Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Báp-têm bên ngoài và bên trong

Kinh Thánh: Mác 1:8-10

“Ta làm phép báp-têm cho các ngươi bằng nước; nhưng Ngài sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh. Vả, trong những ngày đó, Đức Chúa Jêsus đến từ Na-xa-rét là thành xứ Ga-li-lê, và chịu Giăng làm phép báp-têm dưới sông Giô-đanh. Vừa khi lên khỏi nước, Ngài thấy các từng trời mở ra, và Đức Thánh Linh ngự xuống trên mình Ngài như chim bồ câu.” (BTT)

Chúng ta không thể làm mọi thứ, nhưng chúng ta phải làm những gì chúng ta nên làm. Vai trò của Giăng Báp-tít trong việc giới thiệu Chúa Jêsus cho dân Y-sơ-ra-ên là rất quan trọng, nhưng chỉ trong thời gian ngắn theo nghĩa đen. Khi Giăng làm xong công việc của mình, Chúa Jêsus trở thành “nhân vật chính”, cuối cùng Giăng bị bỏ tù và hành quyết (Mác 6:25-29). Không phải là Giăng thất bại – mặc dù ông tự hỏi về điều này (Ma-thi-ơ 11:2-15) – đơn giản là Giăng đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Chức vụ của Chúa Jêsus sau đó bắt đầu.

Giăng làm báp-têm cho những ai thừa nhận tội lỗi của mình và muốn tiếp nhận Đấng Cứu Rỗi (Mác 1:4). Họ dìm mình dưới nước như một dấu hiệu cho thấy họ đã xưng tội (Mác 1:5). Chính Chúa Jêsus cũng chịu phép báp-têm. Tại sao? Chắc chắn là Ngài vô tội. Thật vậy, Ngài không phạm tội gì. Nhưng Ngài muốn đồng cảm với con người. Đó cũng là lý do tại sao Ngài đến – để chịu hình phạt vì tội lỗi của thế gian (Ê-sai 53:12; I Giăng 2:2). “Phép báp-têm” bắt nguồn từ hai từ ngữ tiếng Hy Lạp: “bapto” (nghĩa là nhúng) và “baptizo” (nghĩa là nhấn chìm hoặc ngập). Đó là những từ thường dùng trong gia đình. Nhà thơ Hy Lạp Nicander hướng dẫn làm món dưa muối trước tiên là nhúng rau vào nước sôi (bapto) và sau đó ngâm rau (baptizo) vào giấm. Quá trình đầu tiên là một hành động tạm thời và quá trình thứ hai tạo ra một sự thay đổi không thể đảo ngược. Cũng một thể ấy, Giăng đã “nhúng” dân chúng xuống sông Giô-đanh, nhưng Chúa Jêsus sẽ “nhấn chìm” họ bằng tình yêu của Ngài và “nhúng” họ trong Thánh Linh (Ê-sai 44:3), khiến họ trở nên con cái Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:9).

Mọi người đều thấy Đức Thánh Linh ngự xuống trên Chúa Jêsus khi Ngài lên khỏi mặt nước, và Đức Chúa Cha nói để xác nhận chức vụ của Ngài (Mác 1:11). Ba ngôi Đức Chúa Trời hợp nhất với nhau tại sông Giô-đanh. Sau đó, Chúa Jêsus được mô tả là đầy dẫy Đức Thánh Linh (Lu-ca 4:1). Giăng 7:37-39 chép: “Đức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy.” Chúa Jêsus muốn nói đến Thánh Linh, Đấng mà những người tin Ngài sau này sẽ nhận được. Tính đến thời điểm đó, Thánh Linh vẫn chưa được ban xuống, vì Chúa Jêsus chưa được tôn vinh.” Đức Thánh Linh được tuôn đổ trên Hội Thánh vào Lễ Ngũ Tuần (Giô-ên 2:28-29).

Chúng ta cũng được giao nhiệm vụ làm chứng về Chúa Jêsus (Công vụ 1:8). Không được đánh giá thấp vai trò của mình, nhưng chúng ta không thể làm một mình. Nếu Chúa Jêsus cần được đầy dẫy Đức Thánh Linh, thì chúng ta cũng vậy. Giống như Giăng Báp-tít, chúng ta phải giải thích và thuyết phục tội nhân rằng Chúa Jêsus muốn tha thứ cho họ và không trừng phạt họ. Phần còn lại là tùy thuộc vào Đức Chúa Trời, vì những người ăn năn được tái sinh bởi Đức Thánh Linh của Ngài. Chúng ta có thể, và phải, thánh sạch trong nếp sống của mình và mạnh mẽ trong việc làm chứng bằng lời nói của chúng ta; nhưng chúng ta không bao giờ có thể đặt sự sống của Đức Chúa Trời vào bất cứ ai. Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là chúng ta làm ngơ hoặc thụ động. Nhiệm vụ của chúng ta là giới thiệu Chúa Jêsus với mọi người.

Lạy Đức Chúa Trời, cảm ơn Ngài về món quà là sự sống mới trong Đấng Christ. Xin tha thứ cho con vì con đã sống và thậm chí đã làm chứng ​​bằng sức riêng của mình, hoặc không làm chứng về ân điển cứu rỗi của Chúa Jêsus. Xin cho con lại được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Ban cho con can đảm để làm điều chỉ một mình con có thể làm, và cho con sự khôn ngoan để trao mọi điều khác cho Ngài. Trong danh Chúa Jêsus. Amen!

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn