Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Sứ đồ Na-tha-na-ên: một người Y-sơ-ra-ên thật

Na-tha-na-ên, còn được gọi là Ba-thê-lê-my, là một trong mười hai sứ đồ của Chúa Jêsus. Mặc dù không có nhiều thông tin về Na-tha-na-ên, nhưng Kinh Thánh tiết lộ ông là một đầy tớ chân thật, sáng suốt, trung thành của Chúa Jêsus Christ và là học trò của Cựu Ước. Sau Chúa phục sinh, Na-tha-na-ên tiếp tục trở thành người lãnh đạo chủ chốt trong Hội Thánh đầu tiên, mang Tin Lành cứu rỗi của Chúa Jêsus Christ đến tận cùng trái đất. Na-tha-na-ên đã đi con đường hẹp, hy sinh cho Nước Trời đến giây phút cuối cùng.

Hoàn cảnh gia đình

Tên “Na-tha-na-ên” có nghĩa là “Chúa đã ban cho” trong tiếng Do Thái. Thật thú vị, Na-tha-ên chỉ được nhắc đến trong Phúc âm Giăng; ba Phúc âm khác xác định ông tên Ba-thê-lê-my (Ma-thi-ơ 10:3; Mác 3:18; Lu-ca 6:14; Công vụ 1:13). Ba-thê-lê-my là tên họ trong tiếng Hê-bơ-rơ của Na-tha-na-ên, có nghĩa là “con trai của Talmai” (Thanh Mai), từ này xuất hiện trong II Sa-mu-ên 13:37. Như vậy, Na-tha-na-ên sẽ được biết đến với tên chính thức là Na-tha-na-ên, con trai của Thanh Mai, hoặc Na-tha-na-ên Ba-thê-lê-my.

Na-tha-na-ên đến từ Ca-na, vùng Ga-li-lê, nơi Chúa Jêsus đã làm phép lạ đầu tiên bằng cách hoá nước thành rượu tại tiệc cưới (Giăng 2:11). Ca-na chỉ cách quê hương của Chúa Jêsus ở Na-xa-rét vài dặm về phía bắc và cách Bết-sai-đa vài dặm về phía tây, quê hương của Phi-líp, người bạn tốt của Na-tha-na-ên (Giăng 1:44). Trong danh sách mười hai sứ đồ, tên của Phi-líp và Ba-thê-lê-my luôn đi với nhau. Vì vậy, chẳng ngạc nhiên, chính Phi-líp đã đem Na-tha-na-ên đến với Chúa Jêsus.

Học trò Cựu Ước

Phúc âm Giăng cho biết Chúa Jêsus đã tìm Phi-líp sau khi Ngài kêu gọi Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng làm môn đồ của Ngài (Giăng 1:43). Cũng như Anh-rê sau khi gặp Chúa Jêsus đã lập tức đi tìm anh mình là Phi-e-rơ để giới thiệu về Ngài, Phi-líp đã nhanh chóng báo tin mừng cho bạn mình là Na-tha-na-ên: “Chúng ta đã gặp Đấng mà Môi-se có chép trong luật pháp, và các đấng tiên-tri cũng có nói đến; ấy là Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét, con của Giô-sép.” (Giăng 1:45)

Một điều không thể phủ nhận là cả Phi-líp và Na-tha-na-ên đều là học trò Cựu Ước trước khi gặp Chúa Jêsus. Họ nghiên cứu Luật pháp Môi-se và đọc các sách tiên tri. Nhưng thay vì chỉ là những độc giả bình thường, Phi-líp và Na-tha-na-ên đã say mê Lời Chúa, có lẽ cả hai đang háo hức chờ đợi và thậm chí tìm kiếm Đấng Mê-si-a. Do đó, Phi-líp đã ngay lập tức đi nói với Na-tha-na-ên rằng Đấng Cứu Thế đã đến khi xác định Chúa Jêsus chính là Đấng Mê-si-a.

Một người Y-sơ-ra-ên thật

Mặc dù có tấm lòng khao khát tìm kiếm Đấng Cứu Thế, nhưng khi nghe tin của Phi-líp, Na-tha-na-ên đã trả lời: “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” (Giăng 1:46). Trong khi người Giu-đa thường coi khinh người Ga-li-lê, thì dường như ngay cả người Ga-li-lê, bản thân Na-tha-na-ên xuất thân từ Ca-na cũng có thái độ xem thường người Na-xa-rét là những người thô lỗ và ít học.

Để thách thức sự cố chấp mù quáng của bạn mình, Phi-líp đáp lại bằng một lời mời đơn giản: “Hãy đến xem!” (Giăng 1:46). Nhưng, điều đáng chú ý là Chúa Jêsus biết được tấm lòng của Na-tha-na-ên. Ngài chào đón người sắp trở thành sứ đồ của Ngài, không phải với sự trách móc hay khinh thường, nhưng đúng hơn, bằng một lời khen ngợi: “Đức Chúa Jêsus thấy Na-tha-na-ên đến cùng mình, bèn phán về người rằng: Nầy, một người Y-sơ-ra-ên thật, trong người không có điều dối trá chi hết.” (Giăng 1:47)

Tại sao Chúa Jêsus lại khen một người đã bày tỏ thành kiến rõ ràng với quê hương của Ngài như vậy? Có lẽ, ngay cả Na-tha-na-ên cũng đã bất ngờ trước lời khen của Chúa Jêsus và ông đáp lại: “Bởi đâu thầy biết tôi ?” Chúa Jêsus trả lời: “Trước khi Phi-líp gọi ngươi, ta đã thấy ngươi lúc ở dưới cây vả.” (Giăng 1:48)

Thực sự, Chúa Jêsus không chỉ biết Na-tha-na-ên về định kiến của ông mà còn biết cả tấm lòng khao khát trông chờ Đấng Mê-si-a khi ông ngồi một mình dưới cây vả để học Lời Ngài. Bất chấp những sai sót của mình, nếu có một điều mà Na-tha-na-ên không có, thì đó là một kẻ đạo đức giả. Ông không phô trương hay giả vờ để gây ấn tượng với bất kỳ ai. Ở Na-tha-na-ên, Đấng Christ đã tìm thấy một người Y-sơ-ra-ên thật. Có lẽ Ngài đang đối chiếu tính cách của ông với tổ phụ Gia-cốp, người được biết là dối trá và lừa gạt.

Sự toàn tri của Chúa Jêsus đã đánh tan sự hoài nghi và chữa lành sự mù lòa của Na-tha-na-ên. Và rồi Na-tha-na-ên đáp ứng lời mời gọi của Chúa Jêsus bằng lời tuyên bố đầy sâu sắc bởi đức tin rằng: “Lạy thầy, thầy là Con Đức Chúa Trời, thầy là Vua dân Y-sơ-ra-ên!” (Giăng 1:49) Na-tha-na-ên đã được phần thưởng tùy theo đức tin mình, vì Chúa Jêsus đáp rằng: “Vì Ta đã phán cùng ngươi rằng Ta thấy ngươi dưới cây vả thì ngươi tin; ngươi sẽ thấy việc lớn hơn điều đó. Các ngươi sẽ thấy trời mở ra và thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con Người.”(Giăng 1:50, 51)

Chúa Jêsus đang ám chỉ đến câu chuyện về chiếc thang của Gia-cốp trong Sáng thế ký 28. Nhưng thay vì đi lên và đi xuống trên một cái thang như trong giấc mơ của Gia-cốp, các thiên sứ lên xuống trên Con Người – chính là Chúa Jêsus, Ngài là Đấng trung bảo kết nối giữa Đức Chúa Trời và loài người. (Hê-bơ-rơ 9:12)

Trải nghiệm bước theo Chúa

Sau khi tuyên xưng đức tin nơi Chúa Jêsus, Na-tha-na-ên lập tức đi theo Chúa và trở nên một sứ đồ trung thành của Ngài. Na-tha-na-ên được ở bên người Thầy vĩ đại để được trang bị, học hỏi và sai đi giảng đạo. Ắt hẳn, ông chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm: người mù được sáng, kẻ què được đi, người phung được lành. Một vinh dự lớn cho Na-tha-na-ên được ngồi tại bàn Lễ Tiệc Thánh. Sau khi Chúa Jêsus phục sinh, Na-tha-na-ên có mặt cùng với các môn đồ khác trong phòng cao khi Chúa Jêsus hiện ra với họ lần đầu tiên (Ma-thi-ơ 28:9-10; Mác 16:14-20; Lu-ca 24:36-49; Giăng 20:19-29).

Ngoài ra, Na-tha-na-ên được chứng kiến phép lạ và ăn sáng với Chúa Jêsus trên bờ biển Ti-bê-ri-át (Giăng 21:1-14). Đặc biệt, Na-tha-na-ên cùng các sứ đồ nhận Đại Mạng Lệnh của Chúa Jêsus Christ (Ma-thi-ơ 28:19-20). Và ông cũng đã chứng kiến sự thăng thiên của Chúa Jêsus (Công vụ 1:9-11).

Sau đó, Na-tha-na-ên cùng với các sứ đồ còn lại trở lại phòng cao ở Giê-ru-sa-lem, cùng cầu nguyện với nhau và chọn Ma-thia làm người thay thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, người vừa treo cổ tự tử (Công vụ 1:12-26). Ông cũng có mặt trong ngày Lễ Ngũ Tuần, nơi ông và các sứ đồ nhận lãnh Đức Thánh Linh giáng lâm (Công vụ 2:1-4).

Tên của Na-tha-na-ên từ đó không được đề cập trực tiếp nữa trong Tân Ước, nhưng ông tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành Hội Thánh đầu tiên, mang phúc âm đến tận cùng trái đất.

Những năm phục vụ cuối đời

Mặc dù không có nhiều thông tin về Na-tha-na-ên ngoài các sách Phúc âm, theo lịch sử truyền thống, mục vụ truyền giáo của ông đã trải rộng từ Tiểu Á đến Parthia (I-ran), Ai Cập và Ấn Độ. The Bloody Theater or Martyrs Mirror of the Defenseless Christians (1660) cho biết Na-tha-na-ên đã thực thi công tác truyền giáo trước tiên tại Ly-cao-ni, rồi sau đó ở Sy-ri và các vùng thượng ở Á Châu. Cuối cùng, sứ đồ Na-tha-na-ên rao truyền Phúc âm đến Armenia. Một số truyền thống kể về việc ông đã tuận đạo vì trung thành với Đấng Christ, ông bị lột da sống và chém đầu theo lệnh vua Astyages, Đại vương Armenia.

Tóm lại, dù có khuyết điểm nhưng Na-tha-na-ên là một người Y-sơ-ra-ên chân thật, ham học hỏi Kinh Thánh và sẵn sàng đón nhận Chúa Jêsus là Chúa và Vua của mình. Ông đã chứng tỏ là một đầy tớ trung thành của Chúa Jêsus Christ, tận hiến đời sống mình để rao truyền Phúc âm.

Suy Ngẫm

Sứ đồ Na-tha-na-ên được cho là sứ đồ kín tiếng, yên tịnh, nhưng cuộc đời của người Y-sơ-ra-ên thật này để lại cho Cơ Đốc nhân ngày nay những bài học quý báu.

Đức Chúa Trời có quyền thay đổi chúng ta: Đức Chúa Trời có quyền thay đổi chúng ta như Ngài đã thay đổi Na-tha-na-ên. Bất chấp thành kiến ban đầu của Na-tha-na-ên, Chúa Jêsus đã nhìn thấu con người tội lỗi, bất toàn và tầm thường đến tấm lòng khao khát của một người sẵn sàng bỏ lại tất cả để theo Ngài. Chúa Jêsus kêu gọi, biến đổi Na-tha-na-ên và chúng ta để trở thành công cụ đem lại sự vinh hiển cho Ngài.

Dành thời gian dưới cây vả: Trong văn hoá của Y-sơ-ra-ên, việc đề cập đến cây vả là một biểu tượng cho việc nghiên cứu Kinh Thánh. Do đó, cần dành thì giờ để ở dưới cây vả là bài học quý báu chúng ta cần học nơi sứ đồ Na-tha-na-ên. Hình ảnh Na-tha-na-ên ngồi dưới cây vả dành thì giờ ở riêng với Chúa qua sự suy gẫm Kinh Thánh thúc giục mỗi Cơ Đốc nhân ngày nay, là những người đang sống trong thế giới bận rộn và ồn ào chung quanh, cần dành thời gian yên tĩnh với Chúa.

Chúa Jêsus nhìn thấy sứ đồ Na-tha-na-ên ở dưới cây vả. Chúa biết ông, yêu thương, dạy dỗ, thách thức, động viên và ban lời hứa cho ông. Cũng vậy, ở dưới cây vả, Chúa biết rõ cả quá khứ lẫn tương lai của mỗi chúng ta. Và chính Ngài sẽ yêu thương, dạy dỗ, động viên và ban thưởng cho những ai làm theo Lời Chúa hứa trong Kinh Thánh. “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Vì ta đã phán cùng ngươi rằng ta thấy ngươi dưới cây vả, thì ngươi tin; ngươi sẽ thấy việc lớn hơn điều đó!”(Giăng1:50)

Như Na-tha-na-ên, chúng ta cũng có những nhược điểm, nhưng với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta có thể khắc phục và trở thành người đầy tớ trung thành của Ngài. Hễ chúng ta khao khát ở với Ngài và sẵn lòng làm bất cứ điều gì để ở gần Ngài, thì chúng ta cũng “sẽ thấy việc lớn hơn điều đó.” (*)

(*) Tham khảo: Cuộc Đời Các Sứ Đồ của Đấng Christ, Tập I. Ban Tu thư Tổng Liên Hội. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn