Kinh Thánh: Mác 6:1-3
“Đức Chúa Jêsus đi khỏi đó, đến quê hương mình, có các môn đồ cùng đi theo. Đến ngày Sa-bát, Ngài bắt đầu dạy dỗ trong nhà hội; thiên hạ nghe Ngài, lấy làm lạ mà nói rằng: Người bởi đâu được những điều nầy? Sự khôn sáng mà người được ban cho là gì, và thể nào tay người làm được những phép lạ dường ấy? Có phải người là thợ mộc, con trai Ma-ri, anh em với Gia-cơ, Giô-sê, Giu-đe, và Si-môn chăng? Chị em người há chẳng phải ở giữa chúng ta đây ư? Chúng bèn vấp phạm vì cớ Ngài.” (BTT)
“Thân quá hoá nhờn” (hay “thân quá hóa lờn”) là có thật. Nhưng điều đó thường không đúng với một người nổi danh tại địa phương; hay một thành phố rực sáng nhờ phản chiếu ánh hào quang của một trong những con người xuất chúng tại đó. Tuy nhiên, trong phân đoạn Kinh Thánh này, thật lạ lùng khi thấy câu chuyện chuyển từ “lấy làm lạ về sự giảng dạy của Chúa” sang “vấp phạm vì cớ Chúa” nhanh chóng như thế nào. Tại sao lại như vậy? Vấp phạm chắc chắn không phải là diễn biến thường thấy sau khi “lấy làm lạ”. Có gì đó khác đang xảy ra ở đây.
Chúa Jêsus đã di chuyển từ bờ hồ Ga-li-lê ở phía Tây đến thành Na-xa-rét, khoảng cách từ hai mươi đến bốn mươi dặm tùy theo lộ trình. Nơi đây đã là quê hương của Ngài trong suốt nhiều năm kể từ khi trở về từ nước Ê-díp-tô (Ma-thi-ơ 2:19-23). Gia đình trở nên đông đúc hơn khi Ma-ri và Giô-sép có những người con là em trai/em gái của Chúa Jêsus nhưng không cùng huyết thống với Ngài, bởi vì Chúa Jêsus được chịu thai duy bởi Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 1:20-21). Giô-sép làm nghề thợ mộc, do đó Chúa Jêsus cũng tiếp tục theo nghề đó (Ma-thi-ơ 13:55). Có vẻ như Giô-sép đã mất vào thời điểm Chúa Jêsus khởi sự làm chức vụ công khai, nên Con Đức Chúa Trời đã đảm đương công việc kinh doanh đồ gỗ của gia đình để nuôi sống mẹ Ngài. Vì vậy, Ngài là một người thợ mộc tại địa phương, người đã trở thành một nhân vật nổi tiếng lẫn bí ẩn. Nhưng những người nổi tiếng lại không xuất thân từ Na-xa-rét: có một câu nói trong vùng dùng để chế nhạo những ai có triển vọng trong thành: “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” (Giăng 1:46)
Vào ngày Sa-bát, Chúa Jêsus và các môn đồ ở trong cùng một nhà hội mà Ngài đã lớn lên. Khi Ngài bắt đầu giảng dạy, thiên hạ lấy làm lạ, nhiều người khác thì đặt câu hỏi nhiều hơn là câu trả lời (Lu-ca 4:13-40). Tóm lại, vấn đề là làm sao người đàn ông địa phương này, dù chưa từng được đào tạo làm thầy, lại có thể giảng dạy với uy quyền và làm phép lạ như vậy (Mác 1:22)? Họ không phủ nhận phép lạ hay sự khôn ngoan của Ngài, nhưng họ không dễ dàng chấp nhận việc một người địa phương không được ăn học như vậy lại có uy quyền vượt trội so với các nhà lãnh đạo tôn giáo trong thành (Mác 1:27). Sự tốt đẹp, chân thật, hay phép lạ không phải là nguyên nhân khiến Chúa Jêsus gặp rắc rối: vấn đề là phẩm chất đạo đức của Ngài ở một đẳng cấp khác, và điều đó khiến họ phiền giận (Ma-thi-ơ 15:12). Ngài có uy quyền mà họ không có. Khi ở gần, Chúa thật sự là một nan đề đối với những ai không muốn Ngài hơn họ.
Hầu hết những người không phải là Cơ Đốc nhân cảm thấy hài lòng khi các tín hữu thờ phượng Chúa và thông công cách kín đáo, khuất khỏi tầm mắt của công chúng. Mắt không thấy, lòng không phiền … không có gì để cáo trách lương tâm bất tuân của họ. Còn việc công khai thể hiện đức tin nơi Đấng Christ sẽ luôn nhận lại sự cười nhạo đầy bất công, dù là thừa nhận đi nhà thờ, đọc Kinh Thánh, hay tham dự nhóm ban ngành. Tất nhiên, không phải ai cũng bị kích động, nhiều người sẽ thể hiện phản ứng chiếu cố với vẻ cảm thông. Nhưng cảm giác bực tức vẫn hiện hữu nếu như sự hiện diện của Chúa Jêsus được chân thật bày tỏ. Đừng né tránh. Tin mừng là sự khó chịu về tinh thần cũng thường là sự day dứt đầu tiên của lương tâm. Hãy bày tỏ nếp sống Cơ Đốc cách minh bạch, và giải thích lý do tại sao bạn làm vậy (I Phi-e-rơ 3:15), mặc dù sẽ có vài người không muốn biết, nhưng Đức Chúa Trời sẽ cảm thúc một số bạn bè và đồng nghiệp của bạn tìm kiếm Chúa và được Ngài ban phước (Ma-thi-ơ 11:6).
Kính lạy Chúa là Đức Chúa Cha! Tạ ơn Chúa vì Chúa Jêsus có toàn quyền trên mọi sự và mọi người. Xin Chúa tha tội cho con khi con không dám để mình bị chế nhạo. Xin Chúa giúp con tiếp tục làm Cơ Đốc nhân cách minh bạch, nếu không, những người không biết Chúa có thể sẽ không bao giờ thấy được quyền năng biến đổi của Ngài lớn lao thể nào. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work