Kinh Thánh: Lu-ca 1:5-25, 39-45, 57-66
Chúa Cứu Thế Jêsus vào đời đã được dự ngôn từ thời Cựu Ước và cũng được chào mừng từ lúc trinh nữ Ma-ri còn trong thời kỳ thai nghén Cứu Chúa.
Ê-li-sa-bét là người đầu tiên vui mừng tiếp nhận niềm vinh dự được “mẹ Chúa đến thăm ta”. Bà chúc mừng bào thai của Ma-ri, động viên chia sẻ tâm tình thuận phục ý Chúa với Ma-ri, làm nguồn an ủi cho Ma-ri.
Câu chuyện Ê-li-sa-bét được ghi lại trong Phúc âm Lu-ca tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho chúng ta những bài học thật sâu sắc để củng cố đức tin và sự thuận phục thánh ý Chúa.
Ê-li-sa-bét được dự phần trong việc Giăng Báp-tít ra đời để dọn đường cho Chúa Jesus thực thi cứu rỗi nhân loại.
1. Sơ lược đôi nét về Ê-li-sa-bét:
Ê-li-sa-bét là vợ của thầy tế lễ Xa-cha-ri, thuộc ban A-bi-a. Bà xuất thân từ chi phái A-rôn và là mẹ của Giăng Báp-tít.
Bà cùng chồng là người công chính trước mặt Chúa, luôn vâng giữ điều răn, luật lệ và lễ nghi không chỗ trách được.
Bà đã được Đức Chúa Trời chọn là người chúc mừng thai nhi Jêsus trong lòng Ma-ri. Bà cũng được chọn để sinh ra Giăng Báp-tít và hoàn thành sứ mạng nuôi dạy “con trẻ ấy lớn lên và tâm thần mạnh mẽ, cho đến ngày tỏ mình cùng dân Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 1:80).
2. Nỗi sầu muộn của Ê-li-sa-bét và sự đáp lời của Đức Chúa Trời:
Mặc dầu được Đức Chúa Trời kể là công chính, không chỗ trách được nhưng bà vẫn là con người. Bà cũng có những nỗi đau riêng và thất vọng vì cao tuổi mà vẫn chưa có con. Chắc chắn bà đã cầu xin với Chúa rất nhiều lần về điều nầy, vì theo phong tục thời đó phụ nữ không có con là một thiệt thòi rất lớn và cũng là nỗi sỉ nhục cho người nữ son sẻ (1:25).
Bà là một thành viên trong dòng tế lễ và chồng bà, ông Xa-cha-ri, cũng là thầy tế lễ; đáng buồn thay nếu bà không con thì ai sẽ là người tiếp nối chức vụ tế lễ! Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến cùng Xa-cha-ri khi ông đang dâng tế lễ và phán rằng: “Hỡi Xa-cha-ri, đừng sợ, vì lời cầu nguyện của ngươi được nhậm rồi. Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, ngươi khá đặt tên là Giăng” (có nghĩa là Đức Chúa Trời nhân từ).
Việc sanh con của Ê-li-sa-bét không như thông lệ người nữ vì bà đã già, cao tuổi lắm rồi (1:18). Chính vì đó Xa-cha-ri quá vui mừng trong sự ngỡ ngàng, khó tin sự việc diệu kỳ ấy nên ông xin cho ông một dấu hiệu. Và thiên sứ đã cho dấu hiệu: Ông bị câm sau khi thi hành lễ dâng hương trong nơi thánh bước ra cho đến khi đứa trẻ chào đời – như là một hình phạt cho ông vì sự không tin nơi quyền năng Chúa.
Kinh Thánh không ghi lại một phản ứng nào của Ê-li-sa-bét khi thấy Xa-cha-ri chồng mình không nói được. Chắc bà đã hoàn toàn tin vào những gì mà Xa-cha-ri đã nhận khi ông ở trong nơi thánh và bà vẫn yên lặng chờ đợi đến khi phép lạ được thực hiện cách rõ ràng.
Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu xin của ông bà, Ngài khen thưởng cho tấm lòng trung tín trọn vẹn của họ. Thật Đức Chúa Trời đã dùng bà và qua bà một thai nhi đã được chuẩn bị từ trong lòng mẹ, “con trẻ sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh, người sẽ cho nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa… đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng” (1:14-17).
3. Cuộc viếng thăm của Ma-ri:
Năm tháng đầu của thai kỳ, Ê-li-sa-bét đi ở ẩn, để được tương giao với Chúa và tỏ lòng biết ơn Chúa về việc lớn lao mà Ngài đã thực hiện trên cuộc đời của bà.
Đến tháng thứ sáu, người em họ Ma-ri là một trinh nữ đang mang thai đến thăm bà. Hai thai phụ gặp nhau – một trẻ, một già – được ơn Chúa cho mang thai ngoài công lệ thường tình của con người, là nhân chứng cho quyền năng của Đức Chúa Trời, “vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được” (1:37).
Ê-li-sa-bét không hề phản đối hay thắc mắc gì về việc Ma-ri có thai khi chưa kết hôn. Bà được Chúa Thánh Linh ở cùng, bà nhận biết Ma-ri đang mang thai một Đấng Thánh, bà cảm động để ca ngợi Chúa và nâng đỡ Ma-ri.
Khi nghe tiếng Ma-ri chào thăm, thai nhi trong bụng Ê-li-sa-bét nhảy nhót. Đây cũng là cách bà kinh nghiệm được “người được ơn, người có phước”. Đức Chúa Trời đã dùng Ê-li-sa-bét để an ủi và khích lệ Ma-ri trước áp lực của xã hội lúc bấy giờ đối với phụ nữ có thai trước hôn nhân.
Ê-li-sa-bét là người đầu tiên có lời chúc tụng Jêsus là Con Đức Chúa Trời (1:42). Ma-ri ở lại cùng Ê-li-sa-bét chừng ba tháng. Chắc chắn là những ngày phước hạnh cho họ suy gẫm và thắm thiết trong tình yêu của Chúa đối cùng họ.
4. Lời hứa được thực hiện:
Đến ngày Ê-li-sa-bét sanh được một con trai, hàng xóm, bà con đều đến chung vui cùng bà. Theo luật Do Thái, tất cả các bé trai phải chịu cắt bì vào ngày thứ tám, họ đề nghị đặt tên là Xa-cha-ri theo tên cha, nhưng Ê-li-sa-bét đặt tên là Giăng. Họ ngạc nhiên vì điều nầy phá vỡ tục lệ đặt tên của người Do Thái. Họ hỏi ý kiến của Xa-cha-ri, thì ông viết lên tấm bảng nhỏ rằng: Tên nó là Giăng! Tức thì miệng ông mở ra, lưỡi ông nói được và ông ngợi khen Đức Chúa Trời. Con trai của Ê-li-sa-bét là người duy nhất dọn đường và giới thiệu Jêsus – Chúa Cứu Thế – Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi (Giăng 1:19-34).
Bài học từ cuộc đời Ê-li-sa-bét:
- Tin kính Chúa, trung tín vâng giữ lời Chúa cách trọn vẹn, đầy dẫy Đức Thánh Linh.
- Tin cậy và thuận phục ý Chúa dầu giữa nghịch cảnh.
- Tâm tính khiêm nhường, không ỷ lại, khoe khoang truyền thống gia đình hay gia tộc.
- Luôn cảm thông nâng đỡ mọi người bằng cả sự yêu thương, tôn trọng.
- Sống trong sự thương mến, gần gũi với mọi người, vui buồn cùng sẻ chia.
- Là nguồn sống vui và động lực giúp mọi người ngợi khen Chúa.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)