Kinh Thánh: Lu-ca 21:16-19
“Các ngươi cũng sẽ bị cha, mẹ, anh, em, bà con, bạn hữu mình nộp mình; và họ sẽ làm cho nhiều người trong các ngươi phải chết. Các ngươi sẽ vì cớ danh ta bị mọi người ghen ghét. Nhưng một sợi tóc trên đầu các ngươi cũng không mất đâu. Nhờ sự nhịn nhục của các ngươi mà giữ được linh hồn mình.” (BTT)
Chúa Jêsus đã hứa với các sứ đồ tập sự của Ngài rằng họ sẽ bị ghen ghét và bắt bớ (Giăng 15:18-21). Thật khó để tiếp nhận những lời hứa như vậy, mặc dù những người yêu mến Chúa Jêsus sẽ chấp nhận cả những lời khó khăn cũng như những lời tốt đẹp của Ngài (Giăng 6:60-69). Sự căm ghét là điều gây khó chịu nhất khi nó đến từ những người thân nhất với chúng ta (Lu-ca 12:49-53). Theo bản năng, chúng ta nghĩ rằng gia đình là nơi an toàn, nơi tình yêu thương thúc đẩy mỗi thành viên hỗ trợ và khích lệ nhau. Đó là ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc sống gia đình. Nhưng khi Đức Chúa Trời bị xem thường, tất cả những gì Ngài đã thiết kế đều bị hư hoại (Rô-ma 8:19-22) và những người đứng về phía Ngài cũng bị khinh thường.
Sự an toàn trong gia đình đã không còn khi loài người lần đầu tiên nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời (Sáng thế Ký 3:1-10), và câu chuyện Kinh Thánh tiếp theo kể về việc Ca-in giết em trai A-bên (Sáng thế Ký 4:1-16). Vụ giết người đó xuất phát từ lòng ghen ghét, khi Ca-in biết Đức Chúa Trời hài lòng với của lễ của A-bên, nhưng không hài lòng với của lễ của chính mình. Thay vì chấp nhận đường lối của Đức Chúa Trời, ăn năn và làm những gì Đức Chúa Trời muốn, Ca-in đã thể hiện sự căm ghét của mình đối với uy quyền của Đức Chúa Trời bằng cách giết em trai mình.
Sự bắt bớ các sứ đồ, Hội Thánh đầu tiên, các nhà truyền giáo, và những người tin kính qua nhiều thế kỷ đều có cùng một nguyên nhân gốc rễ. Khi không chấp nhận thẩm quyền của Đức Chúa Trời, người ta sẽ ghen ghét với những người được Đức Chúa Trời yêu thương, giống như sự chết của Chúa Jêsus cũng là kết quả của sự ghen ghét (Ma-thi-ơ 27:18). Điều đó được thể hiện theo nhiều cách, từ sự thờ ơ, không tiếp xúc hoặc sự cam kết với các niềm tin khác; đến sự oán giận, không giao tiếp, các hành động xúc phạm đến lương tâm Cơ Đốc, vu khống, bạo lực và giết người. Nhưng nguyên nhân vẫn giống nhau.
Phản ứng mà Đấng Christ đã dạy, và cũng là điều Ngài đã làm, đó là hãy vững vàng. Các sứ đồ thường lặp lại mệnh lệnh này cho các Hội Thánh đang chịu khổ (I Cô-rinh-tô 15:58; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:15). Sự chống đối là một phần trong kế hoạch của ma quỷ để ngăn chúng ta theo Chúa Jêsus, nhưng như Chúa Jêsus, chúng ta phải quyết định không bị lệch hướng. Cuối cùng, hễ Ngài còn muốn chúng ta phục vụ Ngài bao lâu thì sẽ gìn giữ chúng ta an toàn bấy lâu, và đảm bảo sự sống đời đời cho chúng ta (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:3). Quyết tâm đứng vững của chúng ta là bằng chứng cho thấy chúng ta đang tin cậy Chúa Jêsus khi bị bắt bớ, cho thấy chúng ta thực sự thuộc về gia đình Ngài, điều này thường có thể làm tăng thêm sự ghen tị của người khác, thậm chí là những người trong gia đình xác thịt của chúng ta. Vì vậy, đừng nản lòng mà hãy đứng vững trong Đấng Christ! (I Phi-e-rơ 5:9).
Lạy Cha Thiên Thượng. Con không thích bị chống đối, đặc biệt là từ những người gần gũi hoặc có mối quan hệ với con. Vì vậy, con cảm ơn Ngài vì Chúa Jêsus đã chuẩn bị cho các sứ đồ để họ dạy tất cả Cơ Đốc nhân phải vững vàng khi gặp khó khăn. Xin tha thứ cho con khi để cho những mối đe dọa, bắt bớ làm con lệch hướng khỏi sự thờ phượng hoặc làm chứng về Chúa. Xin giúp con quan tâm nhiều hơn đến những điều Ngài nghĩ về con thay vì cúi đầu trước ý kiến của người khác, để con đứng vững trong đức tin nơi Đấng Christ. Nhân danh Chúa Jêsus. A-men.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work