Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 22:4-7
“Vua lại sai đầy tớ khác mà dặn rằng: Hãy nói với người được mời như vầy: Nầy ta đã sửa soạn tiệc rồi; bò và thú béo đã giết xong, mọi việc đã sẵn cả, hãy đến mà dự tiệc cưới. Nhưng họ không đếm xỉa đến, cứ việc đi đường mình; kẻ nầy đi ra ruộng, kẻ kia đi buôn bán; còn những kẻ khác bắt đầy tớ của vua, mắng chửi và giết đi. Vua nổi giận, bèn sai quân lính diệt những kẻ giết người đó, và đốt phá thành của họ.” (BTT)
Chúa Jêsus bắt đầu kể một ẩn dụ cho các nhà lãnh đạo tôn giáo (Ma-thi-ơ 22:1-3); câu chuyện về chính Ngài và thái độ của họ (dựa trên thái độ sai lầm của các thế hệ trước) đối với Đức Chúa Trời và vương quốc của Ngài. Câu chuyện kể về một vị vua mời những người được chọn đến dự tiệc cưới của con trai mình. Nhưng họ từ chối đến. Tiệc cưới đã được chuẩn bị tốn kém và do đó, nhiều người đầy tớ được sai đi phát thiệp mời.
Đáp ứng của những vị khách thật kinh khủng: họ không quan tâm, hoặc tức giận vì những công việc nhỏ nhặt của họ bị ảnh hưởng do lệnh của nhà vua. Họ không có thời gian cho nhà vua vì cuộc sống của họ chỉ xoay quanh những gì họ muốn làm. Sự thờ ơ của một số người cũng đáng trách như những hành vi bạo lực của những người khác – bởi vì cả hai nhóm người đều không sẵn lòng tuân theo mệnh lệnh của vua. Không một vị vua nào có thể dung thứ cho sự nổi loạn quá mức như vậy, và thời gian cũng sắp hết. Việc làm của họ có thể phá hủy không chỉ đám cưới của con trai vua mà cả sự ổn định của toàn vương quốc. Vì vậy, nhà vua đã thực hiện quyền của mình để đối phó với những kẻ nổi loạn. Vua sai quân lính đi và kết quả là những vị khách đó đều bị tiêu diệt và thành phố của họ cũng vậy.
Chúa Jêsus nói với các thầy thông giáo rằng Đức Chúa Trời muốn họ tin cậy và đi theo Ngài. Nhưng qua nhiều thế hệ, dân sự của Ngài đã khước từ điều đó. Lịch sử đã kể lại phần cuối của câu chuyện: họ không tin Chúa Jêsus và đã giết Ngài; nhưng vào năm 70 sau Công Nguyên, tướng La Mã tên là Titus đã phá hủy thành Giê-ru-sa-lem bao gồm cả đền thánh thời đó, giết chết nhiều người và buộc những người còn lại phải làm việc hoặc phải chạy trốn sang các nước khác. Không làm theo lời Đức Chúa Trời có nghĩa là mất tất cả.
Một phần lịch sử đó cũng là một ẩn dụ khác. Trong khi Đức Chúa Trời kiên nhẫn chờ đợi những kẻ nổi loạn đến và thuận phục Chúa Jêsus, thì sự khoan dung của Ngài cuối cùng sẽ được thay thế bằng cơn thịnh nộ. Hỏa ngục là có thật cũng như thiên đàng vậy và đang chờ đợi những kẻ chống đối mà không chịu ăn năn. Điều đó có vẻ đáng báo động; và thật vậy, sứ điệp rất rõ ràng. Từ chối đến với Chúa Jêsus không bao giờ là một lựa chọn khả thi vì cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đã sẵn sàng bùng phát: chỉ có lòng thương xót của Ngài mới kìm hãm được nó trong một thời gian (Rô-ma 1:18-20). Đó là lý do tại sao chúng ta phải nhanh chóng nghe và vâng lời Đức Chúa Trời. Đó cũng là lý do tại sao Hội Thánh phải rao giảng Phúc Âm và khuyên mọi người ăn năn và đến với Đấng Christ. Đáp lại lời mời của Đức Chúa Trời không phải là một sự lựa chọn, mà là một mệnh lệnh đem lại kết quả tuyệt vời hoặc khủng khiếp tùy thuộc vào việc chấp nhận hay từ chối lời mời. Cầu mong lẽ thật này thúc đẩy và động viên chúng ta tiếp tục sứ mạng rao giảng Phúc Âm ngày nay.
Lạy Đức Chúa Trời toàn năng, cảm ơn Ngài vì muốn mọi người đáp lại lời mời của Ngài, ăn năn tội lỗi của họ và tin theo Chúa Jêsus. Xin Chúa tha thứ khi con đã từ chối Ngài. Xin tha thứ cho con và ban cho con can đảm để tiếp tục vâng lời Ngài. Xin lẽ thật về cơn thịnh nộ của Ngài khiến con sẵn sàng rao giảng lẽ thật về tình yêu của Ngài cho một thế hệ đang bị hư mất đời đời nếu họ không thuận phục Chúa Jêsus. Nhân danh Chúa Jêsus. A-men.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work