Hỏi: Trong tuần lễ cuối cùng của cuộc đời Chúa Giê-xu, khi Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem, đám dân đông lấy những lá kè ra đón Ngài (theo Giăng 12:13). Vì sao Kinh Thánh không ghi lá cây khác mà phải lá kè hoặc nhành chà là (palm leaves)?
Đáp: Trong Kinh Thánh, cũng như từ các nguồn bên ngoài Kinh Thánh, việc sử dụng “cành cọ, lá kè, nhành chà là” thường gắn liền với “chiến thắng.” Kinh Thánh lần đầu tiên cho chúng ta thấy điều này khi kết hợp với lễ Lều-tạm. Là một phần của lễ kỷ niệm này, dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời truyền lệnh phải xây dựng và sinh sống trong những nhà lều (trong 7 ngày), được làm từ “những cành cây tốt, những nhánh lá kè, những cành lá sum suê, và những cành liễu bên suối” (Lê-vi-ký 23:40-BD2022) (xem thêm: Nê-hê-mi 8:14-18). Những cành lá kè được sử dụng như dấu hiệu của sự vui mừng. Những lều tạm nhắc nhở rằng Đức Giê-hô-va đã cứu dân Ngài ra khỏi Ai Cập để sống trong lều ở sa-mạc.
Mặc dù không được ghi lại trong Kinh Thánh, nhưng lịch sử cho chúng ta biết rằng việc vẫy những cành lá kè được thực hiện để nghênh đón một vị vua hoặc những vị tướng chiến thắng từ mặt trận trở về, tương tự như việc trải thảm đỏ ngày nay. Cách giải thích khác thì cho rằng trong các cuộc thi đấu thể thao ở Hy Lạp, những người chiến thắng thường được tặng một cành lá kè để họ vẫy tay vui mừng chiến thắng của mình.
Tuy nhiên, một lời giải thích nữa cũng khá thú vị, đó là trong lịch sử Do Thái, trong sách ngụy thư Maccabees (vẫn còn trong Kinh Thánh Công giáo), Giu-đa Maccabeus được người Do Thái tôn vinh “với lời khen ngợi và cành lá kè” khi ông vào thành Giê-ru-sa-lem (1 Macc 13:51). Ông được tung hô là một anh hùng chiến thắng! Ông đã giải phóng người Do Thái khỏi những kẻ chinh phục và áp bức họ! Ông đã thanh tẩy và cung hiến lại Đền Thờ! Người Do Thái cử hành sự kiện này với lễ Hanukkah, còn được gọi là lễ Cung Hiến (xem Giăng 10:22). Lá kè trở thành biểu tượng của chiến thắng và niềm hân hoan. Có thể lắm, người Do Thái đã nghĩ đến sự kiện này (và lễ Hanukkah) khi Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn. Họ vẫy những cành lá kè và ném chúng trước mặt Ngài để ca ngợi “anh hùng chiến thắng” của họ, Người sẽ giải phóng họ khỏi sự áp bức của người La Mã, dù mục đích và động cơ của họ không đúng.
Sự kiện “Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn” được ghi lại trong 4 sách Phúc Âm (Ma-thi-ơ 21:1-11; Mác 11:1-10; Lu-ca 19:28-44; và Giăng 12:12-19). Tuy nhiên, chỉ có Giăng ghi lại chi tiết “những lá kè” được sử dụng trong lễ kỷ niệm này. Ngày nay, không ít tín hữu kỷ niệm Chúa nhật Lễ Lá (Palm Sunday), tức Chúa nhật cuối cùng trước khi Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá vào thứ Sáu, và sống lại từ cõi chết vào Chúa nhật tuần sau.
Thật ra, lễ kỷ niệm này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Cũng chính những người Do Thái đã vẫy những lá kè để reo hò mừng đón vị vua trả tự do cho họ, lại hò hét đòi đóng đinh Ngài vào thập tự giá chỉ vài ngày sau đó (Mác 15:13-14; Lu-ca 23:21; Giăng 19:6). Chúa Giê-xu thật sự đã đến thế gian để ban cho người Do Thái chiến thắng, tuy nhiên, đó không phải là chiến thắng trước người La Mã, mà là chiến thắng tội lỗi. Khi đám đông reo hò “Hô-sa-na!” (Giăng 12:13; Ma-thi-ơ 21:9), nghĩa là “Xin hãy cứu ngay,” thật đáng tiếc, họ không nhận ra rằng Chúa Giê-xu đến để cứu họ khỏi tội lỗi.
Chót hết, vô số người trong sách Khải huyền cầm những cành lá kè và tuyên bố chiến thắng vĩnh cửu của Đấng Cứu Rỗi, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, vui mừng chiến thắng vĩnh cửu của Đấng Christ vì Ngài là Vua của muôn Vua (Khải huyền 7:9). Như vậy, lá kè giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử của Cơ Đốc giáo, vừa tượng trưng cho sự ca ngợi Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cứu Thế vừa tượng trưng cho sự trở lại lần thứ hai của Ngài là Vua của muôn Vua, Chúa của muôn Chúa.
(Tổng hợp từ các nguồn)