Hỏi: Mẹ Tê-rê-sa có được cứu rỗi và lên thiên đàng không?
Đáp: Để trả lời câu hỏi nầy, chúng ta cần nắm rõ điều kiện được cứu rỗi và được vào thiên đàng.
Liên quan đến sự cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu trên thiên đàng, Lời Kinh Thánh rất rõ ràng và đơn giản. Trước tiên, Đấng Christ đã chịu chết hy sinh trên thập tự giá vì tội lỗi của loài người để ai tin Ngài là Chúa và Chủ của đời mình thì được tha thứ và tẩy sạch mọi lỗi lầm bởi dòng Huyết của Ngài. Thứ hai, Đấng Christ đã sống lại để chúng ta được xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời. Như vậy, khi được xưng công chính rồi, chúng ta nhận được ơn cứu rỗi, được tiếp nhận vào gia đình của Đức Chúa Trời và được sự sống đời đời. Do đó, sự tha thứ và sự công chính không thể đạt được bởi công đức hay việc làm theo luật pháp, mà chỉ bởi đức tin trong Đấng Christ (tham chiếu Rô-ma 4:24-25).
Vì vậy, liên quan đến việc Mẹ Tê-rê-sa có được cứu rỗi và vào thiên đàng hay không thì không ai có thể chắc chắn. Thế nhưng, chúng ta cùng tìm hiểu về con người Mẹ Tê-rê-sa.
Mẹ Tê-rê-sa (1910-1997), sinh ra là Agnes Gonxha Bojaxhiu, hiện là xứ Ma-xê-đoan. Năm 18 tuổi, bà rời gia đình để gia nhập Dòng Nữ tu Loreto, một nhóm Nữ tu ở Ái-Nhĩ-Lan (Ireland). Tại đây, bà lấy tên là Nữ tu Mary Teresa, theo tên Thánh Thérèse của thành Lisieux. Một năm sau, tức 1929, Mẹ Tê-rê-sa chuyển đến Ấn Độ và dạy học tại một trường Công giáo dành cho nữ sinh.
Mẹ Tê-rê-sa là một nữ tu và nhà truyền giáo Công giáo. Bà nổi bật trong số những nhà nhân đạo tôn giáo nổi tiếng và được yêu mến nhất thế giới trong thế kỷ 20. Bà được biết đến vì đã phát triển các tổ chức truyền giáo quốc tế, thành lập trại trẻ mồ côi, khai trương viện dưỡng lão, phòng khám sức khỏe và phòng khám gia đình, và cống hiến hết mình cho nhiều tổ chức từ thiện khác. Có lẽ Mẹ Tê-rê-sa được tôn vinh nhất vì đã chọn hy sinh những tiện nghi và xa hoa thông thường để chăm sóc cho những người cơ cực nhất ở những nơi khổ cực nhất. Những nỗ lực nhân đạo được nhiều người biết đến và sự hy sinh của bà đã đem lại cho bà nhiều danh hiệu, giải thưởng và sự khác biệt trên toàn thế giới. Có lẽ vì tất cả những điều này cũng như sự sùng đạo của bà, nhiều người thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau tin rằng bà chắc chắn đã bước vào cõi vĩnh hằng trên thiên đàng.
Nếu có ai đủ điều kiện để có được sự sống vĩnh cửu dựa trên nỗ lực cá nhân, thành tích tốt và nhiều hành động hy sinh liên tục, thì đó sẽ là Mẹ Tê-rê-sa. Nếu một người có thể lên thiên đàng bằng những hành động nhân đạo cao quý, và bằng lòng sùng đạo, thì đó sẽ là Mẹ Tê-rê-sa. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rõ rằng việc làm nhân đạo và lòng sùng đạo không đáng được ân điển hoặc kiếm được sự cứu rỗi. Lời Đức Chúa Trời nói rõ rằng chúng ta chỉ được cứu khỏi địa ngục đời đời khi chúng ta được tái sinh nhờ ăn năn và tin nhận Đức Chúa Giê-xu Christ làm Chúa và Chủ cuộc đời mình (tham chiếu Giăng 3:3; Ma-thi-ơ 4:17; Mác 1:14–15; Lu-ca 13:3; 23:39-43; Rô-ma 10:9–11; Công vụ 4:12). Phân đoạn Kinh Thánh mang tính cảnh báo liên quan đến những người làm ra vẻ công chính trước mặt thế gian nhưng lại bị Đức Chúa Trời từ chối là Ma-thi-ơ 7:21-23. Hơn nữa, những việc làm nhân đạo và lòng sùng đạo của bà không bao giờ có thể đưa bà đến thiên đàng. “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8,9).
Nói tóm lại, những nổ lực nhân đạo của Mẹ Tê-rê-sa thật đáng trân trọng, đáng khen ngợi, nhưng chúng ta không được đề cao con người như Mẹ Tê-rê-sa và trao cho Mẹ một tấm vé lên thiên đàng miễn phí vì công việc từ thiện và lòng sùng đạo. Hy vọng rằng vào một thời điểm nào đó trước khi trút hơi thở cuối cùng, Mẹ Tê-rê-sa đã nhận được ơn cứu rỗi bởi đức tin nơi Đấng Christ, chứ không phải niềm tin vào đạo Công giáo hay những thành tựu đáng ngưỡng mộ của mình như là con đường dẫn đến thiên đàng. Mẹ Tê-rê-sa là một tội nhân cần Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cứu Rỗi duy nhất vì “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.” (Giăng 14:6)
Phỏng dịch từ các nguồn