Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Na-than – vị tiên tri can đảm

Kinh Thánh: II Sa-mu-ên 12:1-15

Trong thời các vua Y-sơ-ra-ên, nhà tiên tri là người trung gian giữa Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Mặc dầu vẫn có người được Chúa phán dạy trực tiếp như vua Sa-lô-môn (I Các vua 3:5; 9:1-2) tuy nhiên, phần lớn Chúa sẽ phán với các vua và dân sự qua những vị tiên tri. Nhiều vị tiên tri đã được Chúa dùng qua các triều đại. Và một trong số đó là nhà tiên tri Na-than.

Kinh Thánh không ký thuật nhiều về đời tư của tiên tri Na-than, cũng không đề cập việc Chúa đã kêu gọi ông vào chức vụ tiên tri như thế nào. Dầu vậy, qua những gì được ghi nhận, có thể thấy tiên tri Na-than là một người kính sợ Đức Chúa Trời và sống đẹp lòng Ngài.

Na-than phục vụ Chúa trong triều đại của vua Đa-vít. Ông rất được vua Đa-vít tin cậy. Vua Đa-vít thường nói với ông mọi việc vua muốn làm và luôn lắng nghe những lời khuyên bảo của ông (II Sa-mu-ên 7:1-3, 17-29). Trong một lần yếu đuối, vua Đa-vít đã phạm tội tà dâm với bà Bát-sê-ba là vợ của U-ri (II Sa-mu-ên 11:2-5). Sau đó, vua tiếp tục dấn sâu trong con đường tội lỗi khi lập mưu để giết U-ri nhằm che giấu việc làm sai trái của mình (II Sa-mu-ên 11:6-25). Đức Chúa Trời biết rõ mọi việc vua làm nên đã sai tiên tri Na-than đến quở trách vua. Na-than đã vâng lời Chúa đến gặp Đa-vít và truyền đạt mọi điều Chúa phán (II Sa-mu-ên 12:1-15). Trong câu chuyện này, chúng ta học được nơi nhà tiên tri những đức tính quan trọng cần có của một người ra đi rao truyền sứ điệp của Chúa cho người khác.

1. Can đảm thực thi mạng lệnh Chúa truyền
Việc chỉ ra cho ai đó thấy tội của họ không phải là chuyện dễ làm. Rồi phải công bố hình phạt mà họ sẽ nhận vì cớ tội lỗi lại càng khó hơn. Nguy hiểm bội phần hơn khi người bị chỉ tội và bị kết án lại là vua với mọi bính quyền trong tay. Na-than đã được Chúa sai làm việc đó (II Sa-mu-ên 12:1). Nhà tiên tri phải chỉ cho vua Đa-vít thấy tội của mình, đồng thời công bố hình phạt Chúa sẽ giáng trên vua vì cớ những tội mà vua đã làm. Thật sự đây là mạng lệnh không dễ thực hiện. Nếu vua Đa-vít cứng lòng không nghe, nổi giận, tự ái thì điều gì có thể xảy ra với tiên tri Na-than? Ông có thể bị bỏ tù, bị đánh hoặc bị giết giống như tiên tri Ha-na-ni trong đời vua A-sa. Vua A-sa đã bắt bỏ tù Ha-na-ni khi nói tiên tri theo ý muốn Chúa, đến quở trách vua A-sa vì cớ vua không nhờ cậy Chúa mà đi nhờ cậy con người (II Sử ký 16:7-10). Cho nên, hiểm nguy có thể xảy ra với Na-than trong công tác này. Tuy nhiên, nhà tiên tri không chút do dự, e ngại hay lo sợ, nhưng đã can đảm thực hiện mạng lệnh Chúa truyền (II Sa-mu-ên 12:1-15).

Sự can đảm là điều cần có khi chúng ta thực hiện Đại Mạng Lệnh của Chúa “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15). Trong một phương diện, công tác này cũng giống với nhiệm vụ Chúa giao cho tiên tri Na-than. Chúng ta phải giúp mọi người nhận thấy họ là tội nhân sẽ chết mất trong tội lỗi nếu không tin Cứu Chúa Giê-xu. Và chúng ta biết rằng đây là công tác cũng không dễ dàng. Có người sẽ mềm mại tiếp nhận. Nhưng cũng không ít người sẽ phản kháng, chống đối, chế nhạo,… Nhiều tôi con Chúa đã bị phỉ báng, xua đuổi, thậm chí bị đánh đập, bị giết, bị bắt bớ khốc liệt khi đi truyền bá Phúc Âm. Chúa Giê-xu đã nói trước điều này trong Ma-thi-ơ 10:22 “Các ngươi lại sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh Ta”. Khó khăn, nguy hiểm là điều không thể tránh khỏi trong công tác rao giảng Tin Lành. Nhưng Chúa muốn chúng ta vững lòng, mạnh dạn rao truyền Phúc Âm. Lời Chúa khích lệ rằng “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục” (Ma-thi-ơ 10:28). Xin Chúa cho chúng ta học theo tinh thần của tiên tri Na-than, can đảm để đem tội nhân trở về với Chúa.

2. Trung thực rao truyền Lời Chúa
Khi truyền đạt Lời Chúa đến với vua Đa-vít, Na-than đã nói một cách trung thực và đầy đủ mọi điều Chúa muốn ông nói (II Sa-mu-ên 12:7-12,14). Na-than không vì mối liên hệ thân thiết với vua mà nói nhẹ đi vấn đề. Nhà tiên tri nói một cách mạnh mẽ, dứt khoát. Thực chất “Tội” thì nói là tội, hình phạt khủng khiếp như thế nào, nhà tiên tri đều nói rõ cho vua biết. Chính điều đó đã thức tỉnh vua xưng nhận tội lỗi và ăn năn với Chúa (II Sa-mu-ên 12:13). Nhờ vậy, vua đã nhận được sự tha thứ của Chúa.

Ngày nay, Chúa cũng muốn chúng ta rao truyền về Chúa một cách trung thực và đầy đủ. Nói tất cả những gì cần phải nói để đem người ta ra khỏi con đường hư mất. Đừng ngại nói về tội lỗi, địa ngục khi công bố Phúc Âm. Đừng ngại chỉ ra chỗ sai của anh em mình khi họ yếu đuối phạm tội. Lời Chúa trong Châm ngôn 27:5-6 nói rằng “Một lời quở trách tỏ tường hơn là thương yêu giấu kín. Bạn hữu làm cho thương tích, ấy bởi lòng thành tín”. Dân gian cũng có câu “thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng”. Lời thật có thể làm đau và cũng có khi bị mất lòng, nhưng chỉ có lời thật mới dẫn người khác đến con đường công chính. Nguyện Chúa giúp đỡ để chúng ta luôn trung thực nói về Chúa cho mọi người.

3. Mềm mại, khéo léo trong cách cư xử
Dầu được Chúa sai để vạch trần tội lỗi của vua Đa-vít nhưng không vì vậy mà tiên tri Na-than nói một cách gay gắt, xẳng xớm với vua. Na-than đã rất mềm mại và khéo léo để phơi bày tội của vua. Đầu tiên, Na-than kể một câu chuyện về người giàu và người nghèo (II Sa-mu-ên 12:1-6). Người giàu có rất nhiều chiên bò nhưng lại tiếc không dùng đến. Người nghèo chỉ có một con chiên rất yêu quý. Người giàu đã lấy của người nghèo để tiếp đãi khách của mình. Nghe đến đây, vua Đa-vít rất phẫn nộ về cách hành xử của người giàu nhưng vẫn không nhận ra mình trong đó. Và tiên tri Na-than đã nhẹ nhàng nói với vua rằng “Vua là người đó” (II Sa-mu-ên 12:7). Vua hoàn toàn bị bắt phục và hạ mình ăn năn trước mặt Chúa (II Sa-mu-ên 12:13).

Đối với vấn đề tội lỗi, con cái Chúa phải kiên quyết loại trừ, phải quyết liệt không nhân nhượng. Nhưng không vì vậy mà chúng ta cư xử thô lỗ, cọc cằn với người có tội. Chúng ta thử nghĩ nếu tiên tri Na-than la lối, chỉ trích, lên án tội của vua một cách xẳng xớm thì điều gì xảy ra? Có thể lắm vua Đa-vít sẽ không nghe và nổi cơn thịnh nộ với Na-than. Chúng ta cũng vậy, khi mình lỡ làm sai, không được khuyên nhủ nhắc nhở nhẹ nhàng mà cứ bị chỉ trích, lên án thì càng bất mãn hơn phải không? Sứ đồ Phao-lô cũng nhắc nhở chúng ta trong Ga-la-ti 6:1 rằng “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại”. Sự mềm mại, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết sẽ chạm đến tấm lòng của người nghe và mang đến sự thay đổi. “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm” (Châm ngôn 15:1). Xin Chúa giúp chúng ta luôn kiên nhẫn và mềm mại trong sự khuyên bảo người khác.

Như vậy, tiên tri Na-than đã để lại cho chúng ta tấm gương cao quý về người phục vụ Chúa can đảm, trung thực mà rất mềm mại. Xin Chúa cho chúng ta cũng có được những đức tính tốt đẹp đó để luôn kết quả cho Chúa. A-men!

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn