Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nài xin sự thương xót, cầu xin ân điển

Kinh Thánh: Mác 10:49-52

“Đức Chúa Jêsus dừng lại phán rằng: Hãy kêu người đến. Chúng kêu người mù đến, mà nói rằng: Hãy vững lòng, đứng dậy, Ngài gọi ngươi. Người mù bỏ áo ngoài, bước tới đến cùng Đức Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus bèn cất tiếng phán rằng: Ngươi muốn ta làm chi cho ngươi? Người mù thưa rằng: Lạy thầy, xin cho tôi được sáng mắt. Đức Chúa Jêsus phán: Đi đi, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi rồi.” (BTT)

Chúa Jêsus không bao giờ từ chối lời cầu xin sự thương xót vì đó là lý do Ngài đến (I Phi-e-rơ 1:3). Ba-ti-mê là một người ăn xin bị mù. Cho dù luật pháp của Đức Chúa Trời nghiêm cấm việc xúc phạm hoặc ngược đãi những người tàn tật (Lê-vi Ký 19:14), nhưng đám đông kiêu ngạo vẫn bảo người ăn xin không được kêu xin Chúa Jêsus thương xót (Mác 10:46-48). Nhưng Chúa Jêsus đã nghe thấy tiếng của anh. Thay vì từ chối, Chúa đã gọi anh đến và đối xử với anh bằng sự tôn trọng đặc biệt (Rô-ma 9:25). Đám đông thay đổi giọng điệu khi Chúa Jêsus truyền đưa Ba-ti-mê đến với Ngài. Họ thậm chí còn bảo anh hãy vững lòng, bất chấp nỗi đau vì mới bị họ ruồng bỏ. Biết rằng chính Chúa Jêsus đã gọi mình, anh cởi bỏ áo ngoài để không bị vướng víu (Hê-bơ-rơ 12:1), và vội vàng đến gặp Ngài.

Câu hỏi của Thầy có vẻ lạ: “Ngươi muốn ta làm chi cho ngươi?” Chẳng phải anh vừa cầu xin lòng thương xót sao? Giờ được Chúa Jêsus chấp nhận, điều đó chưa đủ thương xót sao? Vào thời đó, mù lòa bị xem là một lời nguyền vì tội lỗi của cá nhân hoặc gia đình (Giăng 9:1-2). Được giải thoát khỏi lời nguyền là đủ, nhưng Ba-ti-mê cũng muốn được sáng mắt nữa. Đó là điều mà Chúa Jêsus muốn làm. Tương tự như việc chữa lành người bại liệt trong Mác 2:1-12 là bằng chứng cho thấy Chúa Jêsus có quyền tha thứ tội lỗi, sự chữa lành cho người mù này thể hiện ân điển đến từ đức tin (Ê-phê-sô 2:8-9).

Sau khi được sự thương xót, Ba-ti-mê bây giờ muốn được ân điển. (Thương xót là giảm bớt hình phạt mà chúng ta đáng phải chịu; ân điển là ban cho điều mà chúng ta không xứng đáng nhận lãnh). Đối với Ba-ti-mê, lòng thương xót đã đưa anh đến gần Đấng Cứu Thế, được chấp nhận mà không bị từ chối. Anh không có quyền yêu cầu Chúa Jêsus chữa lành, nhưng trước lời mời gọi của Chúa Jêsus, anh đã dám cầu xin Ngài chữa lành. Khi yêu cầu được chấp thuận, anh để lại chiếc bát ăn xin đầy nhục nhã của mình và đi theo Ngài.

Ngày nay, khi một số Hội Thánh được khuyến khích tiếp nhận người phạm tội mà không biết ăn năn vào cộng đồng Cơ Đốc, thì có vẻ xa lạ khi nói với những người phạm tội rằng kêu xin Chúa Jêsus thương xót là điều cần thiết để được cứu rỗi. Nhưng đúng là như vậy. Có lẽ chúng ta thậm chí còn xem nhẹ nhu cầu của bạn mình hoặc khen ngợi rằng họ đang chống chọi thật tốt… trong khi Chúa Jêsus mong mỏi họ cầu xin sự thương xót. Lòng thương xót và ân điển là phần thiêng liêng của Phúc Âm. Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể ban những điều đó, và Ngài sẽ chỉ ban chúng cho những ai nhận biết nhu cầu của mình đủ để cầu xin (Rô-ma 10:13).

Lạy Cha là Đức Chúa Trời, con cảm ơn Ngài đã sẵn lòng ban sự thương xót và ân điển của Ngài cho tất cả những ai cầu xin. Xin tha thứ cho con vì có những lúc con xem một số người là không xứng đáng được Ngài yêu thương, hoặc cho rằng họ cần lòng tốt của con người hơn là quyền năng biến đổi của Ngài. Xin giúp con cầu xin lòng thương xót của Ngài và can đảm cầu xin ân điển Ngài. Nhân danh Chúa Jêsus. A-men.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn