Kinh Thánh: Mác 10:10-12
“Khi ở trong nhà, môn đồ lại hỏi Ngài về việc ấy; Ngài phán rằng: Ai để vợ mình mà cưới vợ khác, thì phạm tội tà dâm với người; còn nếu người đàn bà bỏ chồng mình mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội tà dâm.” (BTT)
Đám đông đã nghe lời dạy của Chúa Jêsus về việc ly hôn, rõ ràng là lời dạy đó cũng khiến các môn đồ xôn xao. Họ hỏi Ngài về hệ lụy của sự đổ vỡ trong hôn nhân (có lẽ bao gồm cả việc tái hôn). Câu trả lời của Ngài không phụ thuộc vào vấn đề đạo đức dựa trên hoàn cảnh mà vào ý định của sự sáng tạo ban đầu. Chúa Jêsus nói rằng tái hôn sau khi ly hôn là phạm tội tà dâm. Ngài nói thêm về điều này trong Ma-thi-ơ 19:9: “Vả, ta phán cùng các ngươi, nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm; và hễ ai cưới người bị để, thì phạm tội ngoại tình.” Và để có sự công bằng cho cả hai bên, Chúa Jêsus nói điều này cũng áp dụng cho người phụ nữ đã ly hôn chồng. Mặc dù ly hôn không được luật pháp Do Thái cho phép, nhưng việc này đã được chính quyền La Mã cho phép.
Đối với các môn đồ, đây không phải là một vấn đề về học thuật. Giăng Báp-tít từng lên án vua Hê-rốt và người vợ thứ hai của ông là Hê-rô-đia vì đã làm điều đó. Tóm lại, câu chuyện phía sau là nhà vua đến La Mã để gặp Hoàng đế Ti-be-rơ, và trong lúc ở đó ông đã đến thăm người anh cùng cha khác mẹ là Phi-líp và người vợ Hê-rô-đia mà ông yêu say đắm. Sau đó, Hê-rô-đia ủ mưu để Hê-rốt ly hôn với vợ mình là Phasaelis, và bà sẽ ly hôn với Phi-líp để họ có thể kết hôn hợp pháp. Giăng nói với Hê-rốt rằng việc ông lấy vợ của anh trai mình là không hợp pháp (Mác 6:17-19). Hê-rô-đia vô cùng tức giận về sự can thiệp của Giăng và nuôi thù hận với ông. Điều đó trở thành sự căm ghét tàn ác, dẫn đến việc Giăng bị hành quyết (Mác 6:21-29).
Vậy nếu các môn đồ đồng ý với lời dạy của Chúa Jêsus và rao giảng điều đó thì chuyện gì sẽ xảy ra với họ? Khi họ yêu cầu Chúa Jêsus giải thích, Ngài đã trả lời giống như Giăng Báp-tít. Chúa Jêsus không cung cấp cho các sứ đồ non trẻ những quy định bất khả thi cho Hội Thánh tương lai. Ngài đang đặt tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời vào lòng họ, là những tiêu chuẩn dựa trên những điều Đức Chúa Trời đã làm khi tạo dựng và đã phán khi ban phước cho hôn nhân. Những lời: “…người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng thế ký 2:24) được Chúa Jêsus lặp lại (Ma-thi-ơ 19:5; Mác 10:7). Điều này cũng được sứ đồ Phao-lô sử dụng làm nền tảng cho sự chung thủy trong hôn nhân ở Ê-phê-sô 5:31 bởi vì mối ràng buộc hôn nhân là hình ảnh gần gũi nhất của con người về sự cam kết của Đấng Christ với Hội Thánh của Ngài. Do đó, đây là một giáo lý quan trọng trong Kinh Thánh, và vẫn là một thách thức đối với những người giảng luận Kinh Thánh ngày nay.
Thật vậy, mọi khía cạnh trong đời sống thực tế của Hội Thánh đều dựa trên những điều Đức Chúa Trời đã làm: sự sáng tạo, sự hóa thân làm người, sự chuộc tội, thăng thiên và đầy dẫy Đức Thánh Linh… và những điều Ngài phán rằng Ngài sẽ làm: sự tái lâm, sự phán xét, thiên đàng và địa ngục, trời mới và đất mới. Vậy tại sao chúng ta lại xem nhẹ những lời dạy thực tế của Chúa Jêsus? Khi chúng ta thay thế công trình của Đức Chúa Trời bằng những ý tưởng khôn ngoan (và thậm chí là luông tuồng) của chính mình, thì công trình đó không thể đứng vững (Ma-thi-ơ 7:26-27). Sự tồn tại của ân điển chắc chắn là để xóa bôi những sai lầm trong quá khứ của chúng ta nhưng không bao giờ là để tạo điều kiện cho sự không tin kính trong tương lai của chúng ta (Rô-ma 6:1-4). Việc lãng phí ân điển (tức cho rằng nhờ có ân điển nên cứ tha hồ phạm tội vì chắc chắn sẽ được tha) cũng dại dột như ném vàng xuống biển.
Lạy Đức Chúa Trời nhân từ, con cảm ơn Ngài vì tất cả những gì con đang có đều là nhờ Ngài, lời Ngài, ân điển lớn lao của Ngài, lòng thương xót và tình yêu của Ngài. Xin tha thứ cho con vì đã không xây dựng đời sống theo những điều Ngài đã phán rõ ràng với con. Xin giúp con tránh khỏi sự bất cẩn của những người ngoại giáo vốn coi thường những điều thánh và khinh thường Lời Chúa. Nhân danh Chúa Jêsus. A-men.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work