Kinh Thánh: Giăng 18:28-40; Ma-thi-ơ 27:1, 2, 11-14; Mác 15:1-5; Lu-ca 23:1-5
Theo lịch sử thì Phi-lát được hoàng đế La Mã Tiberius cử làm Tổng đốc xứ Giu-đa (gồm cả Sa-ma-ri) vào khoảng năm 27-37 SC. Ông có trách nhiệm lo việc trị an, có quân đội hùng mạnh, có quyền tư pháp, xử kiện, thông qua hoặc phủ quyết các bản án tử hình của dân Do Thái đệ lên, và có quyền sử dụng kho bạc trong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ông có lâu đài tại Sê-sa-rê, nhưng thường đến Giê-ru-sa-lem, ở tại lâu đài Hê-rốt trong những ngày đại lễ để duy trì trật tự. Ông ở dưới quyền của khâm sai hoàng đế tại Si-ri và Vitellius.
Phi-lát không được lòng dân Do Thái khi ông đem vào Giê-ru-sa-lem những lá cờ có hình chim phụng hoàng của đế quốc La Mã, bị dân chúng phản đối. Trong 5 ngày ông không chịu hạ cờ xuống, nhưng đến ngày thứ 6, khi ông bước ra khỏi trường án và dân chúng vây quanh, ông đòi xử tử ngay những ai phản đối, đám đông nằm xuống chìa cổ bảo giết đi, và ông nhượng bộ hạ cờ đem đi. Nhà triết học Philon cũng nói thêm một chuyện nữa là có lần ông đã treo tại lâu đài Hê-rốt những cái khiên bằng vàng có hình hoàng đế La Mã và hiệu của ông, dân chúng phản đối đến hoàng đế, và sau ông phải theo lệnh hoàng đế mà dời đi, đem về Sa-ma-ri. Ông là người đã giết người Ga-li-lê và lấy huyết họ trộn với của lễ của họ, khi họ lên Giê-ru-sa-lem để thờ phượng (Lu-ca 13:1). Có lẽ những người này đã phạm pháp gì đó. Ông cũng đã giết vài người tùy tùng của Hê-rốt, vua chư hầu Ga-li-lê nên có sự bất hòa giữa hai người.
Sử gia Josephus cho biết ông bị cách chức là vì vụ một tên lừa bịp nói rằng nó có thể chỉ chỗ trên núi Ga-ri-xim, nơi ông Môi-se chôn giấu những khí mệnh bằng vàng, và khi dân chúng tụ họp rất đông thì bị binh sĩ của Phi-lát xông vào chém giết. Họ kiện lên khâm sai của Vitellius ở Si-ri, ông này cách chức Phi-lát và cử Marcellius thay thế. Phi-lát đi La Mã khiếu nại với hoàng đế, nhưng chưa tới nơi thì hoàng đế đã băng hà. Lịch sử không nói gì nữa về ông, chỉ lời truyền khẩu nói rằng ông sống những ngày tàn với lương tâm cắn rứt, hối hận, và cuối cùng đã tự tử.
Phi-lát và Chúa Giê-xu:
Khi so sánh bốn sách Phúc âm chép về Phi-lát, thì thấy mọi tiểu tiết trong các truyện tích thật hiệp nhau, không có sự gì khó hiểu. Nên chú ý rằng Giăng dường như có dịp tiện đặc biệt, tức là ông có mặt khi xử Chúa, nên biết tường tận hơn. Vậy có thể tỏ rõ mấy sự còn lờ mờ trong ba sách Phúc âm khác.
Những phần về truyện xử Chúa trước mặt Phi-lát chép trong bốn sách Phúc Âm có thể sắp đặt hiệp nhau như sau này:
- Chúa Giê-xu bị giải đến trước Phi-lát (Ma-thi-ơ 27:2; Mác 15:1; Lu-ca 23:1; Giăng 18:28).
- Phi-lát hỏi kiện về khoản gì (Giăng 18:29-32). Phi-lát vào trong trường án, hỏi Ngài về chức vụ vua của Ngài, Ngài đáp lại rằng Ngài cai trị Nước lẽ thật và trong lòng người nào nhận biết lẽ thật. Phi-lát bèn hỏi: “Lẽ thật là cái gì?” (Ma-thi-ơ 27:11; Mác 15:2; Lu-ca 23:3; Giăng 18:33-38).
- Phi-lát dẫn Ngài ra (đây là tiểu tiết độc nhất phải thêm để cho bốn sách hiệp nhau), và có nhiều người cáo Ngài. Phi-lát lấy làm lạ vì Ngài không đáp lời (Ma-thi-ơ 27:12-14; Mác 15:3-5). Phi-lát chứng quyết Ngài vô tội, nhưng người ta cứ tiếp tục kiện (Lu-ca 23:4).
- Phi-lát giải Ngài đến Hê-rốt, vua này chế giễu Ngài, mặc cho một cái áo sặc sỡ, và giao trả lại (Lu-ca 23:6-12).
- Phi-lát tuyên bố rằng cả Hê-rốt và mình cũng không thấy Ngài có tội gì, truyền đánh đòn và có ý thả Ngài ra (Lu-ca 23:13-16; Giăng 18:38). Phi-lát muốn tha Ngài theo tục lệ xưa (Ma-thi-ơ 27:15-18; Mác 15:6-10; Giăng 18:39). Vợ Phi-lát sai người đem tin xin đừng hại Chúa Giê-xu, vì nàng đã vì Ngài đau đớn nhiều trong cơn chiêm bao (Ma-thi-ơ 27:19).
- Dân chúng, vì các thầy cả và trưởng lão xui giục, chọn tha Ba-ra-ba, và mặc dầu Phi-lát mấy lần phản đối, dân chúng vẫn cứ xin đóng đinh Ngài (Ma-thi-ơ 27:20-23; Mác 15:11-14; Lu-ca 23:18-23; Giăng 18:40). Phi-lát rửa tay trước dân chúng, bởi dấu đó tỏ ra không chịu trách nhiệm, và dân sự xin tội đó đổ trên mình và con cái của họ (Ma-thi-ơ 27:24).
- Phi-lát tha Ba-ra-ba và sai đánh đòn Ngài (Ma-thi-ơ 27:26; Mác 15:15; Lu-ca 23:21). Chúa Giê-xu bị đánh đòn, nhiếc móc, vả má và đấm (Ma-thi-ơ 27:27-31; Mác 15:16-20; Giăng 19:1-3).
- Vậy, Phi-lát lần nữa tuyên bố Chúa Giê-xu vô tội, kéo Ngài ra, và nói: “Kìa, xem người này”. Các thầy tế lễ và các quan kêu lên: “Hãy đóng đinh hắn lên cây thập tự”. Họ tố cáo Ngài về sự xưng mình là Con Đức Chúa Trời. Phi-lát nghe nói thế thì càng sợ hơn, và lần nữa hội kiến cùng bị cáo trong trường án. Phi-lát lần nữa thử tha Ngài, nhưng bị cáo là không trung thành với hoàng đế La Mã. Như vậy, Phi-lát bị thua, ngồi trên ghế xử án, mà nói: “Vua các ngươi kia kìa!” Lần nữa, dân sự kêu lên. “Hãy trừ hắn đi! trừ hắn đi. Đóng đinh hắn trên cây thập tự đi!” Phi-lát hỏi: “Ta sẽ đóng đinh Vua các ngươi lên cây thập tự hay sao?” Các Thầy tế lễ cả, lần cuối cùng bỏ mọi điều Đức Chúa Trời đã ban cho mình, mà nói: “Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi” (Giăng 19:4-15).
- Phi-lát kết án Chúa Giê-xu và truyền đóng đinh Ngài, thì Ngài bị điệu đi (Ma-thi-ơ 27:31; Mác 15:20; Lu-ca 23:26; Giăng 19:16). Phi-lát viết một danh hiệu trên thập tự và không chịu thay đổi (Giăng 19:19-22). (*)
Đời sống và cách xử án của Phi-lát cho chúng ta thấy ông không phải là người tốt, cũng không phải là người đạo đức. Ông là người gian ác, biết phải trái nhưng không dám bênh vực điều đúng, ngay thẳng. Việc ông xử án Chúa và rửa tay để cho mọi người thấy ông là vô tội nhưng ông không thể nào rửa sạch được huyết vô tội của Chúa Giê-xu vì ông đã đồng tình với đoàn dân đông, các thầy tế lễ, lãnh đạo tôn giáo mà xử tử Chúa Giê-xu – Đấng vô tội nhưng đã bị kết án tử. Trong đời sống của những người tin Chúa và theo Chúa, chúng ta cần mạnh dạn để sống ngay thẳng, công bình và phải đứng với Lẽ Thật là Lời Chúa để bày tỏ một Cứu Chúa yêu thương đã sống một đời sống ngay thẳng, công bình, chính trực, đầy tình yêu thương, nhân từ và tha thứ đối với những người đã từng đánh Ngài, bắt bớ Ngài và đóng đinh Ngài.
(*) Theo Thánh Kinh Từ Điển Cadman
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)