Nếu có một người được đề cập trong Thánh Kinh luôn khiến cho Cơ Đốc nhân suy nghĩ, thì đó phải là Hê-nóc. Đặc biệt nhất là Kinh Thánh mô tả “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi” (Sáng 5: 24). Hê-nóc là người như thế nào và Đức Chúa Trời đã làm gì cho ông. Chúng ta cùng tìm hiểu về nhân vật rất đặc biệt này.
1. Hê-nóc là ai?
Hê-nóc đầu tiên xuất hiện trong bản ký thuật Kinh Thánh trong một chương có vẻ như không có ý nghĩa, vì chỉ là một bảng liệt kê tên tuổi của người xưa. Thế nhưng, SángThế Ký đoạn 5 nầy chứa đựng nhiều điều đáng học hỏi. Những người được ghi lại trong đoạn Kinh Thánh nầy có tuổi thọ rất cao, và tất cả đều sống trên 900 tuổi. Mặc khác, mặc dù tuổi thọ cao, nhưng tất cả cuối cùng đều chết, ngoại trừ một người đó là Hê-nóc. Thế giới sau khi A-đam sa ngã do phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời quả thật ảm đạm và đầy tuyệt vọng. Hê-nóc ra đời và sống giữa xã hội gian ác băng hoại đó. Thật ra, Sáng Thế Ký đoạn 5 không nói gì về Hê-nóc, mà chỉ đề cập tên cha của ông là Giê-rệt và tên con trai ông là Mê-tu-sê-la. Và phân đoạn Kinh Thánh cũng ghi chi tiết Hê-nóc sống 365 năm trên đất.
Tuy nhiên, Hê-nóc được đề cập ở hai chỗ khác trong Kinh Thánh – cả hai lần này ở trong Tân Ước. Thư tín Giu-đê câu 14 & 15 cho chúng ta biết Hê-nóc là “tổ bảy đời kể từ A-đam,” và quan trọng hơn, Hê-nóc là một tiên tri tuyên bố sự đoán phạt của Đức Chúa Trời sắp xảy đến trên loài người không tin kính và sự băng hoại của họ. Điều này cho thấy trong thời của Hê-nóc, thế gian là nơi gian ác. Sứ điệp về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời được báo trước cho Hê-nóc, dù ông không biết sự huỷ diệt sẽ xảy ra bằng cách nào. Một chỗ khác đề cập đến Hê-nóc trong Tân Ước là trong Hê-bơ-rơ 11, một chương Kinh Thánh nói đến “những anh hùng đức tin.” Trước giả của thư tín Hê-bơ-rơ được Đức Thánh Linh cảm thúc trích dẫn hai sự thật chính yếu về Hê-nóc được tìm thấy trong Sáng Thế Ký 5, đó là Hê-nóc đồng đi với Đức Chúa Trời và Chúa đã tiếp ông lên. Nhưng trước giả Hê-bơ-rơ đặc biệt kể đến đức tin của Hê-nóc và cách Đức Chúa Trời tiếp ông lên bằng cách cất ông lên trực tiếp; vì vậy, ông không trải qua sự chết (xem Hê-bơ-rơ 11:5).
2. Hê-nóc đồng đi với Đức Chúa Trời
Đặc điểm quan trọng nhất trong cuộc đời của Hê-nóc được ghi rõ trong Sáng Thế Ký 5 cũng như trong Hê-bơ-rơ 11. Ông “đồng đi cùng Đức Chúa Trời.” Cụm từ này xuất hiện hai lần trong Sáng Thế Ký 5, đầu tiên trong câu 22, “Sau khi Hê-nóc sanh Mê-tu-sê-la rồi, đồng đi cùng Đức Chúa Trời trong ba trăm năm, sanh con trai con gái.” Hê-nóc đã sinh Mê-tu-sê-la khi ông 65 tuổi. Có phải Kinh Thánh định nói rằng Hê-nóc bắt đầu đồng đi cùng Đức Chúa Trời vào thời điểm nầy trong cuộc đời của ông, đó là lúc Mê-tu-sê-la ra đời? Chúng ta không biết chắc, nhưng điều chúng ta biết chắc đó là, suốt 300 năm sống trên đất, Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Vì vậy, điều nầy đánh dấu bản chất thực của đời sống ông. Đó là lý do Sáng Thế Ký 5:24 tóm tắt: “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi.”
Vậy, đồng đi cùng Đức Chúa Trời có nghĩa là gì?
+ Hê-nóc đã đồng đi cùng Đức Chúa Trời, nghĩa là ông luôn đặt để Chúa đi trước và đã sống đẹp lòng Chúa. Ông đã có một đời sống đặt dưới sự tể trị của Chúa. Đời sống của ông là một đời sống giao thông mật thiết với Ngài.
+ Hê-nóc đã để Lời Chúa là những tiêu chuẩn sống và luôn làm vinh hiển Danh Chúa. Lời Chúa là nguyên tắc của đời sống đức tin của ông. Mọi hành động của ông hướng đến sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
+ Hê-nóc đã đồng đi cùng Đức Chúa Trời một cách kiên định. Ông muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời trong mọi điều và không làm điều gì xúc phạm Danh Chúa.
+ Đồng đi với Đức Chúa Trời là tuân theo ý muốn của Chúa, đi theo những kế hoạch của Ngài. + Hê-nóc đã chết đối với thế gian nhưng vẫn sống trong Đức Chúa Trời. Ông đã sống vượt lên trên mọi điều thuộc thế gian, và đồng đi cùng Đức Chúa Trời không chỉ trong những lúc thuận lợi, nhưng cũng trong những nghịch cảnh.
+ Khi Hê-nóc đã đồng đi cùng Đức Chúa Trời, ông đã có đời sống của một người tốt lành.
3. Những yếu tố cần của việc đồng đi cùng Đức Chúa Trời
Có ba yếu tố chính liên quan đến việc đồng đi cùng Đức Chúa Trời:
(a) Tin cậy Chúa
Tin cậy Chúa hoặc đức tin nơi Chúa là yêu cầu cơ bản để đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Tiên tri A-mốt đã từng đặt câu hỏi: “Nếu hai người không đồng ý với nhau, thì há cùng đi chung được sao?” (A-mốt 3:3). Điều này có nghĩa là chúng ta phải được hoà giải với Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời giao ước của chúng ta chủ động khởi xướng sự thoả thuận này để đồng đi với chúng ta. Hơn nữa, trong bản chất của tội nhân là không muốn đi cùng Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời sai Con Ngài đi cùng chúng ta và ở giữa chúng ta trên đất, để qua sự chết và sự sống của Chúa, Ngài kéo chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời.
Cùng lúc đó, đồng đi cùng Đức Chúa Trời đòi hỏi đức tin về phía chúng ta. Như sứ đồ Phao-lô viết, “vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy” (II Cô 5:7). Cũng vậy, khi kết luận về đức tin của Hê-nóc, trước giả thư Hê-bơ-rơ ghi lại: “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài (Đức Chúa Trời)” (Hê 11:6a). Rõ ràng, Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời bởi đức tin. Hê-nóc có lòng tin vững chắc nơi Đức Chúa Trời chân thật, Đấng mặc khải chính mình Ngài cho ông.
Tương tự, ngày nay, bất cứ ai khao khát đồng đi cùng Đức Chúa Trời phải có đức tin thật nơi Chúa. Đức Chúa Trời không đồng đi với những người vô tín, không tin. Chúa đồng đi với những người được Ngài cứu chuộc. Thật vậy, đức tin của họ nơi Ngài và Con Ngài không chỉ là hành động chỉ một lúc, mà còn là thái độ liên tục mỗi ngày.
(b) Giữ mối giao thông với Đức Chúa Trời
Việc Hê-nóc đồng đi với Đức Chúa Trời đòi hỏi mối tương giao với Đức Chúa Trời. Khi hai người bạn đi với nhau, họ giữ mối thông công với nhau để tận hưởng tình bạn của nhau. Họ tìm thấy sự vui thích khi chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm. Họ cùng nói, cùng cười, và cùng cảm thông một cách thân mật và gần gũi. Đó cũng là cách khi chúng ta đồng đi với Đức Chúa Trời. Điều này đúng với Hê-nóc. Ông tin cậy Chúa, nói chuyện với Chúa, bày tỏ tình yêu của ông đối với Ngài, nói rõ nhu cầu của mình cần Chúa và phụ thuộc vào Ngài. Chắc chắn, một người có mối tương giao gần gũi với Đức Chúa Trời nhất trên đất chính là Con Ngài, Đức Chúa Jêsus Christ. Ngài tận hưởng mối tương giao trọn vẹn với Đức Chúa Trời. Đó là mối thông công thân mật nhất mà Đấng Cứu Thế có với Đức Chúa Cha. Chúa Jêsus khao khát và cần mối tương giao đó. Chính vì thế, Ngài thường xuyên lánh khỏi đám đông và các môn đồ để dành thì giờ ở với Đức Chúa Cha.
Đi cùng với bạn đòi hỏi sự giao tiếp hai chiều, nói và lắng nghe với nhau. Cũng vậy, đồng đi cùng Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta nói chuyện với Đức Chúa Trời như Hê-nóc đã làm, và ngay cả Chúa Jêsus cũng vậy. Đó là sự cầu nguyện. Thế nhưng, tương giao với Đức Chúa Trời cũng đòi hỏi lắng nghe tiếng Chúa bằng cách suy gẫm Lời Ngài phán. Một Cơ Đốc nhân không thể đồng đi cùng Đức Chúa Trời nếu không trung tín cầu nguyện và chuyên tâm đọc Lời Chúa.
(c ) Vâng lời Đức Chúa Trời
Yếu tố cần thứ ba của việc đồng đi cùng Đức Chúa Trời là sự vâng lời. Sứ đồ Giăng nhấn mạnh điều nầy: “Ví bằng chúng ta nói mình được giao thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật” (I Giăng 1:6). Một người không thể đồng đi cùng Đức Chúa Trời mà sống trong tội lỗi được. Tất nhiên, con dân Chúa vẫn còn phạm tội thậm chí mỗi ngày. Các thánh nhân cũng phạm tội nhưng bắt đầu vâng lời Chúa. Chúng ta biết tội lỗi cản trở việc chúng ta đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Dầu vậy, chúng ta vẫn có thể đồng đi với Chúa khi chúng ta xưng tội và nhận sự tha thứ của Chúa và mong muốn ở trong Chúa bởi ý muốn Ngài. Chúng ta có thể chắc chắn rằng Hê-nóc, một tội nhân đã cần xưng tội mình mỗi ngày khi ông đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Là tội nhân được tha thứ, Hê-nóc có lòng khao khát và ý chí vâng lời Chúa. Cả đời sống của ông làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Bài học về đời sống của Hê-nóc cho mọi tín hữu trong Đấng Christ là bước đi trong sự vâng giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời: “Tình yêu thương đó là chúng ta bước theo các điều răn của Ngài.” (II Gi 6a -TTHĐ)
Cơ Đốc nhân chúng ta có thể đồng đi cùng Đức Chúa Trời bằng cách nào? Làm sao việc đồng đi của chúng ta với Chúa gần gũi hơn? Hãy suy nghĩ về Hê-nóc: bước đi bởi đức tin, bước đi trong mối tương giao và bước đi trong sự vâng lời Cứu Chúa chúng ta.
4. Phần thưởng của Hê-nóc
Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời đến đâu? Điều đó kết thúc trên đất như thế nào? Kinh Thánh nói cho chúng ta biết việc Hê-nóc đồng đi với Đức Chúa Trời kết thúc một cách phi thường. Sau khi sống 365 năm, dường như dài đối với chúng ta ngày nay, nhưng trong thời của Hê-nóc là thời gian ngắn ngủi, thì hành trình đức tin của ông trên đất kết thúc: “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi” (Sáng 5:24). Hay nói cách khác, Đức Chúa Trời tiếp lấy Hê-nóc lên thiên đàng mà ông không phải trải qua sự chết. Dĩ nhiên, đó là phép lạ. Không những Hê-nóc được tiếp lên trời mà không phải chết mà sau này tiên tri Ê-li cũng trải nghiệm điều nầy. Điều nầy có nghĩa là Hê-nóc ngay lập tức được hoàn hảo và được vinh hiển, vì vậy, đời sống ông thích hợp ở thiên đàng hoàn hảo. Đây là phần thưởng Đức Chúa Trời dành cho Hê-nóc vì đồng đi với Ngài, chứ không phải Hê-nóc xứng đáng. Tuy nhiên, đó là món quà, phước lành đặc biệt của Đức Chúa Trời dành cho Hê-nóc theo kế hoạch của Ngài.
Ngày nay con cái của Đức Chúa Trời có thể không nhận phần thưởng phi thường như thế, nhưng phần thưởng cuối cùng của chúng ta thì giống nhau. Những ai tin Đấng Christ và đồng đi cùng Đức Chúa Trời cũng có thể trông đợi phước hạnh được tiếp vào sự hiện diện của Ngài và nhận lãnh món quà sự sống trọn vẹn với Chúa khi Đấng Christ trở lại. Trong cõi đời đời vinh hiển đó, mọi thánh nhân sẽ bước đi trong sự vui mừng và trong mối tương giao trọn vẹn với Đức Chúa Trời.
(Theo sự hỗ trợ từ NTĐ. Lê Thị Lệ Hoà)