Kinh Thánh: Lu-ca 6:21
“Phước cho các ngươi hiện đương đói, vì sẽ được no đủ! Phước cho các ngươi hiện đương khóc lóc, vì sẽ được vui mừng!” (BTT)
Phân đoạn này có nhiều điểm giống bài giảng trên núi trong sách Ma-thi-ơ. Lu-ca cho biết quang cảnh là “nơi đồng bằng” (Lu-ca 6:17) nên một số người đã gọi đây là “Bài giảng ở đồng bằng” mặc dù nó có thể là một chỗ bằng phẳng trên cùng một ngọn núi. Chúa Jêsus đang đặc biệt giảng dạy cho các sứ đồ tập sự của Ngài, nhưng dân chúng cũng háo hức tụ tập để nghe những gì Ngài dạy (Lu-ca 7:1; Ma-thi-ơ 7:28-29). Chức vụ sẽ không hề dễ dàng cho mười hai sứ đồ. Cùng với Thầy của mình, họ sẽ phải trải qua cơn đói và sự buồn bã. Là những người lãnh đạo của Hội Thánh đầu tiên, nhiều người sẽ bị bách hại cho đến chết, trong khi những người khác phải chịu nhiều thiếu thốn. Khi nói về cơn đói, Chúa Jêsus muốn nói đến mọi nhu cầu không được thỏa mãn, gồm cả nỗi khát khao sự công bình, ước muốn sâu xa trong tấm lòng là được nên thánh (Ma-thi-ơ 5:6).
Chúa Jêsus cho thấy sự tương phản giữa cuộc sống khó khăn của chức sứ đồ và hy vọng tương lai của họ. Ngài hứa sẽ ban phước cho họ trong tương lai. Đói và buồn bã không bao giờ là điều tốt, và chúng sẽ không tồn tại trong nước của Ngài (Khải huyền 7:16; 21:4). Nhưng từ bây giờ cho đến thời điểm đó, chúng là một phần của thế giới sa ngã mà chúng ta đang sống. Sau khi kiêng ăn 40 ngày, Sa-tan đã cám dỗ Chúa Jêsus tự làm cho Ngài thỏa mãn, nhưng Ngài phán rằng: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:1-4). Những nỗ lực tìm kiếm sự thoả mãn của xác thịt không bao giờ có thể sánh được với sự thoả lòng khi vâng theo Lời Đức Chúa Trời và nhận lãnh phước hạnh của Ngài. Chúa Jêsus cũng khóc (Lu-ca 19:41), vì thế giới này không bao giờ có thể tự cứu mình. Các sứ đồ cũng đau buồn cho những người bị hư mất (II Cô-rinh-tô 12:21) cũng như hết sức đau buồn khi họ nghĩ rằng mình đã mất đi người Thầy (Giăng 16:20).
Sự thoả lòng và niềm vui trọn vẹn đang chờ đợi chúng ta trong vinh quang với Chúa Jêsus (Thi thiên 16:11). Chúng ta dễ bị cám dỗ tìm kiếm điều đó trên đất này, và Sa-tan cố gắng lừa dối chúng ta rằng chúng ta có quyền đòi hỏi sự hoàn hảo xung quanh chúng ta ngay bây giờ; nhưng điều đó không thể vĩnh viễn thuộc về chúng ta cho đến khi Chúa Jêsus trở lại để tuyên bố chúng ta thuộc về Ngài (Khải huyền 21:1-5). Suốt 2000 năm, Hội Thánh đã trải qua những thời kỳ vô cùng khó khăn nhưng luôn tin vào lời hứa của Chúa Jêsus, rằng một ngày kia Ngài sẽ ban phước cho họ với sự hiện diện của Ngài (I Phi-e-rơ 5:10-11). Đó là “hy vọng” của người tin Chúa. “Hy vọng” là một thuật ngữ trong Tân Ước có nghĩa là sự đảm bảo chắc chắn rằng những gì Đức Chúa Trời đã hứa sẽ được thực hiện trong sự hiện diện của chính Ngài trong tương lai (II Ti-mô-thê 1:12).
Mỗi Cơ Đốc nhân phải nắm giữ niềm hy vọng đó. Hy vọng giúp chúng ta có thể kiên trì trong những lúc khó khăn nhất. Hy vọng là tin chắc rằng “Chúa Jêsus là ánh sáng cuối đường hầm”. Hãy khích lệ anh em cùng niềm tin tại nơi làm việc và trong Hội Thánh, những người đang trải qua hoàn cảnh khó khăn, đặt trọn niềm tin nơi Chúa Jêsus (I Phi-e-rơ 1:13). Dù chúng ta muốn Chúa nhậm lời cầu nguyện và làm dịu nỗi đau của chúng ta ngay bây giờ, nhưng nếu Ngài chưa trả lời thì bạn có tin rằng cuối cùng Ngài sẽ thực hiện lời hứa của Ngài không? Việc bảo đảm với bạn của bạn về điều này chính là đem đến sự an ủi và lòng thương xót.
Lạy Chúa nhân từ, mặc dù cuộc sống đầy khó khăn và gian khổ, nhưng con cảm ơn Ngài vì Ngài hiểu điều đó và chính Chúa Jêsus cũng đã từng trải qua như vậy. Xin tha thứ vì con đã than vãn và lằm bằm khi lẽ ra con phải tin vào sự chu cấp hằng ngày và vui vẻ trông đợi sự hiện diện của Ngài. Xin giúp con chăm sóc những người bạn đang cần sự giúp đỡ, an ủi họ bằng những lời hứa của Ngài. Nguyện xin Chúa giúp con giữ chặt những lời hứa của Ngài như một lời chứng về ân điển tuyệt vời của Ngài trong cuộc đời con. Trong danh Chúa Jêsus. Amen!
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work