Kinh Thánh: Giăng 3:1-16; 7:50-52; 19:39-42
Trong những năm Chúa Giê-xu thi hành chức vụ trên đất, người Pha-ri-si nói chung luôn tìm mọi cách để bắt bẻ, chống đối, lập mưu hãm hại và muốn giết Ngài (Ma-thi-ơ 12:14; Lu-ca 11:53-54; Giăng 11:53, 57). Dầu vậy, giữa vòng những người Pha-ri-si đó có một người tên là Ni-cô-đem lại có thể hiện hoàn toàn khác. Các trước giả Phúc âm ghi nhận ông Ni-cô-đem cũng là giáo sư của người Y-sơ-ra-ên và là người cai trị trên dân Giu-đa (Giăng 3:1, 10). Ông đã nghe biết về Chúa Giê-xu cùng những phép lạ Ngài đã làm nên nhận biết rằng Ngài đến từ Đức Chúa Trời (Giăng 3:2). Vì vậy, vào một đêm nọ, ông đã tự mình tìm đến với Chúa cách riêng tư. Chúng ta không biết rõ mục đích của ông là gì nhưng qua cuộc gặp gỡ đó Chúa đã chỉ cho ông biết con đường để nhận lấy sự sống đời đời. Chúa nói với ông rằng “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3). Lúc đầu, ông không hiểu Lời Chúa dạy về sự tái sanh, ông tưởng rằng phải trở vào lòng mẹ và được sanh lại như lần đầu nên mới hỏi Chúa rằng “Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao?” (Giăng 3:4). Khi đó, Chúa giải thích tường tận cho ông về ý nghĩa của sự tái sanh (Giăng 3:5-16).
Chắc chắn ông Ni-cô-đem biết rõ điều mình cần làm là gì sau cuộc trò chuyện với Chúa. Dầu vậy, ông tin nhận Chúa hay chưa thì các trước giả không cho chúng ta biết. Tuy nhiên, có một số chi tiết về ông khá tích cực với Chúa đã được ghi nhận sau đó. Trước nhất là trong một dịp Lễ Lều Tạm. Bấy giờ, Chúa Giê-xu lên đền thờ để dạy dỗ và có rất nhiều người tin theo Ngài (Giăng 7:2, 14, 31). Người Pha-ri-si thấy vậy rất giận dữ nên cắt lính đi bắt Ngài (Giăng 7:32). Dầu vậy, bọn lính không dám tra tay trên Chúa và trở về báo cáo rằng “Chẳng hề có người nào đã nói như người này” (Giăng 7:44-46). Người Pha-ri-si vô cùng tức giận và quát mắng họ (Giăng 7:47, 48). Khi đó, ông Ni-cô-đem mới lên tiếng rằng “Luật chúng ta há bắt tội một người nào chưa tra hỏi đến, và chưa biết điều người ấy đã làm, hay sao?” (Giăng 7:51). Ông ngầm ý nói rằng những người Pha-ri-si đang không làm đúng luật khi muốn bắt Chúa. Theo luật, họ chỉ được bắt một người khi đã tra hỏi và nhận thấy người đó có tội. Đối với Chúa, họ chưa tra hỏi cũng không biết rõ việc Chúa làm thì không thể bắt Chúa được. Ông tỏ ra bênh vực Chúa trước những người Pha-ri-si. Rồi một lần khác, điều Ni-cô-đem làm thể hiện rõ hơn về sự tích cực của ông với Chúa được ghi nhận là khi Chúa chịu đóng đinh. Sau khi Chúa trút hơi, ông Giô-sép người A-ri-ma-thê làm môn đồ Chúa Giê-xu cách kín giấu vì sợ dân Giu-đa đã đến xin phép Phi-lát cho lấy xác Chúa về chôn. Khi đó, ông Ni-cô-đem cũng đã đến và mang theo khoảng một trăm cân một dược hòa với lư hội để cùng với Giô-sép liệm xác và chôn Chúa (Giăng 19:38-42).
Đó là tất cả những chi tiết liên quan đến ông Ni-cô-đem đã được ký thuật. Chúng ta không rõ về niềm tin nơi Chúa của ông như thế nào. Dầu vậy, điều chúng ta có thể chắc chắn là ông đã hiểu về sự cứu rỗi của Chúa cùng phương cách để nhận lấy sự sống đời đời. Và qua những điều này, có hai bài học quan trọng cho đời sống được rút ra tại đây:
1. Mỗi người cần được tái sanh để nhận lấy sự sống đời đời
Ông Ni-cô-đem nói về Chúa rất chính xác rằng “Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được” (Giăng 3:2). Tuy nhiên, đối với Chúa điều đó chưa đủ. Chúa dạy ông thêm một điều vô cùng quan trọng là sự tái sanh. Muốn nhận lấy nhận lấy sự sống đời đời thì mỗi người phải được sanh lại. Chúa Giê-xu khẳng định với ông Ni-cô-đem rằng “nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3). Điều này có nghĩa là gì? Chúa Giê-xu giải thích rõ rằng sự tái sanh tức là sự đổi mới của một đời sống. Sự đổi mới này không do nỗ lực của bản thân, cũng không do sự rèn luyện mà có. Sự đổi mới đến từ sự hạ mình đầu phục Chúa, tin nhận Chúa là Đấng đã chết thay cho tội lỗi của mình và là Đấng sống để ban sự sống mới cùng sự sống đời đời (Giăng 3:15, 16). Ngay giây phút mỗi người cúi xuống tôn Chúa là Đấng Cứu Rỗi của cuộc đời thì quyền năng Chúa sẽ tái sanh biến đổi và ban cho năng lực để bước đi với Chúa trong con người mới. Đó là điều mà Chúa muốn ông Ni-cô-đem cũng như mỗi chúng ta ngày nay phải có để hưởng được sự sống đời đời. Chúa kết luận điều này với ông Ni-cô-đem rằng “hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời” (Giăng 3:15, 16). Niềm tin nơi Chúa sẽ đem đến sự tái sanh cho một người.
Tuy nhiên, có một thực trạng mà chúng ta cần nhìn thấy đó là có nhiều người có thể ở trong nhà thờ nhưng chưa thực sự ở trong Chúa vì chưa được tái sanh. Nguyện Chúa cho mỗi chúng ta rà soát lại xem mình có thật sự được tái sanh chưa. Bấy lâu nay chúng ta đi nhà thờ, học Kinh Thánh, làm việc này việc kia nhưng đã bao giờ hạ mình xuống để xưng nhận Chúa là Chúa và là Chủ của cuộc đời mình hay chưa? Ngày sinh thuộc linh của mình là ngày nào? Việc đi nhà thờ từ nhỏ, việc tham gia những hoạt động trong nhà thờ không đảm bảo gì cho cuộc đời chúng ta. Chỉ sự hạ mình đầu phục Chúa, tin Chúa và để Chúa cai trị đời sống mới đảm bảo cho chúng ta sự sống đời đời. Đức tin thật đó sẽ nảy ra những việc lành theo ý muốn của Chúa, làm vinh hiển danh Chúa cùng giữ sự trung tín với Chúa cho đến cuối cùng (Khải huyền 2:10; Ê-phê-sô 2:8-10; I Cô-rinh-tô 10:31).
2. Mỗi người cần đến gần Chúa để được Chúa hướng dẫn cho những sự thiếu sót
Ông Ni-cô-đem vốn có sự hiểu biết về Chúa trước khi đến gặp Chúa cách riêng tư trong ban đêm (Giăng 3:2). Ông biết đúng và nói đúng về Chúa. Tuy nhiên, sự hiểu biết của ông chưa đủ để nhận lấy điều phước hạnh Chúa ban là sự sống đời đời. Vì vậy, sau Chúa nghe ông nói và biết ông còn khuyết một điểm quan trọng là “sự tái sanh” nên Ngài đã chỉ cho ông thấy. Chúa chỉ dạy ông cách tường tận để ông hiểu rõ điều ông cần làm là gì cho cuộc đời mình.
Ông Ni-cô-đem đã đến với Chúa cách riêng tư để nhận lấy sự hướng dẫn của Chúa. Chắc hẳn đây cũng là điều vô cùng cần thiết cho mỗi chúng ta trên bước đường theo Chúa. Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn nên con người giới hạn không thể biết hết về Ngài cùng sự dạy dỗ của Ngài. Chúa thấu hiểu điều đó nên đã ban Đức Thánh Linh để dẫn dắt và dạy dỗ chúng ta về chính Ngài cùng đường lối Ngài. Ngài cũng sẽ soi sáng để chúng ta thấy những sự khiếm khuyết cùng sự thiếu sót của bản thân để chỉnh sửa và thay đổi hầu cho mỗi ngày trở nên giống Chúa nhiều hơn. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần lắm những thì giờ riêng tư với Chúa, đến gần Chúa để tương giao với Ngài. Ở gần Chúa thì chắc chắn sự hiểu biết sẽ được thêm lên, sự hạn chế sẽ được làm đầy và sự sai sót sẽ được tỉa sửa. Nguyện rằng mỗi người sẽ trải nghiệm điều này trong cuộc đời của mình để thêm lên lòng kính yêu Chúa và ham mến ở gần bên Chúa càng hơn. A-men.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)