Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Trợ tử hay an tử có đúng với Lời Chúa dạy không?

Tôi có nghe về thuật ngữ “trợ tử” và “an tử”. Xin hỏi quan điểm này có phù hợp với Kinh Thánh không?

Chào bạn,

Góc Tâm vấn xin được trả lời câu hỏi của bạn như sau:

“Trợ tử” là hành động giúp một người nào đó chết cách nhanh chóng và không đau đớn, hoặc để cho chết bằng cách rút các thiết bị y tế, thường là vì người đó mắc bệnh nan y hoặc vì bệnh tật gây nhiều đau đớn. Trợ tử còn có tên gọi khác là “an tử”.

An tử trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “cái chết nhẹ nhàng/ êm ái”. Ý nghĩa này làm cho thuật ngữ an tử có thể đem lại sự an ủi cho người đối diện hoàn cảnh bệnh tật khó khăn muốn được giải thoát. Khi bất kỳ ai, đặc biệt là người thân trong gia đình hay bạn bè thân thiết đang chịu đau đớn trong thân thể, sức khỏe suy giảm, thì theo bản năng chúng ta sẽ muốn cứu giúp người đó bằng bất cứ cách nào có thể. Đôi khi, mong muốn cất đi sự đau đớn mà người bệnh đang chịu đựng trở nên mãnh liệt đến nỗi lấn át cả ý thức phải gìn giữ và cứu lấy mạng sống của con người.

Tranh chiến giữa mong muốn kết thúc sự đau đớn và ao ước được sống không phải là điều mới mẻ đối với con người. Thật vậy, một trong những câu chuyện lâu đời nhất trong Kinh Thánh là câu chuyện kể về việc ông Gióp mong được chết khi phải chịu đau đớn. Gióp than khóc về cuộc đời mình, thậm chí cầu xin Chúa giết ông chứ đừng để ông phải chịu đựng nỗi đau tinh thần, thể xác và tâm linh (Gióp 6:8-11). Gióp còn tuyên bố cách thẳng thắn “Đến nỗi con muốn thà bị nghẹt thở và chết, còn hơn là sống trong xương cốt nầy. Con chẳng còn muốn sống. Con đâu có sống hoài. Xin Chúa để mặc con, vì ngày tháng của con chẳng có ý nghĩa gì” (Gióp 7:15-16, TTHĐ).

Kinh Thánh có tán thành những cảm xúc như của Gióp không? Kinh Thánh cho biết ông có những cảm xúc đó. Trong cơn tuyệt vọng, những nhân vật khác trong Kinh Thánh cũng đã xin kết thúc sớm cuộc đời của mình, chẳng hạn như Ê-li (I Vua 19:4) và Sau-lơ (1 Sử 10:4). Kinh Thánh cho thấy rằng cảm xúc và thậm chí lô-gic của con người có thể ủng hộ khái niệm trợ tử. Tuy nhiên chúng ta không sống theo cảm xúc hay lô-gic, mà sống bởi đức tin (Rô-ma 1:17). Đức Chúa Trời có kế hoạch và sự hiểu biết mà chúng ta không thể nào hiểu được. Ngài là Đấng ban sự sống và duy trì sự sống (Nê-hê-mi 9:6), và chúng ta không có quyền chiếm đoạt quyền của Ngài. Chúng ta không có quyền quyết định thời điểm hay cách thức mình qua đời. Truyền đạo 8:8 (TTHĐ) cho biết “Không ai có quyền trên sinh khí để cầm giữ nó lại. Cũng không ai có quyền trên ngày chết.”

Sự chết là hậu quả tất yếu của tội lỗi. Đôi khi Chúa để cho người này chịu đau đớn một thời gian dài trước khi chết, nhưng Ngài lại rút ngắn sự đau đớn của người khác. Chẳng ai thích thú khi chịu đau đớn, nhưng điều đó không cho chúng ta quyền quyết định sự chết để kết thúc đau đớn. Thường Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ mục đích của Ngài trong hoạn nạn. Truyền đạo 7:14 (TTHĐ) nhắc chúng ta “Trong ngày thịnh vượng hãy vui hưởng. Trong ngày tai họa hãy suy ngẫm. Vì Đức Chúa Trời cho cả hai ngày ấy xảy ra để loài người không thể khám phá điều gì sẽ xảy đến trong tương lai.”

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta biết rằng sự sống là tặng phẩm thiêng liêng từ Đức Chúa Trời (Sáng Thế ký 2:7) mà không ai có quyền cất đi. Chúng ta cũng tin chắc rằng Đức Chúa Trời biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta, và thời điểm của Ngài luôn hoàn hảo, ngay cả thời điểm kết thúc sự sống của con người. Vì vậy, an tử hay trợ tử là tội chống lại kế hoạch và thẩm quyền của Ngài.

(Phần trả lời dựa theo gotquestions.org)

*Quý tín hữu có thắc mắc hay vấn đề cần chia sẻ với GÓC TÂM VẤN, vui lòng làm theo 1 trong 2 cách sau:

🍁Bấm vào link này để ghi nội dung muốn chia sẻ https://forms.gle/UbSbMHVAAqLSWtfN9

🍁Gửi vào địa chỉ email: tamvan@httlsaigon.org

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn