Kinh Thánh: Lu-ca 2:41-42
“Vả, hằng năm đến ngày lễ Vượt qua, cha mẹ Đức Chúa Jêsus thường đến thành Giê-ru-sa-lem. Khi Ngài lên mười hai tuổi, theo lệ thường ngày lễ, cùng lên thành Giê-ru-sa-lem.” (BTT)
Kinh Thánh chỉ có một câu chuyện ghi lại lúc Chúa Jêsus còn là một cậu bé. Đó chính là phân đoạn chúng ta đang đọc. Câu chuyện khởi đầu bằng chi tiết cho chúng ta thấy Ma-ri và Giô-sép tuân theo Lời Chúa rất nghiêm túc. Cựu Ước là kim chỉ nam cho họ trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời, trong đó hướng dẫn rằng mỗi người nam hằng năm phải tham dự 3 kỳ lễ tại Giê-ru-sa-lem: Lễ Vượt qua, Lễ Ngũ tuần và Lễ Lều tạm (Phục truyền Luật lệ Ký 16:16). Phụ nữ cũng được chào đón, kể cả trẻ em miễn có sự thông sáng hiểu được (Nê-hê-mi 8:2).
Kỳ lễ Do Thái quan trọng bậc nhất trong năm là Lễ Vượt qua. Đây là dịp để kỷ niệm sự giải cứu của Chúa, đưa dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi ách thống trị nô lệ tại Ai Cập vào khoảng 1.500 năm trước. Chiên con Lễ Vượt qua được giết để tạ ơn Đức Chúa Trời là Đấng đã giải cứu dân Ngài. Ma-ri và Giô-sép tham dự đều đặn mỗi năm, đơn giản vì họ vâng phục lời Đức Chúa Trời đã phán. Dù cho có nghèo khó ra sao, hoặc đường đi vất vả như thế nào, họ vẫn hòa cùng với đoàn người còn lại của dân Chúa để dâng tế lễ và thờ phượng. Có một điều ông bà không nghĩ tới đó là chính Chúa Jêsus sẽ trở thành Chiên Con Lễ Vượt qua, hy sinh để cứu chuộc chúng ta khỏi cuộc đời không ra chi (I Phi-e-rơ 1:18-20), và khỏi điều ác xung quanh chúng ta (Ga-la-ti 1:4).
Lúc mười hai tuổi, Chúa Jêsus đang ở trong năm tuổi trưởng thành. Đã đến thời điểm để biết đến trung tâm thờ phượng của Y-sơ-ra-ên, và Chúa Jêsus nằm trong đoàn người đi lên từ Na-xa-rét. Không có dấu hiệu nào trong sách Lu-ca cho thấy Giô-sép và Ma-ri nhận được chỉ dẫn cụ thể về vai trò làm cha làm mẹ của họ, ngoài những lời hứa về sự ra đời của Chúa và sự cần thiết phải tuân theo luật pháp Đức Chúa Trời. Ông bà không biết được mọi điều đó sẽ dẫn đến đâu, nên thực hiện bước tiếp theo trong sự vâng lời, đem Chúa Jêsus theo nhân dịp lễ kỷ niệm sự giải cứu của Đức Chúa Trời như một phần trong sự thờ phượng của gia đình (Phục truyền Luật lệ Ký 6:4-7).
Sự giáo dục tuyệt vời nhất mà cha mẹ có thể dành cho con cái mình đó là dạy cho trẻ biết rằng sống thờ phượng Đức Chúa Trời chính là trọng tâm của cuộc đời. Nguyên tắc sống này, giống như bất kỳ nguyên tắc nào khác, được dạy bằng cả hành động (đời sống thể hiện ra điều gì là quan trọng) và lời nói (giải thích tại sao điều đó quan trọng). Những cha mẹ tin kính sẽ cho con cái mình cùng tham gia vào thì giờ thờ phượng tại gia đình hoặc Hội Thánh: đây không phải chỉ là điều làm theo ý thích mà là điều căn bản phải có. Ngay cả Chúa Jêsus, dù là Con Đức Chúa Trời, Ngài vẫn được dạy cách thờ phượng Cha Ngài. Tất cả chúng ta được tạo dựng nên để thờ phượng Đức Chúa Trời; ai từ chối điều đó là đang lựa chọn con đường nguy hiểm nhất (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:9-12). Cha mẹ khôn ngoan sẽ đốc thúc con mình học Kinh Thánh, thờ phượng Chúa ngay từ khi còn thơ ấu. Rồi khi Đức Chúa Trời làm trưởng thành tư tưởng của những người con ấy, chúng sẽ có sẵn một nền tảng gieo hạt cho đức tin nảy mầm, và biết cách tương giao với Chúa là Đấng yêu thương mình.
Lạy Cha Thiên Thượng, con cảm ơn Chúa vì Lời Ngài chỉ dạy lý do và cách thức thờ phượng Ngài. Xin tha thứ cho những lần con đã thờ phượng Chúa chỉ như một thói quen tôn giáo, trong khi tâm con không hề nóng cháy hướng về Ngài. Cảm tạ Chúa đã đem đến những tiền nhân dạy dỗ con dâng tấm lòng lên cho Chúa, và hình thành một niềm khao khát lắng nghe Lời Chúa để từ đó con có thể ngợi khen và cầu nguyện. Xin giúp đỡ con trở nên một tấm gương thuộc linh tốt đẹp cho những người xung quanh, đặc biệt là con cái và những người trẻ. Xin dạy con biết cách bày tỏ Lời Ngài cho họ, để họ cũng thờ phượng Chúa bằng tất cả tấm lòng. Trong danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work