Kinh Thánh: Mác 15:12-15
“Phi-lát lại cất tiếng hỏi rằng: Vậy thì các ngươi muốn ta dùng cách nào xử người mà các ngươi gọi là Vua dân Giu-đa? Chúng lại kêu lên rằng: Hãy đóng đinh nó vào thập tự giá! Phi-lát nói cùng chúng rằng: Song người nầy đã làm điều ác gì? Chúng lại kêu lớn tiếng hơn rằng: Hãy đóng đinh nó vào thập tự giá! Phi-lát muốn cho đẹp lòng dân, bèn tha tên Ba-ra-ba; và sai đánh đòn Đức Chúa Jêsus, rồi giao Ngài cho chúng đem đóng đinh trên cây thập tự.” (BTT)
Từ lo lắng đến tuyệt vọng: Giọng nói của Phi-lát có thể đã đạt đến cao độ hơn khi cạm bẫy bao vây ông. Thay vì đưa ra một phán quyết đúng đắn, ông vùng vẫy như cá mắc lưới và tự để mình cho đám đông và cả lịch sử phán xét. Tất nhiên, cuộc thảo luận về Ba-ra-ba là một mưu kế để tránh chủ thể thật sự là Chúa Jêsus (Mác 15:6-8). Phi-lát có lẽ đã hy vọng đám đông sẽ đứng về phía công lý và lẽ thật, nhưng sự đòi hỏi cương quyết của đám đông giận dữ đã giết chết sự thật và lấn át tiếng nói lương tâm của Phi-lát.
Cuộc bạo động mà Phi-lát lo sợ sắp nổ ra. Tất cả các câu hỏi về bằng chứng và luật pháp đều bị gạt bỏ. Đám đông đang đòi bản án tử hình đối với Chúa Jêsus; và sự nghiệp của Phi-lát, hoặc tính mạng của ông, sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu ông từ chối yêu cầu của họ. Phi-lát không thấy lối thoát. Các thầy tế lễ cả biết rằng một cuộc bạo động có thể chấm dứt cơ sở quyền lực của chính họ (Giăng 11:48), vì vậy họ không muốn trở thành nguyên nhân của cuộc bạo động đó. Nhưng bây giờ họ đã xảo quyệt lừa Phi-lát vào vai trò kẻ gây bạo loạn, mặc dù chính Phi-lát đã quyết định trực tiếp hỏi ý dân chúng (Mác 15:9-11).
“Muốn cho đẹp lòng dân” là một lý do thảm hại và bất hợp pháp khi để cho một con người bị đòn roi và treo lên thập tự. “Có được cuộc sống yên ổn bằng mọi giá” không bao giờ là cách để đưa ra quyết định khôn ngoan. Và đối với Phi-lát, đó là một thảm họa. Đó là một phán quyết sai lầm (điều nghịch lý ở đây là tên “Ba-ra-ba” cũng có nghĩa là “con trai của cha” nhưng một người được thả tự do còn người kia bị giết, và người được thả mới là kẻ có tội). Mãi về sau, lịch sử và các tín điều sẽ loan báo rằng Chúa Jêsus đã chết “dưới quyền của Bôn-xơ Phi-lát”. Đối với cá nhân Phi-lát, quyết định đó bắt đầu đếm ngược đến ngày ông bị triệu hồi về La Mã ba năm sau đó và rồi chết trong ô nhục: quyền lực của ông biến mất.
Tội ác của Phi-lát là rất lớn khi chống lại lẽ thật và công lý. Sự kiện này là duy nhất và không sự kiện nào có thể sánh ngang. Nhưng bởi vì lỗi lầm này quá lớn, nên nó đưa ra một bài học rất rõ ràng về những quyết định nhỏ nhặt hơn của chúng ta trong công việc, gia đình, cộng đồng và Hội Thánh. Nếu Phi-lát yêu mến hoặc tôn vinh Chúa Jêsus, thì đã không có quyết định kỳ lạ. Không có quyết định nào chỉ đơn thuần là lý trí hay thực dụng: chúng ta làm việc phải làm, vì người chúng ta yêu mến (II Cô-rinh-tô 7:1). Vì vậy, nếu chúng ta yêu mến Chúa Jêsus là Lẽ Thật, thì sự lựa chọn của chúng ta sẽ trở nên tin kính. Điều đó quan trọng hơn nhiều so với tư lợi thực dụng. Con đường tin kính duy nhất ở phía trước nằm trong I Phi-e-rơ 5:6. Đó là bài học mà chính Phi-e-rơ phải học, và chúng ta cũng thế: “Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên.”
Kính lạy Chúa! Cảm ơn Chúa vì Ngài đã yêu con. Xin Chúa tha tội cho con vì con đã yêu bản thân mình hơn Ngài. Con biết rằng con phải yêu mến Ngài trước hết với cả tấm lòng, tâm trí và sức lực. Xin Chúa giúp con đáp lại tất cả những gì Ngài đã làm cho con bằng tình yêu thương (thậm chí vác thập tự giá thay con), hầu cho những lựa chọn hằng ngày của con tuân theo lẽ thật của Ngài; và những quyết định lớn của con bày tỏ sự tận hiến của con đối với Ngài. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. A-men.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work