Hỏi: Một thanh niên Tin Lành đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành âm nhạc, thắc mắc: “Cơ Đốc nhân có được nghe nhạc đời, nhạc thế gian không?”
Đáp: Để trả lời câu hỏi nầy, trước tiên chúng ta cần biết âm nhạc là tặng phẩm của Đức Chúa Trời ban cho loài người như thực phẩm, thơ ca, nghệ thuật, giải trí, thể thao, vv… Mọi vật trong thế gian nầy đều do Đức Chúa Trời tạo nên thật rất tốt lành. Như vậy, để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta trở về với Kinh Thánh để biết Kinh Thánh nói gì về âm nhạc và chúng ta tương tác với âm nhạc như thế nào?
1. Kinh Thánh nói gì về âm nhạc?
Kinh Thánh chứa đầy những bài ca và bài thơ thánh. Mặc dù từ liệu âm nhạc không xuất hiện trong Kinh Thánh, nhưng âm nhạc xuất hiện từ Sáng thế ký đến Khải Huyền.
(a) Trong Cựu Ước: Ngay từ buổi sáng thế, Giu-banh, thuộc thế hệ thứ tư từ A-đam và Ê-va được xem như nhạc sĩ đầu tiên trong Kinh Thánh (xem Sáng 4:21). Hơn nữa, lần đầu tiên Kinh Thánh đề cập đến âm nhạc và bài hát kèm theo biểu lộ của sự vui mừng (Sáng 31:27). Khi Đức Chúa Trời dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, đáp ứng đầu tiên của dân sự là ca hát. Xuất Ê-díp-tô Ký 15 ghi lại những ca từ của bài hát mà chính Môi-se ca ngợi Chúa. Sau Môi-se, Giô-suê lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên làm cho các tường thành Giê-ri-cô sụp đổ bằng những nhạc cụ (tham chiếu Giô-suê 6). Có lẽ, tuyển tập bài ca nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh là sách Thi Thiên bao gồm những bài thơ, bài ca, và bài cầu nguyện. Gần một nửa sách Thi Thiên do Đa-vít, vừa là thi sỹ vừa là tay chơi đàn hạc sáng tác. Tuyển tập những bài ca nầy được sử dụng trong đền thờ ở Y-sơ-ra-ên để thờ phượng Chúa (tham chiếu 1 Sử Ký 16:7-36), và được sử dụng lại trong thời kỳ tái xây dựng đền thờ sau cuộc lưu đày của dân Y-sơ-ra-ên ở Ba-by-lôn (tham chiếu E-xơ-ra 3:10-11; Nê-hê-mi 12:27-47). Sa-lô-môn, con trai của Đa-vít theo dấu chân của cha mình và cũng là trước giả của hai sách chứa đầy thơ ca và những bài ca, là sách Truyền Đạo và Nhã Ca.
(b) Trong Tân Ước: Chúng ta không thấy sách nào hoàn toàn được sáng tác bằng những bài ca. Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục thấy âm nhạc là phần chính yếu trong trải nghiệm của con người và của Hội Thánh đầu tiên. Lu-ca 1:46-55 được gọi là bài ca của Ma-ri. Ma-ri vui mừng ca ngợi Chúa về tin tức tốt lành khi thiên sứ báo tin bà sẽ mang thai Đấng Mết-si-a. Chúa Jêsus và các môn đồ hát những bài thơ thánh kỷ niệm lễ Vượt Qua lúc kết thúc Bữa Tiệc của Chúa (tham chiếu Ma-thi-ơ 26 & Mác 14). Khi Phao-lô và Si-la ở trong tù, họ hát những bài ca để ca ngợi Cha thiên thượng (xem Công vụ 15:25). Trong Hội Thánh đầu tiên, âm nhạc là phần không thể thiếu trong sự nhóm họp và thờ phượng. Chúng ta biết điều nầy vì Phao-lô đề cập trong các thư tín của ông cho các Hội Thánh ở nhiều nơi khác nhau (xem Ê-phê-sô 5:19 & Cô-lô-se 3:16). Cũng vậy, trong thư tín Phao-lô gởi cho tín hữu tại Phi-líp, chúng ta có những ca từ của một trong những bài thánh ca đầu tiên được Hội Thánh đầu tiên sử dụng, đó là phân đoạn Phi-líp 2:5-11. Một ngày kia trên thiên đàng, Cơ Đốc nhân chúng ta sẽ liên tục ca hát và ngợi khen Vua của muôn vua như các thiên sứ (Khải 5:9-12). Quả thật, âm nhạc được Đức Chúa Trời tạo nên và hoạch định như ngôn ngữ để qua đó con người giao thông với Đức Chúa Trời và bày tỏ những cảm xúc tận tấm lòng trong sự ca ngợi Chúa. Arthur F. Holmes, một triết gia Cơ Đốc nổi tiếng đã từng viết: “Âm nhạc đến từ Đức Chúa Trời, và khi chúng ta ca hát hay chơi nhạc vì sự vinh hiển của Ngài, thì chúng ta đang dâng những ân tứ và tài năng của mình như của lễ cho Ngài.”
Hơn nữa, từ ánh sáng của Lời Kinh Thánh, âm nhạc đem lại những mục đích tốt đẹp:
– Tiếng đàn của Đa-vít xoa dịu tinh thần bấn loạn của Sau-lơ và làm cho khuây khoả (1 Sa-mi-ên 16:14-17 &23).
– Âm nhạc có thể khiến lòng người vui mừng (Sáng 31:27; Sô-phô-ni 3:17; Ê-phê-sô 5:19).
– Âm nhạc và những bài ca diễn tả sự cảm tạ và ngợi khen Chúa (Nê-hê-mi 12:27; Thi Thiên 28:7; 33:2; 150:3-5…vv…)
2. Phương cách nhận biết loại nhạc nên nghe
Vì Kinh Thánh không nói cụ thể loại nhạc nào Cơ Đốc nhân nên nghe, nên chúng ta có thể tận hưởng sự tự do lựa chọn bằng cách sử dụng các nguyên tắc Thánh Kinh để nhận biết những lựa chọn đó (tham chiếu 1 Cô-rinh-tô 10:23). Đức Chúa Trời muốn được vinh hiển qua cách Cơ Đốc nhân thể hiện trong nghệ thuật âm nhạc. Ngài muốn chúng ta sử dụng âm nhạc một cách sáng tạo và đáp ứng nhiệt tình. Như mọi thứ khác, tội lỗi đã làm méo mó và lệch lạc những gì ban đầu Đức Chúa Trời tạo dựng một cách tốt đẹp và rất tốt lành. Đó là lý do Cơ Đốc nhân cần sự hiểu biết và khôn ngoan từ Đức Chúa Trời để giúp chúng ta làm những lựa chọn tin kính khi nghe nhạc (tham chiếu Gia-cơ 1:5).
Những thông điệp của âm nhạc được thể hiện qua những ca từ của những bài ca, và đó là chỗ chúng ta cần nhận biết. Việc ca hát hay nghe nhạc của Cơ Đốc nhân là để thể hiện tình yêu đối với Chúa với cả con người của chúng ta – thân, hồn, linh và chứng tỏ ân điển của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta. Khi được phối hợp với lời Thánh Kinh, âm nhạc sẽ khắc sâu lẽ thật Kinh Thánh vào tấm lòng và làm vững mạnh đức tin của chúng ta, đem đến sự biến đổi từ bên trong bởi Đức Thánh Linh.
Vì vậy, làm sao những ca từ trong nhạc đời, nhạc thế gian có thể đạt được tiêu chuẩn Thánh Kinh? Có thể nói hầu hết nhạc đời phản chiếu đường lối thế gian, tiêu chuẩn thế gian, và thái độ của thế gian.
* Sau đây là một số câu hỏi có thể giúp tín hữu phân biệt nhạc nào là có ích cho sức khoẻ thuộc linh và nhạc nào thì không:
1. Những ca từ nầy có gây cho tôi nghi ngờ đức tin nơi Đấng Christ hoặc quyền tể trị của Đức Chúa Trời không?
2. Những lời của bài nhạc nầy có khiến tôi chú trọng vào những điều của thế gian, lôi kéo tôi ra khỏi ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho đời sống tôi không?
3. Bài nhạc nầy có kích động những tư tưởng hoặc lời nói tiêu cực vào cuộc sống của tôi không?
4. Nghe loại nhạc nầy có gây tổn thương cho tôi hoặc người khác không?
* Đức Thánh Linh luôn ở đó hướng dẫn chúng ta trong những lựa chọn từ việc chọn lọc loại nhạc đến những quyết định thay đổi đời sống, và chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy Ngài (xem Giăng 14:26).
Nói tóm lại, Cơ Đốc nhân tương tác với âm nhạc khi làm theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Cuối cùng, thưa anh em, hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến” (tham chiếu Phi-líp 4:8-TTHĐ).