HỎI: Chúa có cho Cơ Đốc nhân thử Ngài không?
TRẢ LỜI:Những lúc khó khăn, hoạn nạn, thử thách dường như khiến Cơ Đốc nhân có sự chất vấn: Liệu Đức Chúa Trời có ở phía mình không? Dễ lắm tín hữu bị cám dỗ buộc tội Chúa xao nhãng, cho rằng Đức Chúa Trời đang ở xa và thù nghịch cùng mình. Nói cách khác, thử Chúa chứng tỏ chúng ta chất vấn khả năng Ngài một cách công khai và vô tín cũng như coi thường quyền hạn của Ngài bởi điều chúng ta nói hoặc làm. Trước những cám dỗ của Sa-tan, Chúa Giê-xu yêu dấu của chúng ta đã từng phán, “Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma-thi-ơ 4: 7; Phục truyền 6: 16). Từ ánh sáng Lời Chúa, Chúa không cho phép Cơ Đốc nhân thử Chúa vì thử Chúa là có tội.
Có hai loại thử Chúa trong Kinh Thánh:
1) Thử Chúa. Có thể chấp nhận “thử” Chúa về phương diện dâng phần mười và các của dâng chẳng hạn, nhưng không thể chấp nhận khi sự thử bén rễ trong sự nghi ngờ. “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều nầy mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, xem ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng!” (Ma-la-chi 3: 10). Đây là tình huống duy nhất trong Kinh Thánh Đức Chúa Trời bảo con dân Chúa “thử” Ngài. Đáng chú ý, từ liệu Hy-bá-lai được sử dụng cho “thử” trong câu Kinh Thánh nầy là בָּחן bachan, có nghĩa là xem xét kỹ lưỡng, suy xét, thử, hoặc tỏ ra. Y như vàng được xem xét kỹ lưỡng, được thử bằng lửa để chứng tỏ chất lượng của nó, thì Đức Chúa Trời mời gọi dân Y-sơ-ra-ên thử Ngài về việc dâng phần mười và các của dâng và nhìn xem Chúa chứng tỏ sự thành tín của Ngài trong sự đáp ứng của Ngài. Ngày nay, Cơ đốc nhân vui vẻ, tình nguyện dâng phần mười và của lễ cho Đức Chúa Trời sẽ nhận thấy rằng sẽ nhận lại nhiều hơn và được ban nhiều ơn phước. Thật vậy, sự dâng hiến là việc làm của đức tin và Đức Chúa Trời ban thưởng cho đức tin đó trong mọi cách.
2) Có một động từ Hy-bá-lai khác được dịch là thử, đó là נָסָה nasah, có nghĩa là thử nghiệm, thách thức. Động từ nầy được sử dụng trong Phục truyền luật lệ ký 6: 16, “Các ngươi chớ thử Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, như đã thử Ngài tại Ma-sa.” Loại “thử” thứ hai nầy không thể chấp nhận khi sự nghi ngờ khiến chúng ta đòi hỏi điều gì đó từ Đức Chúa Trời chứng tỏ chính mình Ngài cho chúng ta. Chúa Giê-xu đã trích dẫn Phục truyền 6: 16 trong đồng vắng, khi đáp trả những cám dỗ của Sa-tan. “Đức Chúa Jêsus phán: Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. 8 Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; 9 mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy. 10 Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4: 7-10). Về cơ bản, ma quỷ nói với Chúa Giê-xu chứng minh Lời của Đức Chúa Trời là thật bằng cách thúc ép Đức Chúa Trời ra tay. Nếu Chúa Giê-xu ở trong nguy hiểm, thì Đức Chúa Trời phải ra tay cứu giúp Ngài. Chúa Giê-xu từ chối thử Đức Chúa Trời như vậy. Chúng ta phải tiếp nhận Lời của Đức Chúa Trời bởi đức tin, không đòi hỏi dấu lạ (Lu-ca 11: 29). Lời Chúa hứa dành cho chúng ta khi chúng ta cần, nhưng thao túng những hoàn cảnh để cố gắng ép buộc Đức Chúa Trời làm trọn lời hứa của Ngài là gian ác, là có tội.
Chúng ta nhớ câu chuyện dân Y-sơ-ra-ên thử Chúa tại Ma-sa được ghi lại trong Xuất-ê-díp-tô-ký 17. Khi Đức Chúa Trời hướng dẫn Môi-se và dân sự của Ngài tiến về Đất Hứa, thì họ đóng trại tại một địa danh không có nước uống. Phản ứng trực tiếp của dân Y-sơ-ra-ên là lằm bằm Đức Chúa Trời và oán trách Môi-se (Xuất-ê-díp-tô-ký 17: 1-3).
Thiếu lòng tin cậy nơi Chúa chăm sóc thể hiện rõ ràng trong những lời tố cáo của họ đối với Môi-se: “Dân sự ở đó không có nước, bị khát, nên oán trách Môi-se mà rằng: Sao người khiến chúng tôi ra xứ Ê-díp-tô, hầu cho chúng tôi, con và các bầy súc vật phải chịu chết khát thế nầy?” (Xuất 17: 3). Chắc chắn, dân Y-sơ-ra-ên ở trong tình huống cần Đức Chúa Trời can thiệp. Dù vậy, Tại thời điểm nầy, họ thử Đức Chúa Trời khi sự nghi ngờ và nỗi sợ hãi xâm chiếm họ và họ đi đến kết luận rằng Đức Chúa Trời đã lìa bỏ họ (xem Xuất 17: 7). Họ chất vấn tính đáng tin cậy của Đức Chúa Trời vì Ngài không thỏa đáp những mong đợi của họ. Douglas Stuart, học giả Kinh Thánh định nghĩa, “thử Đức Chúa Trời là đòi hỏi hoặc mong đợi Ngài làm điều gì đó đặc biệt cho bạn, điều mà bạn không có được hoặc không xứng đáng có được….Thử Chúa thường kéo theo sự ngờ vực liệu những hoàn cảnh hiện tại của một người có phải là tất cả người đó đáng chịu hay không hoặc liệu Đức Chúa Trời có thể thỏa đáp nhu cầu của người đó hay không.”
Sự khác biệt giữa hai sự thử Chúa ở trên là đức tin. “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11: 1). Dân Y-sơ-ra-ên tại Ma-sa đã thử Chúa vì họ thiếu đức tin nơi Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên trong thời của tiên tri Ma-la-chi được mời gọi thử Chúa vì họ đã có đức tin nơi Ngài. Theo ý nghĩa của định nghĩa trên, đức tin phải sống động. Khi có đức tin thật, thì sự vâng lời theo sau. Chính hành động vâng lời do đức tin là điều Đức Chúa Trời ưa thích. Như trong thí dụ về việc dâng phần mười và các phần dâng khác của dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta dâng bởi đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời là ai, thì Ngài tỏ chính Ngài là Đấng thành tín. Trái lại, khi chúng ta nhìn xem Đức Chúa Trời bằng sự nghi ngờ và đòi hỏi Chúa theo cách quyết định liệu Ngài có đáng tin cậy hay không, thì chúng ta đang ở trong hiểm họa thử Chúa (Mác 8: 11-12). Nói cách khác, thử Chúa bằng cách nghi ngờ sự hiện diện đầy quyền năng của Ngài bộc lộ sự thiếu trưởng thành thuộc linh của chúng ta, nhưng lại làm tăng sự nhẫn nhục và ân điển của Đức Chúa Trời. Thật vậy, toàn bộ lịch sử đi lang thang trong đồng vắng của dân Y-sơ-ra-ên là một thí dụ hay về sự nhẫn nhục của Đức Chúa Trời đối với một dân tộc thường xuyên thử và kích động Ngài. Bài học thử Chúa của dân Y-sơ-ra-ên phải là bài học cho mỗi Cơ Đốc nhân ngày nay, không bước đi bởi mắt thấy, mà bởi đức tin, để hưởng được những điều tốt đẹp phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn, và đồng thanh với Đa-vít, “Tôi may được phần cơ nghiệp ở trong nơi tốt lành: Phải,tôi có được cơ nghiệp đẹp đẽ” (Thi thiên 16: 6). Muốn thật hết lòng!
(Theo sự hỗ trợ từ cô TĐ. Lê Thị Lệ Thanh)