Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Vì sao giảng dạy bằng những ẩn dụ?

Kinh Thánh: Mác 4:33-34

“Ấy bởi nhiều lời thí dụ như cách ấy mà Ngài giảng đạo cho họ, tùy theo sức họ nghe được. Ngài chẳng hề giảng cho chúng mà không dùng thí dụ; nhưng, khi ở riêng, Ngài cắt nghĩa hết cho môn đồ mình.” (BTT)

Có vẻ kì lạ khi Chúa Jêsus thỉnh thoảng đã không công bố rõ ràng sứ điệp của Ngài trước đám đông. Nhưng Chúa không cố gắng tìm kiếm nhiều người ủng hộ Ngài. Thật vậy, Chúa càng giảng đạo, thì Ngài càng ít giống nhà lãnh đạo được nhiều người ưa thích luôn đáp ứng nhu cầu của dân chúng, mà giống Con Người đang thi hành sứ mệnh từ Đức Chúa Trời – việc đi theo Chúa có thể phải trả giá quá lớn (Giăng 6:60-66). Nhưng một số người vẫn tiếp tục đi theo Chúa, đó là các môn đồ đang được trang bị để trở thành các sứ đồ. Mặc dầu nhiều người được hưởng ích lợi từ lòng nhân từ và phép lạ đầy quyền năng của Chúa, nhưng chính các sứ đồ tập sự là những người phải ghi nhớ những điều Chúa Jêsus đã làm và phán dạy để sau này họ lãnh đạo và giảng dạy Hội Thánh. Dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, những trải nghiệm của họ với Chúa Jêsus đã hình thành “Lời dạy của các Sứ Đồ” (Công vụ 2:42), là khởi nguồn của mọi giáo lý chân chính.

Học hỏi thật sự bắt nguồn từ tâm trí thích tìm hiểu và tấm lòng sẵn sàng. Các ẩn dụ và phép lạ của Chúa Jêsus đã khiến các môn đồ phải suy nghĩ và thắc mắc (Giăng 16:17-18). Những câu đố cần được giải đáp, và những bức tranh cần được cắt nghĩa. Những minh họa giúp chúng ta học hỏi. Nếu chưa từng trải, chúng ta chỉ có thể hiểu một điều gì đó bởi tham khảo từ những điều chúng ta biết. Các ẩn dụ cung cấp mối liên kết đó – giữa đời sống kinh tế nông thôn của những người nghe Ngài với Nước Trời, là nơi ở của Chúa Jêsus. Mỗi một ẩn dụ thường chỉ mô tả một phần của bức tranh – nhưng đủ để làm lay động con người có lòng khao khát lẽ thật của Đức Chúa Trời. Và Chúa Jêsus đã không phức tạp hóa vấn đề.

Khi Chúa phán với con người, Ngài phán dạy cách cá nhân. Dù hạt giống Lời Chúa được gieo ra khắp nơi, nhưng Chúa biết mỗi một Lời đi về đâu; đến từng mục tiêu cụ thể. Ngài không thuyết giảng cao hơn gấp ba lần khả năng hiểu biết của chúng ta, nhưng chu cấp cho chúng ta Lời Ngài nhiều đến mức chúng ta có thể hiểu được (1 Phi-e-rơ 2: 2). Lẽ dĩ nhiên, Chúa Jêsus có ý muốn cho các môn đồ học hỏi nhiều hơn, vì thế Ngài đã mở rộng thêm các ẩn dụ khi ở riêng với họ, và giải thích về ý nghĩa đời đời của chúng cho các sứ đồ tập sự.

Trong gần ba năm, các môn đồ đã được dạy dỗ về “sự mầu nhiệm của Nước Trời” – đủ để họ có thể hiểu được lúc đó cho đến chừng Đức Thánh Linh được sai xuống hoàn thành việc dạy dỗ cho họ sau Lễ Ngũ Tuần (Giăng 14:26). Đôi khi Chúa đã khiển trách cách thích đáng việc họ từ chối áp dụng những điều họ đã nghe (Ma-thi-ơ 17:17). Đặc ân của họ, giống như của chúng ta, là có thì giờ riêng tư với Ngài – để suy ngẫm và đặt câu hỏi, dành thời gian để nhận được sự đáp lời chính xác từ Chúa (Lu-ca 10: 38-42). Thì giờ riêng tư với Chúa là điều hầu như bị lấn ép trong đời sống bận rộn của chúng ta – nhưng nếu không có điều đó, sự hiểu biết của chúng ta về việc quan trọng nhất sẽ thiếu sót… và chúng ta cũng sẽ trở nên như thế.

Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì Ngài biết rõ khả năng hiểu biết của con cách lạ lùng. Xin tha thứ cho con khi chậm chạp kết nối với những điều Chúa đang phán dạy hoặc khi con xem thường tầm quan trọng trong việc khắc ghi Lời Chúa vào lòng con. Xin cho con thêm lòng khao khát để hiểu biết Lời Chúa và dành thời gian riêng tư với Ngài. Xin giúp con nhận ra những ai đang đói khát thuộc linh, giúp đỡ họ thích đáng, và khích lệ họ tương giao mật thiết với Ngài. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn