Tha-đê là một trong mười hai sứ đồ của Chúa Giê-xu, nhưng dường như ông hơi bí ẩn vì tên gọi của mình. Tha-đê được Jerome, học giả Kinh Thánh của thế kỷ thứ tư, đặt tên là Trinomius, nghĩa là người đàn ông có ba tên.
Tên Tha-đê được liệt kê trong Phúc âm Ma-thi-ơ 10:3 và Mác 3:18. Trong bản Kinh Thánh King James của Ma-thi-ơ 10:3, ông được gọi là Lebbaeus, có họ là Tha-đê (Lebbaeus, whose surname was Thaddaeus). Tuy nhiên, Lu-ca thay thế tên Tha-đê bằng tên Giu-đe trong Lu-ca 6:16 và Công vụ 1:13. Còn sứ đồ Giăng khi đề cập đến Tha-đê, thì ông gọi là “Giu-đe (Giu-đa), chứ không phải Ích-ca-ri-ốt.” (Giăng 14:22) Vì vậy, mặc dầu có nhiều tên, Tha-đê, Lebbaeus và Giu-đe nhưng đều là cùng một người.
Hoàn cảnh gia đình
Kinh Thánh không ghi chép lại về nghề nghiệp hay cuộc sống gia đình của Tha-đê ngoài việc cho biết cha của ông tên là Gia-cơ. (Công vụ 1:13) Tha-đê chỉ được liệt kê là một trong mười hai sứ đồ của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 10:2-4; Mác 3:16-19; Lu-ca 6:14-16; Công vụ 1:13).
Tên Tha-đê có nghĩa là “đứa trẻ vú mẹ”, còn Lebbaeus là “đứa trẻ có tấm lòng.” Ý nghĩa của những biệt danh này cho thấy Tha-đê có một tâm hồn dịu dàng, tấm lòng đơn sơ của con trẻ. Và cũng cho thấy các thành viên trong gia đình Tha-đê yêu mến ông khi đặt tên này cho ông.
Ít ai biết được những năm đầu đời của sứ đồ Tha-đê, nhưng có thể ông được sinh ra và nuôi dưỡng tại vùng Ga-li-lê, cùng quê hương của Chúa Giê-xu và nhiều sứ đồ khác, hiện nay thuộc Bắc Y-sơ-ra-ên, ngay phía Nam của Li-băng.
Truyền thuyết cho rằng Tha-đê được sinh ra trong gia đình người Do Thái ở thị trấn Paneas. Một truyền thuyết khác thì cho rằng mẹ của Tha-đê là chị em họ của Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-xu. Nếu như vậy, Tha-đê có thể có quan hệ huyết thống với Chúa Giê-xu.
Tóm lại, dù có ít thông tin về Tha-đê, nhưng điều nổi bật của sứ đồ này đó là sự thầm lặng, vẻ dịu dàng và về sau trở nên chứng nhân dạn dĩ cho Chúa Giê-xu Christ.
Những năm bước theo Chúa Giê-xu
Sự kiện quan trọng liên quan đến những năm theo Chúa Giê-xu của sứ đồ Tha-đê được đề cập duy nhất một lần trong Phúc âm Giăng 14. Chúa Giê-xu và mười hai sứ đồ tập trung trong phòng cao cho bữa tiệc thánh và Ngài nói với họ về sự chia tay vì sự thương khó sắp xảy ra với Ngài. Lẽ tất nhiên, các sứ đồ và cả Tha-đê đầy sự bối rối và muốn hỏi với Chúa Giê-xu nhiều điều. Và Tha- đê đã hỏi: “Lạy Chúa, vì sao Chúa sẽ tỏ mình cho chúng tôi, mà không tỏ mình cho thế gian?” (Giăng 14:22)
Câu hỏi của Tha-đê tiết lộ một vài điều về chính con người ông. Trước tiên, ông cảm thấy đủ thoải mái trong mối quan hệ gần gũi của mình với Chúa Giê-xu để làm gián đoạn Ngài bằng một câu hỏi. Thứ hai, Tha-đê muốn biết tại sao Chúa Giê-xu sẽ đối xử với các môn đồ khác với người trong thế gian. Và thứ ba, giống như hầu hết những người Y-sơ-ra-ên ở thế kỷ thứ nhất, Tha-đê đang mong đợi một Đấng Mê-si-a sẽ tiết lộ chính Ngài nắm quyền lực trên Y-sơ-ra-ên đối với thế giới.
Chúa Giê-xu trả lời cho Tha-đê rất đơn giản: “Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người.” (Giăng 14:23)
Tình yêu và sự vâng lời đối với Chúa không thể tách rời trong đời sống Cơ Đốc nhân. Người yêu Chúa Giê-xu là người vâng theo lời Ngài và người đó được ở trong sự hiện diện của Ngài. Chính Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ về Đấng Christ trong lòng người ấy; tuy nhiên với mọi người trong thế gian thì Chúa Giê-xu vẫn còn là sự ẩn giấu.
Kinh Thánh không tiết lộ nhiều hơn về Tha-đê. Tuy nhiên, giống như các sứ đồ khác, Tha-đê rời bỏ cuộc sống trước kia để bước theo phục vụ Chúa Giê-xu một cách trung thành, chịu đựng khó khăn và bắt bớ, hy sinh cả tính mạng mình cho nước Trời.
Những năm phục vụ cuối đời
Theo hầu hết các truyền thống, một vài năm sau Lễ Ngũ Tuần, sứ đồ Tha-đê đã đem Phúc âm đến phía Bắc Edessa (Mê-sô-pô-ta-mi), thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ở đó, ông đã chữa lành Abgar, vua của Edessa khỏi căn bệnh nặng. Qua sự trình bày lẽ thật của Phúc âm một cách hùng hồn, Tha-đê đã đem vua Abgar và cả gia đình vua, cũng như nhiều cận thần và dân sinh sống ở Edessa trở về với Chúa Giê-xu, và mở một Hội Thánh ở Edessa.
Cũng theo truyền thống phổ biến, sứ đồ Tha-đê và sứ đồ Na-tha-na-ên, được xem là những người khai sáng Phúc âm đầu tiên đến Armenia. Tha-đê đã phục vụ công tác truyền giáo tại Armenia từ năm 43 đến 66 SC.
Sau khi kết thúc câu chuyện của sứ đồ Tha-đê và vua Abgar, thì Movsès Xorenac’I, người được vinh danh cha đẻ lịch sử Armenia, cho rằng sứ đồ Tha-đê đã tử vì đạo và xác của ông được chôn cất ở Artaz. Theo truyền thuyết, sứ đồ Tha-đê bị đánh bằng dùi cui cho đến chết, và sau đó đầu của sứ đồ bị đập vỡ bằng cái rìu lớn.
Một truyền thuyết khác cho rằng sứ đồ Tha-đê bị đóng đinh ở nước Ba Tư vào năm 72 SC. Cho dù Tha-đê đã chết như thế nào, thì ông chắc chắn đã tuận đạo vì rao giảng Phúc âm. Sứ đồ Tha-đê để lại tấm gương của một đời sống trung thành, chịu khó nhọc, hy sinh vì Danh Chúa cho đến cùng.
Suy ngẫm
Bài học trước hết chúng ta cần rút ra qua cuộc đời của sứ đồ Tha-đê đó là lòng biết ơn Chúa đã chọn chúng ta. Chính Ngài đã yêu thương lựa chọn Tha-đê và mỗi chúng ta để thuộc riêng về Ngài.
Khi Tha-đê đặt câu hỏi: “Lạy Chúa, vì sao Chúa sẽ tỏ mình cho chúng tôi, mà không tỏ mình cho thế gian?” (Giăng 14:22). Ông bày tỏ lòng biết ơn Chúa vì Ngài bày tỏ chính mình Ngài cho ông. Thật đây là ơn phước lớn lao Chúa dành cho những ai thuộc về Ngài. Như sứ đồ Tha-đê, chúng ta là những người ít được ai biết đến, nhưng Chúa đã chọn chúng ta để làm vinh hiển Danh Ngài. “Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Ngài đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh…” (I Cô-rinh-tô 1:27-29).
Bài học quan trọng tiếp theo chúng ta cần học nơi sứ đồ Tha-đê đó là hãy có tâm hồn đơn sơ, mềm mại đi theo Chúa Giê-xu. Tha-đê không quá ồn ào, không phải người viết lách nhiều hay làm nhiều dấu kỳ phép lạ như các sứ đồ khác đã được Kinh Thánh ghi lại. Nhưng điều quan trọng đó là Chúa Giê-xu đã thiết lập vương quốc của Ngài trong tấm lòng của sứ đồ nhu mì và có tấm lòng mềm mại này.
Cũng vậy, chúng ta không cần phải tự cố gắng trở nên quá xuất chúng để người ta phải nhớ đến mình khi hầu việc Chúa. Hãy cứ mềm mại và trung tín cho những gì Chúa đặt trong đôi tay chúng ta. Chúa biết những gì chúng ta làm cho Ngài và đến cuối cùng chính Ngài sẽ ban thưởng chúng ta.
(*) Tham khảo: Cuộc Đời Các Sứ Đồ của Đấng Christ, Tập I. Ban Tu thư Tổng Liên Hội. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)