợi người từ chối nhận hối lộ (Thi-thiên 15:5) và lên án việc nhận hối lộ là gian ác (Thi-thiên 26:10). Sa-lô-môn thì viết: “Kẻ ác lén lút nhận hối lộ, để làm sai lệch cán cân công lý” (Châm-ngôn 17:23-TTHĐ). Tiên tri Ê-sai đã nhìn thấy vấn đề nầy trong thời của ông, và cảnh báo rằng Đức Chúa Trời sẽ giáng một tai họa khủng khiếp cho những kẻ “vì hối lộ mà xưng kẻ có tội là công bình, và cướp lấy sự công bình của người nghĩa!”(Ê-sai 5:23).

Ngoài ra, hối lộ gây lên các tệ nạn khác. Hối lộ là bạn đồng hành của vô số hình thức xấu xa. Nó đi đôi với việc tống tiền và áp bức. Nhà truyền đạo ghi lại: “Sự áp bức khiến người khôn hóa dại, của hối lộ làm hư hỏng lòng người.” (Truyền-đạo 7:7-TTHĐ). Cũng vậy, hối lộ là cộng sự của trộm cắp (xem Ê-sai 1:23); và liên quan đến giết người (xem Ê-xê-chi-ên 22:12). Do đó, tiên tri Ê-sai mô tả người được Đức Chúa Trời chấp nhận và ban phước là: “Người bước theo sự công chính và nói điều chính trực, xem thường món lợi bất chính, giữ tay không nhận hối lộ; Bịt tai không nghe chuyện đổ máu, nhắm mắt không nhìn việc ác” (Ê-sai 33:15-TTHĐ).

Trong Kinh Thánh Tân Ước, mặc dù hối lộ không được đề cập cụ thể, nhưng chắc chắn vấn nạn nầy bị lên án cả về nguyên tắc lẫn ngụ ý. Một số trường hợp hối lộ minh họa cho điều nầy. Có lẽ trường hợp hối lộ có thể được ngụ ý là trường hợp của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, người chỉ với số tiền nhỏ là ba mươi miếng bạc đã được mua để trở thành người dẫn đường cho những kẻ bắt Đức Chúa Giê-xu (tham chiếu Công-vụ các Sứ-đồ 1:16). Và với “tiền thưởng” đó (Công-vụ các Sứ-đồ 1:18), Giu-đa có được một đám ruộng để chôn xác mình. Một trường hợp khác như vậy liên quan đến việc hối lộ những người lính La Mã đứng canh mộ Chúa Giê-xu. Khi một số lính canh đến báo cho các thầy tế lễ cả và thuật lại câu chuyện về ngôi mộ trống thì các giới cầm quyền Do Thái vô cùng bối rối. Họ dùng sự hối lộ để bưng bít sự thật về Chúa Giê-xu bằng cách hối lộ các lính canh nói rằng các môn đồ của Chúa Giê-xu đã đến lấy trộm xác Ngài trong lúc họ ngủ (tham chiếu Ma-thi-ơ 27:62-66; 28:11-15).

Trong ánh sáng Lời Kinh Thánh, đạo đức Cơ Đốc sẽ không bao giờ cho phép tín hữu Tin Lành tham gia vào các hành vi thường được gọi là hối lộ (tức là mọi nỗ lực nhằm làm sai lệch công lý hoặc mang lại điều trái đạo đức). Duy nhờ ơn Chúa và sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh, Cơ Đốc nhân mới có thể sống đắc thắng những hành vi hối lộ để Danh Chúa được vinh hiển.

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn