Giới thiệu: Ê-li là một trong những tiên tri anh hùng nhất trong Cựu Ước. Đời sống của ông có một ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân Y-sơ-ra-ên với những lời tiên tri từ Đức Chúa Trời rao ra cho dân sự (Ma-la-chi 4:5). Thậm chí khi tiên tri Ê-li được cất lên trời trong một cơn gió lốc, thì có 50 tiên tri từ trường học của những tiên tri đã đi theo (2 Các vua 2:15-18). Chức vụ tiên tri của Ê-li phục vụ Đức Chúa Trời xảy ra trong suốt thời kỳ cai trị của các vua gian ác A-háp, và con trai của ông là A-cha-xia, trong vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên vào thế kỷ thứ 9 T.C. Cơ bản là họ thờ lạy thần tượng Ba-anh [thần mưa, gió, mây, sự màu mỡ của đất], (2 Các vua 3:2) và thần Át-tạt-tê (2 Các vua 13:6). Đức Chúa Trời đã đoán phạt đất của họ và sai tiên tri Ê-li đến quở trách về tội lỗi của họ cách can đảm. Trong phần 1 này chúng ta sẽ tập trung vào câu Kinh Thánh trong 1 Các vua 17:1 nói về “Một người được sai phái từ Đức Chúa Trời” – Đức Chúa Trời có thể sử dụng bất cứ đời sống nào hoàn toàn vâng phục ý muốn của Chúa và vì sự vinh hiển của Ngài.
I/ Ê-li là một người bình thường:
1/ Quê hương của Ê-li:
Câu Kinh Thánh 1 Các vua 17:1 cho chúng ta biết Ê-li đến từ Thi-sê-be trong khu vực Ga-la-át, là nơi nhiều đồi núi, gồ ghề và là nơi được biết có những đỉnh núi cao và những thung lũng sâu. Điều này cho thấy Ê-li là một người chất phác, mộc mạc. Khi ông bắt đầu chức vụ, cách ăn mặc, phong cách riêng của ông, và sứ điệp của ông ngắn gọn mộc mạc nhưng không dịu dàng giống như nơi chốn ông xuất thân. Cách ăn mặc của Ê-li kỳ lạ so với bất cứ người nào khác: Ê-li mặc áo lông, và thắt lưng bằng dây da (2 Các vua 1:8).
2/ Bản chất con người của Ê-li:
Chúng ta được cho biết điểm sâu sắc đáng chú ý về tiên tri Ê-li trong thơ Gia-cơ: “Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi. Đoạn người cầu nguyện lại, trời bèn mưa, và đất sanh sản hoa màu.” (Gia-cơ 5:17-18). Khi học về cuộc đời của Ê-li, chúng ta thấy rõ ràng Ê-li chỉ là con người. Ông là một người có tính khí nóng nảy, dễ ngã lòng, tiên tri Ê-li cũng trải qua những lúc cô đơn một mình trong chức vụ của mình.
Bài học: Điểm nhấn mạnh ở đây là Đức Chúa Trời không tìm kiếm những người phi thường thuộc linh. Đơn giản Chúa tìm kiếm những con người sẵn lòng vâng lời Ngài và đi đến nơi nào Ngài hướng dẫn họ. Chúng ta không biết bất cứ điều gì về Ê-li cho đến khi ông bước vào quang cảnh đối đầu với vua A-háp. Ê-li là người vô danh tiểu tốt, từ chỗ không được nhiều người biết đến, nhưng ông được Giê-hô-va Đức Chúa Trời lựa chọn làm theo ý muốn của Ngài và đem sứ điệp của Ngài đến một dân ương ngạnh, bướng bỉnh.
Đức Chúa Trời đã, đang và sẽ hành động qua đời sống của những người nam và người nữ đơn giản vâng phục theo ý muốn của Đức Chúa Trời và là những người như Ê-sai nói: “Có tôi đây, xin hãy sai tôi!” (Ê-sai 6:8). Điều quan trọng là Đức Chúa Trời muốn Cơ Đốc nhân vâng lời, làm theo ý muốn của Chúa hơn bất cứ điều gì khác (1 Sa-mu-ên 15:22).
II/ Ê-li là một người can đảm:
1/ Ê-li đã không tuân theo người cai trị ngu dại
Vua Y-sơ-ra-ên trong suốt thời kỳ tiên tri Ê-li thi hành chức vụ là một người đáng khinh có tên là A-háp. Theo 1 Các vua 16:30, 33 – A-háp là vị vua gian ác nhất đã từng ngồi trên ngôi vua Y-sơ-ra-ên. Ngoài điều đó, ông ta đã kết hôn với một người đàn bà gian ác đáng ghét có tên là Giê-sa-bên, là con gái của vua Si-đôn. A-háp cũng đã làm điều ác, chọc giận Giê-hô-va Đức Chúa Trời (1 Các vua 16:31). Giê-sa-bên đến từ một nhóm người hăng say thờ lạy thần Ba-anh, và cùng với chồng mình, vua A-háp làm điều ác, đã đem sự thờ lạy Ba-anh du nhập vào dân Y-sơ-ra-ên hơn bất cứ các vua Y-sơ-ra-ên khác (1 Các vua 16:32). Điều này, khiến dân Y-sơ-ra-ên bước vào lối sống đồi bại, không còn quan tâm đến những mạng lịnh của Đức Chúa Trời, chẳng hạn, một người có tên là Hi-ên ở Bê-tên đã cố sức xây lại thành Giê-ri-cô (xem 1 Các vua 16:34). Rõ ràng, đây là sự bất tuân mạng lịnh của Đức Chúa Trời một cách trực tiếp (Giô-suê 6:26).
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã sai tiên tri Ê-li đến. Ông đã đương đầu với vua A-háp và đã mạnh mẽ rao truyền sứ điệp của Chúa. Tiên tri Ê-li đã nói cho A-háp biết trước rằng mấy năm sau, nếu ta chẳng nói, chắc sẽ không có sương, cũng không có mưa. Điều này chứng tỏ tiến tri Ê-li phải can đảm để không nghe theo người cai trị gian ác.
2/ Ê-li đã phản đối kịch liệt tôn giáo sai lầm
Điểm then chốt trong sứ điệp của Ê-li là: sẽ không có mưa hay sương mấy năm sau. Đây là một sự tấn công trực tiếp chống lại tôn giáo sai lầm của sự thờ lạy thần tượng Ba-anh. Thờ lạy thần Ba-anh thường được thực hiện trên những nơi cao, trên đỉnh núi nơi các hình tượng Ba-anh hay Át-tạt-tê được dựng lên. Tiêu biểu là, những miếu thờ Ba-anh được bố trí bởi những thầy tế lễ và nữ tế lễ. Việc thờ cúng được thực hiện qua những hoạt động tình dục với một trong những lãnh đạo của Ba-anh.
Họ tin rằng khi họ được liên kết với một thầy tế lễ hay một nữ tế lễ trong quan hệ tình dục, theo nguyên văn họ sẽ trở thành những vị thần hoặc nữ thần trong một khoảng thời gian. Một trong những việc làm gian ác của sự thờ lạy Ba-anh đã tồn tại đó là việc dâng tế lễ con người. Khi đến thời kỳ hạn hán, điều đó có nghĩa là thần Ba-anh đang giận dữ với dân chúng. Để có sự quan tâm của thần Ba-anh, dân chúng thường dâng tế lễ là đứa con trưởng nam bằng cách thiêu sống đứa con mình. Có thể có nhiều điều nói về sự thờ lạy Ba-anh, nhưng cũng đủ để hiểu lý do họ chọc giận, và chống nghịch Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Sau tất cả những điều đó, dân chúng đã vi phạm nhiều điều răn, đặc biệt là các điều răn thứ 1,2,3 và 6.
Khi tiên tri Ê-li thông báo, ông đã tuyên bố cuộc chiến với Ba-anh. Vì vậy, Ê-li cần rất can đảm khi đứng trước kẻ đứng đầu của tôn giáo sai lầm đó. Thật ra, “Ê-li đáp rằng: Chẳng phải tôi làm rối loạn Y-sơ-ra-ên đâu, bèn là vua và nhà cha vua, bởi vì vua đã bỏ điều răn của Đức Giê-hô-va, và đã tin theo thần Ba-anh. Vậy bây giờ vua hãy sai người đi nhóm cả Y-sơ-ra-ên, với 450 tiên tri của Ba-anh, và 400 tiên tri của Át-tạt-tê, ăn tại bàn Giê-sa-bên, khiến họ đến cùng tôi trên núi Cạt-mên.” (1 Các vua 18:18-19).
Bài học: Đây là sự can đảm! Một sự can đảm chúng ta cần có để thể hiện ngày hôm nay. Sự can đảm này nhận được khi chúng ta để thì giờ ở với Chúa và từ một đời sống ngay thẳng với Lời Chúa, không thỏa hiệp với tội lỗi. Đây là sự can đảm đương đầu với sự nhạo báng, và phản đối những sai trái như những luật định về sự phá thai, đồng tính, đạo đức suy đồi bởi lạm dụng tự do tôn giáo, … Đây là sự can đảm sống một đời sống mạnh mẽ, đúng với lẽ thật trong những ngày con người sống buông thả.
III/ Ê-li là một người tận tâm:
1/ Chức vụ của Ê-li
Tên của Ê-li cho chúng ta biết lời chứng của ông. Tên Ê-li trong Anh ngữ là Elijah, theo nguyên văn Hy-bá-lai có nghĩa là “Đức Chúa Trời của tôi là Đức Giê-hô-va”(My God is Jehovah). Tên của ông cho biết ông có mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời trên trời. Đây là bước đầu tiên và chủ yếu trong việc trở nên người của Chúa. Cho đến khi chúng ta nhận biết Ngài, chúng ta không thể phục vụ Chúa! Con đường duy nhất để gặp được Chúa cách cá nhân là qua Chúa Giê-xu Christ, Con Đức Chúa Trời (Giăng 14: 6; Công Vụ các Sứ Đồ 16:31).
2/ Sự dựa nương của Ê-li
Khi đối đầu với vua A-háp và Giê-sa-bên trong Danh Đức Giê-hô-va, tiên tri Ê-li đã chứng minh lòng tin cậy Chúa hoàn toàn trong đời sống và chức vụ của mình. Ê-li không tin tưởng vào cánh tay xác thịt, nhưng đã dựa nương trong Đức Chúa Trời đời đời bởi đức tin. Đây là sự khác nhau rất lớn! Bí quyết thành công cho con cái của Đức Chúa Trời là đức tin (Hê-bơ-rơ 11:6; Rô-ma 14:23).
Bài học: Chúng ta phải đạt đến điểm này: chúng ta phải từ bỏ tất cả những chỗ dựa nơi con người xác thịt và chỉ nương dựa hoàn toàn trong Đấng chu cấp thiên thượng. Ngày nay có nhiều người sống dựa vào các tài khoản ngân hàng, việc làm, bằng cấp, khả năng, tri thức, và bất cứ điều gì. Những gì chúng ta cần là sống bởi đức tin, không dựa vào bất cứ điều gì ngoài Chúa – Đấng thỏa đáp mọi nhu cầu và giúp đỡ chúng ta đứng vững.
3/ Sự tận hiến của Ê-li
Chú ý cụm từ tiên tri Ê-li đã sử dụng: “Ta đứng trước” – Ê-li đã đứng trước vua Y-sơ-ra-ên, trước một trong những con người quyền lực nhất trong thời của ông. Tuy nhiên, tiên tri Ê-li có thể nhìn thấy xa hơn tất cả những cạm bẫy đó. Ông biết mình đang đứng trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, nên ông không cần cố gắng làm hài lòng A-háp. Không cần dùng lời nói để thuyết phục sứ điệp của ông để làm hài lòng hơn, chỉ có một Đấng trong nơi đó – Ngài phải đẹp lòng và Danh Ngài là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Đó là tất cả những gì chúng ta cần có trong đời sống này: sống không vì điều gì hơn là làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, và được Chúa sử dụng cho công việc của Ngài. Ê-li là một người thực hiện sứ mệnh, không mong muốn điều gì hơn là thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời. Đó là thái độ của sự tận hiến hoàn toàn. Đó là thái độ của một người Đức Chúa Trời có thể ban phước và Ngài có thể sử dụng!
IV/ Ê-li là một người tin cậy:
1/ Thân vị của Đức Chúa Trời
Chú ý tiên tri Ê-li tin vào Đức Chúa Trời hằng sống, như ông đã nói: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên hằng sống”. Hầu hết những người khác đã sống như là Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã chết. Chúng ta cần những người như Ê-li can đảm, mạnh mẽ để nói, “… nhưng tôi sẽ sống cho/vì Ngài, bởi vì Ngài là Đấng hằng sống trong tôi” Đây là tinh thần của tiên tri Ê-li, sự sống của Chúa ở trong ông.
2/ Quyền năng của Đức Chúa Trời
Hãy tra xem Gia-cơ 5: 17-18, tiên tri Ê-li khó chịu đối với tội lỗi của dân sự để rồi ông bắt đầu cầu nguyện cho trời đừng mưa. Chắc chắn, ý tưởng này được đặt trong lòng ông bởi Thần của Đức Giê-hô-va. Khi ông cầu nguyện, ông nhận được sự đảm bảo thật sự đây là ý muốn của Đức Chúa Trời. Vì vậy, tiên tri chỉ đến trước mặt vua A-háp và nói với vua A-háp trời sẽ không đổ mưa. Ông tin chắc Đức Chúa Trời mà ông phục vụ là một Đức Chúa Trời đầy quyền năng và có thể làm mọi điều!
Bài học: Đức Chúa Trời quyền năng nhắc nhở Cơ Đốc nhân chúng ta đang phục vụ Đấng có thể làm mọi điều (Gióp 42:4; Lu-ca 1:37; Ê-phê-sô 3:20). Ngài có thể thỏa đáp mọi nhu cầu. Ngài có quyền chữa lành mọi bệnh tật. Ngài có quyền trên thiên nhiên. Ngài là Đức Chúa Trời Toàn Năng! Không có điều gì quá khó cho Ngài (Sáng-thế ký 18:14). Ngài là Đức Chúa Trời Toàn Tri, trong mọi tình huống và trong bất cứ điều gì chúng ta đối diện trong đời sống. Ngài đều biết và Ngài bảo vệ, và binh vực chúng ta. Những gì Ngài đã làm cho dân sự như Ê-li, Ngài cũng có thể làm cho chúng ta.
3/ Lời hứa của Đức Chúa Trời
Tiên tri Ê-li đã đứng trước mặt vua A-háp cách can đảm bởi vì ông đã nhận sứ điệp từ Đức Chúa Trời liên quan đến tình trạng tội lỗi của dân sự. Tiên tri Ê-li tin chắc khi Đức Chúa Trời đã phán với ông, điều đó sẽ xảy ra, và điều đó đã xảy ra. Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ bỏ qua một lời hứa của Ngài đã ban cho dân sự. Khi Ngài đã hứa với chúng ta, điều đó sẽ được ứng nghiệm (Rô-ma 4:21; Hê-bơ-rơ 6:18).
Kết luận: Chúng ta học biết rằng tiên tri Ê-li đã có phản ứng gay gắt khi ông đã bày tỏ lời thông báo cho vua A-háp. Ê-li là tiên tri được sai phái từ Đức Chúa Trời, đến với một dân bội nghịch để công bố sự đoán phạt từ Đức Chúa Trời sẽ xảy đến. Tiên tri Ê-li không sợ nói thẳng và vạch trần những sự gian ác trong thời của ông, không sợ sống bởi đức tin trong Đức Chúa Trời trên trời, không sợ phó thác đời sống ông trong tay của Đức Chúa Trời và tin cậy Chúa trong mọi hoàn cảnh. Có bao nhiêu người trong chúng ta đang tin cậy Đức Chúa Trời? Có bao nhiêu người trong chúng ta đang đứng với Lời Chúa giữa thế giới tội ác này? Có bao nhiêu người trong chúng ta đang chống lại xu hướng kẻ ác trong thế giới ngày nay? Có bao nhiêu người trong chúng ta thật sự nhận biết Đức Chúa Trời giống như Ê-li. Ngày nay, Chúa vẫn cần những con người có tinh thần như Ê-li. Đức Chúa Trời của Ê-li không hề thay đổi.
(Còn tiếp)
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)