Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Thân và huyết báu của Chúa Jêsus

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 26:26-30

“Khi đương ăn, Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội. Ta phán cùng các ngươi, từ rày về sau, ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày mà ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha ta. Khi đã hát thơ thánh rồi, Đức Chúa Jêsus và môn đồ đi ra mà lên núi Ô-li-ve.” (BTT)

Trọng tâm của kỳ lễ Vượt Qua là việc phân phát bánh đã bẻ ra và chia sẻ bốn chén rượu mang nghĩa tượng trưng. Đó là lễ kỷ niệm bữa ăn thịt chiên quay đầu tiên nhằm thêm sức cho mỗi gia đình trong việc chuẩn bị cho chuyến hành trình ra khỏi Ai Cập; nhưng đó là bí quyết để bảo vệ dân sự khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời – máu của chiên con hiến tế được bôi bên ngoài khung cửa (Xuất Ê-díp-tô Ký 11 & 12). Đức Chúa Trời phán: “Khi nhìn thấy máu, Ta sẽ vượt qua”. Bánh không men là để nó không bị mốc trong chuyến hành trình – đó là “bánh duy trì sự sống”.

Khoảng 1.500 năm sau, Chúa Jêsus, với tư cách người chủ nhà, đã tạ ơn về chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời và bẻ bánh phân phát cho các môn đồ của Ngài. Đó là loại bánh không men rất bình thường, nhưng Chúa nói rằng đó là thân thể của Ngài. Thời điểm ấy, Ngài không bị thương về thể xác nhưng quả quyết rằng bánh ấy tượng trưng cho thân thể của Ngài. Đó là phân cảnh mang tính tiên tri, qua đó Chúa Jêsus giải thích rằng thân thể của Ngài sẽ bị tan vỡ để các môn đồ (và những ai tin lời họ) nhận được cuộc đời mới, thoát khỏi sự giam cầm của tội lỗi.

Rượu cũng rất bình thường, từ “trái của cây nho”. Mỗi lần chén được đổ đầy, nó có một tên khác nhau: lần thứ nhất là chén của sự thánh hóa, lần thứ hai là chén của tai hoạ, lần thứ ba là chén của sự cứu chuộc và lần thứ tư là chén của sự ca ngợi hay hoàn thành. Chén trong những câu này là chén cứu chuộc. Lời hứa giao ước của Đức Chúa Trời cứu chuộc dân Ngài sẽ được hoàn thành khi Đấng Christ trở thành Chiên Con trong Lễ Vượt Qua, vì huyết của Ngài cất đi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi. Đó là một phân cảnh khác nữa mang tính tiên tri. Cả hai sẽ được tái hiện trong nhiều thế kỷ qua không phải như lời đoán trước mà là điều báo trước. Như sứ đồ Phao-lô đã viết trong 1 Cô-rinh-tô 11:26, “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến”.

Ngày nay chúng ta cũng biết về thập tự giá và sự phục sinh. Đó là lý do chúng ta đừng bao giờ lạm dụng, e điều quen thuộc sẽ sinh ra sự xem thường. Đó là lý do mỗi khi chúng ta cầm lấy bánh và rượu, sẽ là điều xúc phạm nếu chúng ta không nhìn thấy tội lỗi của chính mình đặt trên thân thể vỡ tan của Chúa, và chúng ta được thanh tẩy bởi huyết Ngài đổ ra. Chúng ta, những con người hay quên và tự thu mình, cần thường xuyên được nhắc nhở rằng Hài Nhi trong máng cỏ cũng là Chiên Con trên ngai vàng. Một ngày nào đó, Ngài sẽ được xem là Vua của sự vinh hiển, sẽ đến để chào đón tất cả những ai được Ngài cứu chuộc và nâng đỡ.

Lạy Đấng Cứu Rỗi, con cảm ơn Ngài vì lòng mong muốn cứu giúp một tội nhân không xứng đáng như con. Con cảm ơn Chúa vì Chúa Jêsus biết rằng sự chết của Ngài không phải là ngẫu nhiên mà đã được hoạch định với tình yêu quá lớn của Ngài dành cho con. Xin tha thứ khi con vô tâm trước sự hy sinh của Ngài và lạm dụng ân điển của Chúa mà không nghĩ đến giá Ngài phải trả. Xin giúp con biết ơn đặc biệt đối với Vua Jêsus, từ máng cỏ đến lâu đài vinh quang, và sống tôn cao Ngài trong mọi sự. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn