Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 4:21, 22; Mác 3:17; Lu-ca 6:14
I. Tìm hiểu về sứ đồ Gia-cơ (Con của Xê-bê-đê):
Con của ông bà Xê-bê-đê và Sa-lô-mê. Là anh của Sứ đồ Giăng.
Được Chúa kêu gọi khi đang cùng làm việc trên thuyền với gia đình trong biển Ga-li-lê.
Đi theo tiếng gọi và trở nên một trong 12 sứ đồ của Chúa Jêsus.
Là anh em họ với Chúa Jêsus vì bà Sa-lô-mê là chị của bà Ma-ri, mẹ Chúa (Mat 27:56).
Là một trong ba môn đệ rất thân cận với Chúa Jêsus (Mat 17:1, 26:37).
Lưu ý: Có nhiều nhân vật trong Kinh Thánh mang tên Gia-cơ, nhưng chúng ta cần phân biệt 2 trong số những người ấy là:
- Trong các sứ đồ của Chúa Jêsus còn có một Gia-cơ, con của A-phê (Mat 10:2, 3; Luca 6:15), theo Mác 15:40 còn được gọi là Gia-cơ nhỏ.
- Gia-cơ là em Chúa Jêsus (Mat 13:55; Mác 6:3; Ga-la-ti 1:19). Lúc Chúa ở thế gian thì Gia-cơ và các em chưa tin Chúa (Giăng 7:3-5), cho đến khi Chúa sống lại thì họ mới tin Ngài (Công vụ 1:14). Về sau, Gia-cơ nầy là người lãnh đạo Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, trong thư tín Gia-cơ ông thường xưng mình là tôi tớ của Chúa Jêsus (Gia-cơ 1:1).
II. Hành trình đức tin của sứ đồ Gia-cơ:
1. Những bước khởi đầu:
Gia đình Xê-bê-đê có những người làm công giúp đỡ cho thấy gia cảnh của họ khá giả, giàu có (Mác 1:19, 20). Khi Chúa Jêsus đến và gọi hai anh em (Gia-cơ với em Giăng) thì họ vẫn đang miệt mài vá lại những chỗ lưới rách để chuẩn bị cho việc thả lưới ngày mai. Đáp ứng tiếng Chúa gọi, họ lập tức đứng dậy, bỏ thuyền, bỏ việc, để cha mình ở lại với mấy người làm thuê, rồi theo Chúa.
Gia đình Gia-cơ có địa vị trong xã hội, cũng thân quen với gia đình thầy cả thượng phẩm, nên đã xin cho Phi-e-rơ được vào bên trong sân của thầy cả thượng phẩm để rồi Phi-e-rơ cũng đứng gần bên đống lửa mà sưởi vì trời lạnh… (Giăng 18:15-18).
Vì vốn là một ngư phủ nên rất mau mắn, mạnh mẽ, nhiệt thành, sốt sắng và tính khí thì nóng nảy, nên hai anh em đã xin Chúa khiến lửa từ trời thiêu đốt thành Sa-ma-ri vì họ không tiếp rước Chúa. Chúa thấy tính nóng nảy của họ nên Ngài đặt tên cho họ là “Bô-a-nẹt”, nghĩa là “con trai của sấm sét” (Mác 3:17; Lu-ca 9:53, 54).
Trong vòng các sứ đồ, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng là nhóm người đặc biệt được Chúa Jêsus cho cơ hội để chứng kiến những sự kiện quan trọng và thấy các phép lạ Chúa làm:
- Khi Chúa kêu con gái Giai-ru sống lại (Mác 5:37; Luca 8:51).
- Họ được cùng Chúa tẽ lên núi cao để ngắm xem sự vinh hiển khi Chúa biến hóa (Mat 17:1; Mác 9:2; Luca 9:28).
- Họ cũng đã tận mắt chứng kiến sự đau đớn, thống khổ của Chúa Jêsus trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Mác 14:33; Mat 26:37).
2. Những trải nghiệm trong hành trình:
Những trải nghiệm đặc biệt từ Chúa là nguồn động lực cho các môn đệ thân tín của Ngài (Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng) để họ vững bước trên hành trình theo Chúa:
- Phép lạ Chúa kêu con gái Giai-ru sống lại để họ thêm sự can đảm, hết lòng tin cậy Chúa.
- Sự vinh quang sáng lòa khi Chúa hóa hình để họ thêm đức tin nơi Ngài chính là Đức Chúa Trời.
- Chiêm ngưỡng sự thống khổ của Chúa trong vườn Ghết-sê-ma-nê khiến họ thiết tha yêu Ngài và sẵn sàng chịu thương khó với Ngài.
Bà Sa-lô-mê và cả hai con trai mình đều đến xin Chúa Jêsus cho họ (Gia-cơ và Giăng) được chỗ cao nhất bên cạnh Ngài. Có lẽ họ đang nghĩ đến ngày Chúa Jêsus sẽ lập lại và cai trị quốc gia Do Thái.
Được Chúa giải thích và tỏ cho họ biết giá phải trả cho những người theo Chúa: Các ngươi uống được chén ta uống và chịu phép báp têm ta chịu được không? Tức là các ngươi có sẵn sàng chịu uống chén đắng, chén hoạn nạn, chén đau khổ… và chịu chết được không? Họ trả lời rằng: Được! Lúc đó Gia-cơ và Giăng không hiểu điều họ hứa với Chúa là được, nhưng Chúa bảo: Thật vậy, các ngươi sẽ làm như thế!
Sau khi Chúa phục sinh, Gia-cơ cùng các sứ đồ đã được Chúa xác chứng về sự sống lại của Ngài và dạy dỗ họ về nước Đức Chúa Trời trong 40 ngày, họ tiếp tục ở tại Giê-ru-sa-lem 10 ngày sau khi Chúa thăng thiên, để chờ đợi được nhận lãnh Đức Thánh Linh như lời Chúa hứa (Lu-ca 24:48, 49; Công 1:3, 4).
Theo quyển sưu tập nghiên cứu về “Tấm gương những người tuận đạo” thì sau khi Chúa Jêsus phục sinh, sứ đồ Gia-cơ còn sống 14 năm nữa trước khi ông tử vì đạo. Trong thời gian ấy, Gia-cơ đã đến Tây Ban Nha để rao truyền Tin Lành; và khi ông trở về Giê-ru-sa-lem, không lâu sau đó, Hê-rốt Ạc-ríp-ba I đã bách hại Hội Thánh và đối xử tàn bạo với con dân Chúa, họ bắt Phi-e-rơ và Gia-cơ bỏ tù, rồi cũng ra lệnh hành hình Gia-cơ bằng cách chém đầu ông tại Giê-ru-sa-lem (Công vụ 12:1-5).
Vậy, Gia-cơ là vị sứ đồ đầu tiên chịu tuận đạo vì Chúa, và thật sự Gia-cơ đã uống chén của Chúa như điều ông đã hứa! Theo sử gia của Hội Thánh đầu tiên đã viết: “Ngay giờ phút sắp bị hành hình, Gia-cơ vẫn hiền lành, hòa nhã. Trong khi tên lính điệu Gia-cơ đến trước quan án, ông ta nhìn biết Gia-cơ là một người vô tội và thấy vị sứ đồ vẫn an nhiên làm chứng về Chúa Jêsus trong giờ đau đớn nhất lúc đứng trước cái chết cận kề. Khi đến nơi hành hình tên lính La mã bỗng nhiên cảm động đến nỗi xưng nhận đức tin nơi Đấng Christ cách cá nhân trước quan án và nài xin Gia-cơ sự tha thứ. Sau khi suy nghĩ một chút, Gia-cơ nói với người lính La Mã: “Nguyện ông được bình an” và hôn lên ông ấy! Và như vậy, cả hai – sứ đồ Gia-cơ và anh lính mới vừa qui đạo đều bị chém đầu.”
III. Bài học cho chúng ta:
Dầu Gia cơ đang rất tất bật trong công việc, nhưng khi Chúa gọi ông sẵn sàng đáp ứng, lập tức đứng dậy đi theo Chúa, vì biết rằng Chúa dành cho cơ hội và chương trình tốt lành trên mỗi người. Vì vậy dẫu chúng ta là ai, làm công việc gì, hoàn cảnh gia đình ra sao, khi được Chúa kêu gọi hãy sẵn sàng thưa vâng, vì khi ‘con lo việc Chúa thì Chúa lo việc con’.
Đừng vì sự va chạm cá nhân hay sự hiểu lầm nào đó mà xử sự thiếu yêu thương, hoặc oán giận, trả thù nhau. Hãy nhớ lời quở trách của Chúa với Gia-cơ và Giăng. Hãy cầu sự tha thứ bởi ân điển để cứu mọi người thoát khỏi lửa địa ngục hủy diệt họ.
Gia-cơ vốn là một ngư phủ, nên việc thức đêm đánh cá có thể là điều rất bình thường… nhưng thật đáng buồn thay vào đêm cuối cùng của Chúa Jêsus trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa rất cần họ tỉnh thức với Chúa ‘một giờ’ thôi! Thế nhưng họ không thể! Họ không tỉnh táo, không thức nổi, đôi mắt họ đã đừ quá rồi! Họ đã ngủ, để lại một mình Chúa chiến đấu cô đơn trong sự cầu nguyện trước khi Ngài bị nộp vào tay kẻ thù, rồi Ngài bị sỉ nhục, đánh đập và giết đi.
Chúng ta có trách Gia-cơ không? Nếu hôm nay Chúa nói với chúng ta: “Con không tỉnh thức với ta trong một giờ được sao?” thì thế nào đây? Nếu không tỉnh thức thì chính chúng ta sẽ dễ dàng sa vào mưu chước ma quỉ đang rình rập tấn công và cắn xé, và làm sao chúng ta nói mình yêu Chúa, là con cái Chúa mà chẳng gần gũi trong mối liên hệ khắng khít với Chúa mỗi ngày, không có sự tương giao với Chúa bằng sự cầu nguyện? Xin hãy lắng nghe và vâng theo ý Chúa: “Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các nguơi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.” (Mat 26:44) Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày sống với Chúa để tới khi chết là được chết trong Chúa!
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)