Kinh Thánh: Giu-đe 1-25
Ông Giu-đe là em Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 13:55) và là trước giả của thư tín Giu-đe. Ông có cùng tên với sứ đồ Giu-đe con của ông Gia-cơ (Công vụ các sứ đồ 1:13), và cũng cùng tên với ông Giu-đe khác gọi là Ba-sa-ba – phái viên mang thư của sứ đồ đến Hội Thánh tại An-ti-ốt cùng với ông Si-la (Công vụ 15:22).
Khi Chúa Jêsus còn thi hành chức vụ trên đất, ông Giu-đe cùng các anh em mình không tin nhận Chúa là Đấng Cứu Thế, là Đấng Mết-si-a được Cựu Ước tiên báo (Giăng 7:5). Tuy nhiên, sau khi Chúa phục sinh, bởi quyền năng sống lại của Chúa, ông và họ đã hoàn toàn đầu phục Ngài và trở nên những môn đồ đắc lực cho Chúa (Công vụ 1:14). Ông Gia-cơ, anh của ông là một trong những người đứng đầu Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem (Công vụ 15:13). Về phần ông, dầu Kinh Thánh không ký thuật nhiều nhưng qua thư tín Giu-đe chúng ta nhận biết Chúa vui dùng ông để dạy dỗ nhiều người. Ông khiêm nhường nhận biết mình là tôi tớ của Chúa. Chúa dùng ông viết ra thư tín Giu-đe. Qua sách này chúng ta học biết nhiều điều trong sự dạy dỗ của ông và qua đó bày tỏ đời sống tin kính của ông nơi Chúa.
Trong thư Giu-đe, đối tượng ông Giu-đe gửi đến là “những kẻ đã được kêu gọi, được Đức Chúa Trời, là Cha, yêu thương và được Đức Chúa Jêsus Christ giữ gìn” (c.1) và có thể nói đó là toàn thể những người đã đặt niềm tin nơi Cứu Chúa Jêsus. Ông nhận biết rằng con dân Chúa đang trong tình trạng bị quyến dụ bởi những kẻ gian tà, bất kính. Ông mô tả rằng họ đã “lẻn vào”giữa vòng con dân Chúa với những mục đích xấu xa. Họ có mưu đồ xấu với Hội Thánh Chúa, chẳng tin Chúa, làm những việc tà ác, chối bỏ Đức Chúa Jêsus Christ. Hơn nữa bọn họ khinh dễ tất cả những gì không biết, biết như con thú vô tri làm hư mình, theo đường của Ca-in dâng sinh tế không đẹp lòng Chúa, tham lợi theo con đường của Ba-la-am và phản nghịch như Cô-rê. Họ là những kẻ bội đạo, bất kính, trống rỗng và ích kỷ, xâm nhập vào giữa vòng con cái Chúa, dùng ân sủng của Chúa để biện hộ cho những việc làm vô đạo đức làm băng hoại Phúc âm của Chúa cùng Hội Thánh Ngài (Giu-đe 4, 10, 11). Trong Giu-đe 16, 19 ông cũng nói thêm bọn họ là những kẻ hay lằm bằm, hay phàn nàn, luôn làm theo những sự tham muốn mình, miệng đầy những lời kiêu căng, luôn gây phe phái trong Hội Thánh Chúa.
Ông Giu-đe vô cùng tức giận trước cách làm của những con người không tin kính này. Họ truyền đạt những tư tưởng và việc làm sai trật, đi ngược với niềm tin nơi Chúa. Ông ví họ như “dấu vít trong đám tiệc” vì họ biến những bữa tiệc yêu thương thành những bữa ăn đầy sự tham lam và say sưa nhằm thỏa mãn dục vọng riêng của họ. Họ như “người chăn chỉ nuôi mình” nghĩa là không quan tâm gì đến bầy, miễn sao họ được no nê, chỉ như một người chăn thuê. Họ như “đám mây không nước”, “cây tàn mùa thu, không có trái…” chẳng đem ích lợi gì cho người khác, giống những đám mây hứa hẹn mưa nhưng trôi mất đi và có chăng chỉ là những lẽ giả, đạo lý giả mà thôi. Họ như “sóng cuồng dưới biển” nghĩa là nói đến sự kiêu căng và ngạo mạn trong lời nói của họ (Giu-đe 16) và cũng như “sao đi lạc” chỉ tồn tại trong một giai đoạn rất ngắn rồi lụi dần vì cớ những điều gian ác họ làm trước sau cũng bị nhận ra và bị tiêu diệt.
Như vậy, những gì mà ông Giu-đe mô tả cho thấy động cơ xấu xa của họ khi vào trong Hội Thánh là dẫn dụ người khác đi sai lạc trong đường không tin kính Chúa để cùng chung số phận với họ. Ông Giu-đe quở trách họ rằng “khốn nạn thay cho chúng nó…” (c.11) và ông khẳng định rằng họ không thể tránh khỏi cơn đoán phạt của Chúa như bao nhiêu người gian ác khác (c.15).
Qua bức thư này, ông Giu-đe phơi bày hết mọi sự gian ác của những đạo giả và thầy dối để kêu gọi con dân Chúa phải tỉnh táo trước những lời dẫn dụ sai trật đó. Ông muốn họ phải “vì đạo mà tranh chiến” (c.3). Phải kiên định trong niềm tin mà họ đã học biết và nhận lấy từ lời chân thật của Chúa lúc ban đầu; đứng với lẽ thật để nhìn biết điều giả dối mà tránh đi. Cụ thể, ông nhắc họ ba khía cạnh cần lưu tâm để có thể đứng vững trước đường lối gian tà đó:
1. Đối với chính mình (c.20)
Để không bị quyến dụ vào con đường của những kẻ không tin kính đó, ông Giu-đe nhắc nhở con dân Chúa phải làm hai điều. Thứ nhất, mỗi người phải “tự lập lấy trên nền đức tin rất thánh của mình” nghĩa là phải xây dựng đời sống thuộc linh vững mạnh trong Đức Chúa Jêsus Christ và trong Chân lý của Lời Ngài. Bất cứ điều gì đối nghịch lại cùng Chúa đều là hư giả và phải tránh xa. Mỗi người cần học biết đúng và đủ về Cứu Chúa của mình để khi có những lẽ giả xen vào thì sẽ nhận biết ngay và tránh đi ngay. Thứ hai, phải “nhân Đức Thánh Linh mà cầu nguyện” nghĩa là phải luôn giữ mối tương giao với Chúa trong sự nhờ cậy Đức Thánh Linh. Qua mối tương giao mật thiết với Chúa sẽ giúp cho mỗi người đủ sự khôn ngoan, sáng suốt để nhận ra đâu là những điều sai trật, đi ngược với sự dạy dỗ của Chúa. Đồng thời, bởi sự giao thông liên tục cùng Chúa sẽ thêm năng lực, sức mới cho mỗi người để thắng hơn những sự quyến dụ của kẻ ác.
Đó là hai điều mà ông Giu-đe nhắc nhở để mỗi con dân Chúa bấy giờ và chúng ta ngày nay không thể thiếu trên linh trình theo Chúa để giữ vững đức tin cho đến cuối cùng.
2. Đối với Chúa (c.21)
Khía cạnh kế tiếp chúng ta phải có trong đời sống tin kính là trong mối tương quan với Chúa. Đạo giả và thầy dối luôn tìm cách đẩy chúng ta ra xa khỏi Chúa, loại bỏ Chúa ra khỏi đời sống chúng ta. Vì vậy, để không mắc bẫy thì mỗi người cần phải luôn “giữ mình trong sự yêu mến Đức Chúa Trời và trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta cho được sự sống đời đời”. Lòng và trí của chúng ta chỉ hướng về Chúa, để Chúa chiếm hữu và làm Chủ cuộc đời. Không gì có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Chúa (Rô-ma 8:35-39). Lòng yêu mến Chúa sẽ buộc chặt chúng ta vào Ngài. Và chúng ta cần nhớ sự yêu mến Chúa không chỉ bằng lời nói nhưng phải bày tỏ qua việc làm theo Lời Ngài dạy (I Giăng 2:5). Có như vậy, không điều gì có thể đánh đổ được đức tin của chúng ta nơi Ngài.
3. Đối với người khác (c.22-23)
Là người theo Chúa, bên cạnh mối giao thông với Chúa thì chúng ta cũng giao thông cùng nhau. Có nhiều mối liên hệ giữa vòng con dân Chúa để gây dựng và giúp đỡ nhau cùng bước đi theo Chúa. Ở đây ông Giu-đe nhắc nhở con dân Chúa trong tình yêu thương của Chúa nhất thiết phải bày tỏ lòng quan tâm và giúp đỡ anh em mình nhất là đối với những người rơi vào con đường sai trật. Đối với những “kẻ trù trừ” là những người phân tâm, dao động trước lời dẫn dụ thì ông khuyên là “hãy trách phạt” họ tức là phải nhắc nhở, cảnh tỉnh để họ nhận biết sự sai trật và quay trở lại con đường chánh đáng. Đối với những người đã bước chân vào con đường sai lầm thì phải tìm cách chận đứng “cứu vớt… rút họ ra khỏi lửa”. Đối với những người đã trong con đường gian ác thì phải “có lòng thương lẫn sợ” nghĩa là phải yêu thương họ, cầu nguyện cho họ, tìm cách giúp đỡ họ khỏi đường gian ác nhưng phải nhớ giữ lấy mình để không rơi vào tội lỗi như họ. Đây là những điều không dễ làm nhưng tình yêu của Chúa sẽ thêm năng lực để chúng ta đối đãi được như vậy.
Tóm lại, ông Giu-đe đã hết lòng “vì đạo mà tranh chiến” để giúp đỡ con dân Chúa đứng vững trong con đường chánh đáng. Đây cũng là điều Chúa muốn nhắc nhở chúng ta ngày nay. Tình trạng đạo giả và thầy dối không hết đi nhưng càng ngày càng nhiều thêm. Lời Chúa nói rằng “trong các thời kỳ sau-rốt, sẽ có mấy người hay nhạo báng làm theo lòng ham muốn không tin kính của mình. Ấy chính chúng nó là kẻ gây nên phe đảng, thuộc về tánh xác thịt, không có Đức Thánh Linh” (c.18-19). Ngày Chúa tái lâm càng gần thì càng có nhiều tiên tri giả, giáo sư giả xuất hiện. Chúng ta cần nhận biết và làm theo những điều mà ông Giu-đe nhắc nhở tại đây để luôn vững vàng không bị day động hay dời đổi trước bất cứ tư tưởng sai lạc nào. A-men.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)