Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Áp-sa-lôm – người con phản cha (phần 1)

Sự phản nghịch của Áp-sa-lôm – con trai Đa-vít – đã làm cho Đa-vít phải chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng cuối cùng Đa-vít đã trở lại để cai trị trên Y-sơ-ra-ên.
Vì sao có sự phản nghịch này? Chúng ta phải trở lại với những hành động chuẩn bị phản nghịch của Áp-sa-lôm đối với cha mình được ghi lại trong 2 Sa-mu-ên 13-15.

Thật ra, từ sự bất tuân của Đa-vít đối với luật pháp Môi-se trước đó đã dẫn đến hậu quả đau đớn này và cũng đã làm giảm đi ảnh hưởng của ông với dân sự. Kinh Thánh ghi lại “những thảm họa trong gia đình” khi người con trai đầu tiên của Bát-sê-ba với Đa-vít đã chết, sau đó những người con trai khác của Đa-vít bị giết chết trong đó có Áp-sa-lôm.

1/ Áp-sa-lôm là ai?
Là con trai thứ ba của vua Đa-vít. Áp-sa-lôm không chỉ có tướng mạo đẹp đẽ, ngoại hình rất thu hút, từ bàn chân cho đến chót đầu, chẳng có tì vít gì hết. Áp-sa-lôm được mô tả: tóc của ông cân được hơn 2 ký (2 Sa-mu-ên 14: 25-26). Áp-sa-lôm có sự quan tâm đến gia đình. (2 Sa-mu-ên 13:20; 14:27). Nhưng chắc chắn đời sống thuộc linh không có gì đáng chú ý, bởi vì ông đã để những tham vọng của mình đi trước kế hoạch của Đức Chúa Trời, và về khía cạnh này ông giống với vua Sau-lơ.

2/ Cha mẹ của Áp-sa-lôm là ai?
Cha của Áp-sa-lôm là vua Đa-vít và mẹ là Ma-a-ca, con gái của Thanh-mai, vua Ghê-su-rơ trong thời kỳ Đa-vít đang trị vì tại Hếp-rôn (2 Sa-mu-ên 3:3). Thanh-mai là vua của một nước nhỏ, nằm phía đông bắc của biển Ga-li-lê, và tên của Áp-sa-lôm đầu tiên được nói đến trong 2 Sa-mu-ên 3.

3/ Anh chị em của Áp-sa-lôm
2 Sa-mu-ên 13:1 cho biết Áp-sa-lôm có một người em gái ruột, rất lịch sự tên là Ta-ma, được sanh ra tại Giê-ru-sa-lem (1 Sử ký 3:4-9). Áp-sa-lôm và Ta-ma có người anh cùng cha khác mẹ với mình tên là Am-nôn.
• Am-nôn là ai? là con trưởng nam, được sanh ra tại Hếp-rôn bởi A-hi-nô-am vợ của Đa-vít từ Gít-rê-ên (2 Sa-mu-ên 3:2). Am-nôn là người đem lòng yêu mến và đã hãm hiếp Ta-ma, và điều này vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Vì Ta-ma đồng trinh lấy làm khó cho Am-nôn được chi với nàng, điều này đã làm phiền Am-nôn nhiều đến nỗi ông thành bịnh vì cớ em gái mình.
• Một câu chuyện rất xác thịt, đầy đau buồn và thất vọng ghi lại trong 2 Sa-mu-ên 13:1-22 về Am-nôn hãm hiếp Ta-ma nhưng Am-nôn không có mong muốn kết hôn với Ta-ma. Luật pháp Môi-se ngăn cấm những người nam không được kết hôn với con gái của cha họ như trong Lê-vi-Ký 18:11. Sau khi em gái bị hãm hiếp bởi người anh cùng cha khác mẹ, Áp-sa-lôm đem em gái về nhà mình, đồng thời cũng lập mưu trả thù cho em mình. Hai năm sau đó, Áp-sa-lôm giăng bẫy và Am-nôn đã bị giết chết.
• Áp-sa-lôm biết rất rõ hình phạt cho tội giết người có kế hoạch trước là cái chết, vì vậy ông đã chạy trốn đến nhà ông ngoại mình trong Ghê-su-rơ. Sau 3 năm trong cảnh sống lưu vong, cuối cùng Áp-sa-lôm được phép trở về Giê-ru-sa-lem, qua kế hoạch của Giô-áp (2 Sa-mu-ên 14: 1-20), để đảm bảo rằng Đa-vít ban lệnh tha cho Áp-sa-lôm. Nhưng “Vua bèn đòi Áp-sa-lôm đến; người vào đền vua, sấp mình xuống trước mặt vua, và vua hôn Áp-sa-lôm” (2 Sa-mu-ên 14: 33b). Chúng ta không được biết hay không thấy điều gì nói về sự ăn năn của Áp-sa-lôm, cũng như không nói đến việc Đa-vít tha lỗi cho Áp-sa-lôm, và cũng không thấy Đa-vít khóc lóc hay vui mừng sự trở về của Áp-sa-lôm, ngoài cái hôn là dấu hiệu theo nghi thức.

Trở về và sống tại Giê-ru-sa-lem được 2 năm (2 Sa-mu-ên 14:28; 13: 38) nhưng Áp-sa-lôm không được phép đến trước mặt vua Đa-vít suốt thời gian đó. Chính điều này có thể khiến Áp-sa-lôm buồn bực với cách đối xử của cha mình. Có một người đã nói như thế này: “Đa-vít đã làm một điều sai lầm vì không nói tha thứ cho con trai của ông như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho Đa-vít, ông sẽ sống với sự hối hận về điều đó” vì vậy Áp-sa-lôm khó chịu và tham vọng chiếm ngôi của vua cha của ông càng lớn.

Có thể Đa-vít không nói tha thứ cho Áp-sa-lôm bởi vì con trai của ông không ăn năn! (mặc dầu phần Kinh Thánh không nói đến!) và Áp-sa-lôm có thái độ cay đắng, dẫn đến hành động liều lĩnh, âm mưu phản nghịch cha mình. Ngoài ra, việc cho phép Áp-sa-lôm trở về Giê-ru-sa-lem nhưng không có mối thông công với cha mình. Vì vậy, điều này khiến cho mối quan hệ giữa hai cha con càng ngày càng tệ hơn. Luật pháp đòi hỏi sự đoán xét nhưng “sự thương xót thắng sự đoán xét” (Gia-cơ 2:13).

Trong khi giải pháp của Đức Chúa Trời là nhân từ, tha thứ và tiếp nhận cho những ai xoay hướng trở về trong vòng tay ấm áp và yêu thương như bày tỏ trong 2 Sa-mu-ên 12:13, “Đa-vít bèn nói cùng Na-than rằng: Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va. Na-than đáp cùng Đa-vít rằng: Đức Giê-hô-va cũng đã xóa tội vua; vua không chết đâu.” Đức Chúa Trời ban sự tha thứ cho những ai đến với Ngài: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (1 Giăng 1:9). Áp-sa-lôm tỏ ra cay đắng, buồn bực vì Đa-vít không xét xử cho em gái mình, mà cha chỉ tỏ thái độ “giận lắm” (2 Sa-mu-ên 13:21). Những tình tiết đó đã dẫn đến sự phản nghịch của Áp-sa-lôm, được ghi lại trong 2 Sa-mu-ên 15 và cũng cho biết Áp-sa-lôm được lòng dân Y-sơ-ra-ên và tức vị vua: “…và Áp-sa-lôm dụ lấy lòng người Y-sơ-ra-ên vậy” (2 Sa-mu-ên 15: 6b).

4/ Âm mưu cướp ngôi vua
Sự phản nghịch của Áp-sa-lôm cho thấy bằng chứng về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi. Chẳng hạn, khi tiên tri Na-than đến đối diện với Đa-vít và rất khó khăn để thông báo cho Đa-vít về sự đoán phạt của Chúa đối với tội tà dâm và giết người: “Nên bây giờ, gươm chẳng hề thôi hủy hoại nhà ngươi, bởi vì ngươi đã khinh ta, cướp vợ U-ri, người Hê-tít, đặng nàng làm vợ ngươi. Đức Giê-hô-va phán như vầy: Ta sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai họa giáng trên ngươi” (2 Sa-mu-ên 12:10-11).

Hành động phản nghịch của Áp-sa-lôm cũng là một trong những điều ứng nghiệm cho sự đoán phạt này. Từ trong nhà của Đa-vít, một cây gươm và sự gian ác nổi lên. Áp-sa-lôm hành động, kiên nhẫn sắp đặt một mưu phản với những vũ khí của hoàng cung: “Cách ít lâu, Áp-sa-lôm sắm xe và ngựa với năm mươi quân chạy trước mặt mình” (2 Sa-mu-ên 15:1). Ông thức dậy sớm và đứng nơi mé đường vào cửa thành, để gặp gỡ những người đang tìm kiếm sự công bình từ nhà vua. Áp-sa-lôm cũng muốn gây uy tín cho mình qua hành động làm ra vẻ quan tâm đến những nan đề tranh tụng hay thưa kiện của dân chúng như ông đã than thở “thì Áp-sa-lôm tiếp rằng: Sự tình của ngươi thật phải và công bình; nhưng nơi đền vua nào có ai để nghe ngươi đâu. Đoạn, Áp-sa-lôm tiếp rằng: Ồ! chớ chi người ta lập ta làm quan xét trong xứ! Phàm người nào có việc tranh tụng hay kiện cáo gì cần đoán xét, sẽ đến ta, thì ta sẽ xử đoán công bình cho họ.” (2 Sa-mu-ên 15:3-4).

Nhớ lại cái hôn theo cách của Đa-vít, cha mình chào đón ông khi trở về Giê-ru-sa-lem, nên Áp-ra-ham cũng làm điều tương tự: “Nếu có ai đến gần đặng lạy người, Áp-sa-lôm giơ tay ra đỡ lấy người và hôn. Áp-sa-lôm làm như vậy đối cùng hết thảy những người Y-sơ-ra-ên đi đến tìm vua, đặng cầu đoán xét; và Áp-sa-lôm dụ lấy lòng người Y-sơ-ra-ên vậy” (2 Sa-mu-ên 15:5-6).

Áp-sa-lôm đã bỏ ra 4 năm thực hiện kế hoạch trong yên lặng, đầy xảo quyệt cho sự phản nghịch. Vì vậy, sau 4 năm, Áp-sa-lôm sẵn sàng quyết định hành động, xin vua Đa-vít, cha mình cho phép đi dâng tế lễ, trả xong sự hứa nguyện cho Đức Giê-hô-va tại Hếp-rôn, là thủ phủ trước đây của nhà vua (2 Sa-mu-ên 15:7). Theo niên đại lịch sử cho biết, tại thời điểm này có thể Đa-vít đã lo xây dựng hoàng cung trong Giê-ru-sa-lem, một nơi cư ngụ mới cho Hòm Giao Ước, cuối cùng chuẩn bị cho việc xây dựng Đền Thờ (2 Sa-mu-ên 5:9-12). Vì vậy, Đa-vít không nhận ra những ý định của Áp-sa-lôm, nên đã bảo Áp-sa-lôm “Hãy đi bình an” và không hề hay biết con trai mình sẽ đến Hếp-rôn để tìm cách tấn công và giết ông.

Lý do thật sự Áp-sa-lôm đã chọn “Hếp-rôn” là nơi có thể mọi người để ý đến bởi vì đây là nơi sinh của ông, và là nơi đầu tiên Đa-vít cai trị (2 Sa-mu-ên 2:1-4; 3:3-5), vì vậy khả năng nơi này ủng hộ cho Áp-sa-lôm mạnh nhất. Với cơ hội này, Áp-sa-lôm đã sai các do thám đi khắp trong các chi phái Y-sơ-ra-ên, tập hợp dân sự khi nghe tiếng kèn thì tung hô Áp-sa-lôm làm vua tại Hếp-rôn! Dân sự sẽ được cai trị bởi vị vua mới.

Sự phản nghịch của Áp-sa-lôm trở nên mạnh hơn do số đông hai trăm người đã đi theo ông từ Giê-ru-sa-lem. Kinh Thánh cho biết dân sự đơn sơ, và thật thà, chẳng nghi ngại điều gì và không nhận ra những ý đồ thật sự của Áp-sa-lôm. Tại đây, một lần nữa, Áp-sa-lôm tập hợp và vận động những người ủng hộ ông, kể cả A-hi-tô-phe là mưu sĩ của Đa-vít: “Đang lúc Áp-sa-lôm dâng của lễ, bèn sai mời A-hi-tô-phe, là mưu sĩ của Đa-vít ở Ghi-lô, bổn thành người. Sự phản nghịch trở nên mạnh, và đoàn dân đi theo Áp-sa-lôm càng ngày càng đông” (2 Sa-mu-ên 15:12). Áp-sa-lôm nghe theo lời đề nghị của A-hi-tô-phe làm điều sỉ nhục thậm tệ cha mình.

Tóm lại, Áp-sa-lôm là một người tự cho mình là trung tâm, tự thăng mình lên và đảm bảo những vũ khí và chiến lược quân sự. Ông đã phê bình sự lãnh đạo của cha mình cách công khai, và hứa với dân sự sẽ cai trị tốt hơn Đa-vít. Áp-sa-lôm đã sử dụng sắc đẹp, sức quyến rũ của mình và những lời tâng bốc, nịnh hót để tìm kiếm sự ủng hộ để tôn cao chính mình hơn. Với tất cả những hành động này, Áp-sa-lôm có mục đích lôi cuốn sự chú ý từ dân sự và nhắc nhở dân sự biết rằng ông thuộc dòng dõi nhà vua, và sẽ kế vị ngôi cha mình.

Thật ra, theo phong tục truyền thống, Áp-sa-lôm là dòng dõi của Đa-vít, là người kế vị ngôi vua, nhưng Đức Chúa Trời đã có kế hoạch cho Sa-lô-môn kế vị vua cha như được bày tỏ trong 1 Sử ký 22: 6-10. Hơn nữa, Đa-vít đã yêu thương Áp-sa-lôm rất nhiều, dầu ông phạm tội giết người (2 Sa-mu-ên 14:1; 13:37, 39). Chính Đa-vít đã kinh nghiệm sự nhân từ của Đức Chúa Trời và đã thoát khỏi cái chết vì tội tà dâm và giết người của ông “…Na-than đáp cùng Đa-vít rằng: Đức Giê-hô-va cũng đã xóa tội vua; vua không chết đâu” (2 Sa-mu-ên 12:13b).

Bài học suy gẫm: Sứ đồ Phao-lô khuyên chúng ta: “Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan… Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào.” (Ê-phê-sô 5:15, 17). Những kẻ phản nghịch, gian ác sẽ bị hình phạt:“Đừng để cho ai lấy lời giả trá phỉnh dỗ anh em; vì ấy là nhân những điều đó mà cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên các con bạn nghịch” (Ê-phê-sô 5:6).

Bài học dành cho Cơ Đốc nhân:
1. Vẻ đẹp bề ngoài là hư vô nếu không có sự trưởng thành thuộc linh như Châm ngôn 29:5: “Người nào dua nịnh kẻ lân cận mình, giăng lưới trước bước người”.

2. Hãy thận trọng với sự lừa dối: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9). Chớ tin con người khi chỉ dựa vào giá trị bề mặt.

3. Hãy nhận biết các thần gian ác: “Lòng người khôn khéo được sự tri thức; Và tai người khôn ngoan tìm kiếm sự hiểu biết.” (Châm ngôn 18:15). Đức Chúa Trời muốn tội nhân được giải hòa với chính Ngài qua Thập Tự giá của Đấng Christ, là bằng chứng lịch sử lớn nhất, quý báu nhất khi một người biết ăn năn, xưng nhận tội lỗi, tiếp nhận Ngài vào đời sống. Duy chỉ một mình Ngài!

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn