Hỏi: Cha mẹ phải làm sao khi con không thích đi nhà thờ?
Có nhiều lý do khiến con trẻ không thích đến nhà thờ. Nào là giờ nhóm dài quá, giờ học Kinh Thánh chán quá, chương trình quá dài dòng hay quá tĩnh lặng, v.v… Dẫu vậy, một trong những trách nhiệm chính của các bậc phụ huynh Cơ Đốc là dạy dỗ con mình trở thành những người biết thờ phượng Chúa. Dù giờ thờ phượng của Hội thánh địa phương có thể không thu hút, nhưng khi con dân Chúa cùng thờ phượng với nhau bằng tâm thần và lẽ thật, là chúng ta đang vâng theo lời Chúa và có mối tương thông với Đấng Christ (Giăng 4:23-26). Khi cha mẹ cam kết dẫn đưa con cái đến nhà thờ mỗi tuần cách trung tín, là chúng ta dạy con biết rằng không có gì quan trọng hơn linh hồn của chúng nó.
Vì vậy, khi con cái- dù ở tuổi ấu nhi hay thiếu niên- không muốn đến nhà thờ, thì điều trước tiên là phụ huynh cần cầu nguyện nài xin Chúa Thánh Linh giúp đỡ. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Dưới đây là một vài gợi ý cho phụ huynh:
Cảm thông với cảm xúc của con
Không phải tất cả trẻ con đều thích đến nhà thờ, đó là chuyện bình thường. Nếu chúng quá nhỏ, nhà thờ có thể là nơi chưa hấp dẫn với trẻ hay có quá nhiều giới hạn (Con phải ngồi im! Con phải im lặng nghe cô nói!); nếu con ở tuổi thiếu nhi, con vẫn có thể cảm thấy chán và gò bó quá (Giống y như đi học! Con thà làm việc khác còn hay hơn đi nhà thờ!) Chúng ta nên lắng nghe con trẻ bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình, và cũng nên thể hiện thái độ cảm thông với con chứ đừng la rầy trách phạt. Thật ra, đôi khi người lớn chúng ta cũng có những suy nghĩ và cảm xúc như vậy khi đi nhóm chứ không chỉ trẻ con.
Gỡ bỏ những rào cản
Sau khi nghe con nói, chúng ta cần đánh giá vấn đề sâu xa hơn là gì. Đôi khi trẻ con không thích đi nhà thờ vì những lý do không nhất thiết liên quan đến tâm linh- và hầu hết là có thể điều chỉnh được. Phụ huynh cần lắng nghe con trẻ và phối hợp với các thầy cô dạy Kinh Thánh để có giải pháp cho các vấn đề khiến trẻ không thích đi nhà thờ.
Ví dụ nếu con phải dậy sớm để đi nhà thờ, chưa kịp ăn sáng, thì nên cho trẻ ăn nhẹ trong giờ giải lao giữa buổi nhóm. Với trẻ lớn hơn, để giúp trẻ tập trung chú ý, có thể đưa cho trẻ giấy, viết để ghi chép bài học trong giờ học Lời Chúa. Trẻ ở tuổi thiếu niên và tiền thiếu niên có thể gặp phải những rào cản khác, ví dụ: hay mệt mỏi, e ngại, sợ bị lạc lõng. Cha mẹ có thể trao đổi với con và thống nhất tối thứ Bảy sẽ đi ngủ sớm để sáng Chúa Nhật có thể thức dậy sớm mà không thấy mỏi mệt. Đến nhà thờ sớm để không cảm thấy e ngại khi vào lớp trễ lúc các bạn đã bắt đầu giờ học.
Dạy con biết rằng đi nhà thờ là điều tốt
Chúng ta không thể nào giải quyết hết mọi lý do khiến con cái không thích đi nhà thờ. Nhưng chúng ta có thể nhẹ nhàng chỉ dạy chúng. Đến bữa ăn, nếu đứa bé 3 tuổi đòi ăn kem và kẹo, chắc chắn chúng ta sẽ không cho mà sẽ nói với con rằng ăn thịt gà và rau cải sẽ tốt hơn cho con- và có lẽ chúng ta sẽ tìm cách cho con ăn thường xuyên những món này. Đi nhà thờ cũng vậy, không phải lúc nào con cũng biết điều gì là tốt. Trách nhiệm của chúng ta là dạy cho chúng biết.
Trước nhất, chúng ta cần làm gương bằng chính hành động và thái độ của mình. Con cái cần nghe những lời cha mẹ cầu nguyện cho Hội thánh, ví dụ như cảm ơn Chúa cho Hội thánh có ban chấp sự, cầu xin Chúa ban phước cho giờ thờ phượng, và cầu thay cho nhu cầu của các thuộc viên trong Hội thánh. Tối thứ Bảy, cha mẹ có thể nhắc con chuẩn bị quần áo, tập vở, Kinh Thánh để Chúa Nhật đi thờ phượng Chúa. Vào chiều tối Chúa Nhật, cả gia đình có thể nói chuyện với nhau về bài giảng hay bài học Kinh Thánh buổi sáng dạy dỗ chúng ta điều gì. Tình yêu chân thành của chúng ta đối với Hội thánh là lời chứng thuyết phục trước mặt con.
Ngoài ra, chúng ta có thể giúp con hiểu về sự thờ phượng. Thờ phượng là lúc chúng ta nghe Chúa phán với mình (khi đọc Kinh Thánh và khi nghe giảng), và chúng ta nói với Chúa (khi cầu nguyện và hát ngợi khen Chúa). Thờ phượng không phải là việc do chúng ta tự nghĩ ra, mà chính Đức Chúa Trời truyền lệnh cho chúng ta phải họp nhau lại để thờ phượng Ngài (Hê 10:24-25), để hát ngợi khen Ngài (Côl 3:16), để nghe giảng dạy lời Ngài (I Tê 2:13), để cầu nguyện (Êph 6:18) và để ban cho cách rời rộng (II Cô 9:7).
Khuyến khích con tham gia vào giờ nhóm
Cha mẹ khuyến khích con tham gia vào giờ thờ phượng. Chúng ta đừng bảo chúng phải yêu mến nhà thờ cách trừu tượng. Chúng ta phải chỉ cho chúng bày tỏ tình yêu cách cụ thể qua sự phục vụ. Khi làm như vậy, Thánh Linh sẽ dùng những hoạt động đó như những công cụ gắn kết con cái chúng ta với Hội thánh và nuôi dưỡng trong lòng chúng tình yêu dành cho Hội thánh.
Nếu con biết đàn, hãy khuyến khích con đàn cho các bạn hát trong giờ nhóm. Nếu con có khả năng nói chuyện lưu loát, hãy tập tành hướng dẫn giờ thờ phượng. Hãy khuyến khích con tham gia phục vụ Chúa bằng nhiều hình thức khác nhau. Hướng dẫn con cầu nguyện cho những Cơ Đốc nhân bị bắt bớ trên khắp thế giới, hay cho những người chưa biết Chúa trong cộng đồng của mình. Giúp con bỏ ống heo để dâng cho chương trình truyền giảng. Các con cũng có thể lau dọn phòng học, trang trí phòng học cùng với các thầy cô v.v… Với sự khích lệ của cha mẹ và thầy cô hướng dẫn, các con hoàn toàn có thể sử dụng ân tứ Chúa cho để gây dựng thân thể Đấng Christ.
Trên đây chỉ là những gợi ý mà cha mẹ có thể phối hợp với thầy cô hướng dẫn để thực hiện. Điều quan trọng là chúng ta phải kiên trì cầu xin sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh và kiên nhẫn với con trẻ. Có thể Chúa Nhật tuần này chúng không thích đi nhà thờ, Chúa Nhật tuần sau cũng không, hay năm năm sau cũng vẫn chưa thích. Nhưng dạy chúng yêu mến “Hội thánh của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình” (Công vụ 20:28) là việc đáng để chúng ta phải nỗ lực hết mình.
(Dựa theo tài liệu của The Gospel Coalition)