Kinh Thánh: Lu-ca 18:31-34
“Kế đó, Đức Chúa Jêsus đem mười hai sứ đồ riêng ra mà phán rằng: Nầy, chúng ta lên thành Giê-ru-sa-lem, mọi điều mà các đấng tiên tri đã chép về Con người sẽ ứng nghiệm. Vì Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại; họ sẽ nhạo báng Ngài, mắng nhiếc Ngài, nhổ trên Ngài, sau khi đánh đòn rồi, thì giết Ngài đi; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại. Song các môn đồ không hiểu chi hết; vì nghĩa những lời đó kín giấu cho môn đồ, nên không rõ ý Đức Chúa Jêsus nói là gì.” (BTT)
Các môn đồ luôn được Chúa Jêsus chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra. Giống như Người Chăn Hiền Lành, Ngài đi trước họ và chuẩn bị cho họ những bước tiếp theo, và qua sự thương khó của chính Ngài, Ngài dạy rằng những ai tin vào Ngài cũng phải hy sinh vì danh Ngài (Giăng 10:14-16). Nhưng vào thời điểm Chúa Jêsus phán những lời này với các môn đồ, họ không thể biết rằng Thầy của họ sẽ bị giết. Họ luôn nghĩ tất cả mọi thứ đều thuận lợi đối với Ngài và mọi người đều yêu mến Chúa Jêsus, ngoại trừ những nhà lãnh đạo tôn giáo.
Vì vậy, trước hành trình cuối cùng đi đến sự chết của chính mình tại Giê-ru-sa-lem, Chúa đã phán dạy và giải thích cho họ chính xác điều gì sẽ xảy ra. Các chi tiết rất sinh động và chắc chắn như tiếng vọng rõ ràng của phân đoạn Kinh Thánh Ê-sai 53:3-10. Chúa Jêsus sẽ bị xét xử cách bất công bởi nhà cầm quyền dân ngoại là Pôn-xơ Phi-lát và bị dân ngoại đóng đinh cách tàn nhẫn, nhưng Ngài sẽ sống lại vào ngày thứ ba. Nhưng các môn đồ không biết Ngài đang nói về điều gì (Giăng 12:16).
Trong thân xác con người, họ không thể hiểu được lời báo trước của Chúa Jêsus về tương lai. Đơn giản là họ không thể hiểu ý nghĩa của những điều Chúa phán. Đúng là họ vốn đang trông đợi một Đấng Mết-si-a chống lại nhà cầm quyền La Mã, nhưng có một lý do khác, đó là Đức Chúa Trời không cho phép họ hiểu thông điệp này (I Cô-rinh-tô 2:6-8). Vậy tại sao Chúa lại mang đến thông điệp này? Đó là cách Chúa chuẩn bị họ cho Lễ Ngũ Tuần khi Đức Thánh Linh cho phép họ hiểu được sự ứng nghiệm hoàn hảo lời của Đấng Christ về chức vụ, sự chết và sự phục sinh và tại sao Chúa phải thi hành chức vụ của Ngài như thế (Giăng 16:12-15). Họ sẽ nhận được thông điệp này vào ngày hôm đó. Nhưng khi họ nhận được thì cũng là thời điểm để hành động! Việc của họ sau đó là công bố thông điệp này với niềm tin chắc chắn, và nhiều người đã được cứu. Đó là thời kỳ đầu của Hội Thánh (Công vụ 2:40-41).
Đức Chúa Trời không phán với chúng ta để làm chúng ta cảm thấy vui vẻ bằng những điều thú vị. Ngài phán dạy để chúng ta hành động (Phục truyền Luật lệ Ký 29:29). Các sứ đồ không thể hành động cho đến khi Chúa Jêsus hoàn thành sứ mệnh của Ngài, vì vậy họ không cần phải hiểu. Nhiệm vụ duy nhất của họ là quan sát những gì xảy ra để sau này có thể trở thành nhân chứng đáng tin cậy cho những người khác. Chỉ khi Đức Thánh Linh đầy dẫy họ vào Lễ Ngũ Tuần, thì họ mới có thể giải thích những gì họ đã thấy, và rao ra thông điệp này cho người khác. Nhưng vai trò quan sát của họ không phải là vô nghĩa: các sứ đồ có thể bác bỏ những câu chuyện không có thật về Chúa Jêsus, bởi vì họ đã tự mình thấy những phép lạ và dấu kỳ tuyệt vời của Ngài (II Phi-e-rơ 1:16-18). Đó là lý do tại sao Chúa Jêsus truyền cho họ làm nhân chứng của Ngài (Công vụ 1:8) để chứng minh rằng những gì đã xảy ra là đúng với chương trình của Ngài. Thật là một sự chắc chắn với chúng ta, đức tin của chúng ta không được xây dựng trên những câu chuyện tưởng tượng mà dựa trên lẽ thật về những gì mà Chúa Jêsus đã phán dạy và thực hiện (Lu-ca 1:1-4). Giống như các sứ đồ, khi chúng ta hiểu và tiếp nhận thông điệp đó thì chúng ta có thể rao ra cho những người khác.
Kính lạy Chúa từ ái! Cảm ơn Chúa vì Ngài đã giúp chúng con thấu hiểu Lời Ngài và khích lệ chúng con hành động. Xin Chúa tha thứ cho con về những lần con hiểu lời dạy của Ngài nhưng lại từ chối hành động. Cảm ơn Chúa vì con có thể tin chắc vào Phúc Âm vì các sứ đồ đã làm chứng và truyền lại thông điệp của Ngài, để chúng con có thể đọc Kinh Thánh với sự tin chắc và chia sẻ với người khác. Xin Chúa ban cho con khát khao làm điều đó. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. A-men.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work