Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

“Cái giằm xóc”

HỏiTôi đã nghe giảng nhiều lần về một “cái giằm xóc” trong xác thịt của sứ đồ Phao-lô do Sa-tan đem đến theo 2 Cô-rinh-tô 12:7. Xin giúp tôi hiểu ý nghĩa “cái giằm xóc” này là gì?

Đáp: Sau khi Phao-lô từng trải kinh nghiệm “từng trời thứ ba” ông viết: “Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo” (2 Cô-rinh-tô 12:7). Cái giằm xóc trong xác thịt này là gì? Các học giả trải qua nhiều thế kỷ đã đưa ra vô số quan điểm.

I. Quan điểm thứ nhất cho rằng “cái giằm xóc” đó liên quan tới một loại cám dỗ nào đó.

Công giáo thời Trung Cổ, sau khi có bản Kinh Thánh tiếng La-tinh Vulgate, tin rằng cái giằm xóc của Phao-lô ám chỉ dục vọng xác thịt. Thế nhưng, dường như Phao-lô không gặp phải nan đề nào trong lĩnh vực này (tham chiếu 1 Cô-rinh-tô 7:7). Trong khi đó, các nhà cải chánh Giáo hội Tin Lành như Martin Luther và John Calvin cho rằng đó là một sự cám dỗ thuộc linh.

II. Quan điểm thứ hai là của giáo phụ Tertullian (150-220), người tin rằng cái giằm xóc đó là một cơn đau đầu hay chứng đau tai.

Trong quan điểm này, nhiều người đã đưa ra các chứng bệnh khác nhau, kể cả chứng nói lắp (tham chiếu 1 Cô-rinh-tô 2:1; 1 Cô-rinh-tô 10:1), chứng động kinh (tham chiếu Công vụ các sứ đồ 8:3-8; 22:17). Một gợi ý phổ biến nhất là Phao-lô bị chứng bệnh về mắt khiến ông có thị lực kém (tham chiếu Ga-la-ti 4:13-15; 6:11; Công vụ các sứ đồ 23:5). Dĩ nhiên, Sa-tan có thể gây nên những bệnh tật trên thân thể (tham chiếu Gióp 2).

III. Quan điểm thứ ba của giáo phụ John Chrysostom (347-407), người cho rằng cái giằm xóc ý nói đến những kẻ thù của Phao-lô.

Thánh Augustine (354-430) tin rằng cái giằm xóc ám chỉ những đau đớn của Phao-lô (tham chiếu 2Cô-rinh-tô 11:16-33). Phao-lô có những người chống đối tại Cô-rinh-tô, những người mà ông xem là các sứ đồ giả chịu tác động của Sa-tan (2 Cô-rinh-tô 11:1-15). Hơn nữa, “cái giằm xóc vào thịt” được dùng để chỉ sự quấy nhiễu thể chất trong Cựu Ước (tham chiếu Dân số Ký 33:55; Ê-xê-chi-ên 23:24). Phao-lô nói rằng ông bị kẻ thù “vả trên mặt” (κολαφίζω). Từ liệu nầy thường được dùng để ám chỉ sự đánh đập thân thể (xem 1 Cô-rinh-tô 4:11; so sánh với Mác 14:65; Ma-thi-ơ 26:67). Việc Phao-lô nhắc đến khải tượng tầng trời thứ ba của ông, xảy ra 14 năm trước (2 Cô-rinh-tô 12:2), ngụ ý rằng hoạn nạn này xảy ra lúc ông bắt đầu chức vụ. Có lẽ giằm xóc đó là sự đau đớn thể xác khi ông bị tấn công lúc ông bị bắt bớ (so sánh với Công vụ các sứ đồ 14:19).

Mỗi quan điển trên đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Có hai quan điểm quan trọng đáng nhớ.

a) Trước hết, cái giằm xóc trong thịt của Phao-lô là do Đức Chúa Trời cho phép xảy ra hoặc ban cho để ngăn Phao-lô kiêu ngạo về từng trải đặc biệt của ông (2 Cô-rinh-tô 12:7). Phao-lô hẳn hiểu được điều nầy bởi vì ông tìm kiếm Đức Chúa Trời, thay vì quở trách ma quỷ trong hoàn cảnh đó (2 Cô-rinh-tô 12:8). Dù Sa-tan có thể quấy nhiễu chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời vẫn tể trị hoàn toàn.

b) Thứ hai, Đức Chúa Trời nói “KHÔNG” với Phao-lô (2 Cô-rinh-tô 12:9). Những quyết định của Đức Chúa Trời trên cuộc đời của chúng ta, dù đôi khi đau đớn đều là tốt nhất (Rô-ma 8:28). Quyền năng của Đức Chúa Trời được nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của Phao-lô, và ân điển của Ngài đoái đến ông là đủ rồi. Ân điển của Đức Chúa Trời trên Phao-lô khiến ông có quyền năng thuộc linh để phục vụ nhiều người (xem 2 Cô-rinh-tô 12:9,12;13:3; 1 Cô-rinh-tô 2:4,5).

Trích từ “99 answers to questions about Angels, Demons, and Spiritual Warfare” by B.J.Oropeza

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn