Kinh Thánh: Lu-ca 13:14-17
“Bấy giờ người cai nhà hội nhân Đức Chúa Jêsus đã chữa bịnh trong ngày Sa-bát, thì giận mà cất tiếng nói cùng đoàn dân rằng: Có sáu ngày phải làm việc, vậy hãy đến trong những ngày ấy để được chữa cho, đừng đến trong ngày Sa-bát. Nhưng Chúa đáp rằng: Hỡi kẻ giả hình, mỗi người trong các ngươi đang ngày Sa-bát, há không mở bò hoặc lừa mình ra khỏi máng cỏ, dắt đi uống nước hay sao? Con gái của Áp-ra-ham nầy, quỷ Sa-tan đã cầm buộc mười tám năm, há chẳng nên mở trói cho nó trong ngày Sa-bát sao? Ngài phán như vậy, thì các kẻ thù nghịch cùng Ngài đều hổ thẹn, và cả dân chúng vui mừng về mọi việc vinh hiển Ngài đã làm.” (BTT)
Chúa Jêsus vừa chữa lành cho một người đàn bà tàn tật trong nhà hội vào ngày Sa-bát (Lu-ca 13:10-13). Trông như Ngài cố tình khơi dậy một cuộc đối đầu, vì người cai nhà hội không thể kiềm chế cơn giận của mình. Trong cuốn quy tắc tôn giáo thời bấy giờ, chữa bệnh là làm việc và do đó bị cấm vào ngày Sa-bát. Ông đã thách thức Chúa Jêsus ngừng chữa bệnh vào ngày nghỉ của Đức Chúa Trời. Những người sùng đạo khác cũng tham gia lên án Chúa Cứu Thế. Các sứ đồ tập sự đã theo dõi suốt quá trình, tìm hiểu lý do tại sao chức vụ của Chúa Jêsus lại khác với những người sùng đạo khác.
Chúa Jêsus đã sẵn sàng cho thách thức này. Ngài chỉ ra rằng nếu việc chăm sóc động vật vào ngày thánh là đúng (Châm ngôn 12:10; Lu-ca 14:5), thì lẽ nào việc người phụ nữ bị Sa-tan áp bức này được giải thoát trong khi đang thờ phượng và tôn vinh Đức Chúa Trời lại không quan trọng hơn sao? Chúa Jêsus đã so sánh để chỉ ra rằng những quy tắc nhỏ mọn của họ buồn cười như thế nào, và danh Đức Chúa Trời vinh hiển đã bị sỉ nhục biết bao. Tất cả giới chức tôn giáo tham gia buộc tội Chúa Jêsus đều bị gọi là những kẻ giả hình; còn những người bình thường thì vui mừng trong sự tốt lành của Đức Chúa Trời.
Mặc dù Chúa Jêsus nói chuyện với người đứng đầu nhà hội, nhưng đối tượng thật sự của Chúa là các môn đồ sẽ lãnh đạo Hội Thánh trong tương lai. Trong vòng khoảng một năm, sau khi họ chữa lành một người què trong đền thờ nhờ quyền năng trong danh Chúa Jêsus, các thầy thông giáo đã ra lệnh cho các sứ đồ ngừng nói về Chúa Jêsus. Họ mạnh dạn trả lời: “… Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng? Vì, về phần chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công vụ 4:19-20).
Người ta có thể nghiện quyền lực tôn giáo một cách đáng hổ thẹn (Ma-thi-ơ 23:13-29). Những nhà lãnh đạo như vậy quan tâm đến khả năng kiểm soát những người mà họ chăm sóc hơn là khuyến khích những người đó thoát khỏi sự kìm kẹp của Sa-tan nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời. Đó là sự gian ác của kẻ giả hình. Phúc Âm là cách Đức Chúa Trời giải phóng con người chứ không trói buộc họ. Chính Chúa là Đấng có quyền năng, còn bất cứ quyền hành nào của con người cũng chỉ là được ủy quyền và được sử dụng theo sự hướng dẫn của Ngài. Vì vậy, chúng ta hãy ghi nhớ mục đích và quyền năng của Chúa là để giải thoát tất cả những ai đang trong ách nô lệ của tội lỗi và ngợi khen kết quả tuyệt vời của sự cứu rỗi của Chúa. Cầu xin Ngài ban cho chúng ta tràn đầy niềm vui trong Đức Thánh Linh.
Kính lạy Thiên Chúa toàn năng và yêu thương. Cảm ơn Ngài về ước muốn giải phóng con người khỏi tội lỗi và mọi việc làm xấu xa của Sa-tan. Cảm ơn Chúa Jêsus đã hy sinh chết vì con và hàng triệu người khác trên khắp thế giới. Xin tha thứ cho con vì những lần con đã cản trở lòng thương xót mạnh mẽ của Ngài đối với mọi người. Xin giúp con có thể vui mừng chia sẻ tin tốt lành này với đồng nghiệp và bạn bè của con. Nhân danh Chúa Jêsus Christ. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work