Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Cảm giác bị Chúa bỏ rơi trong thử thách

Hỏi: Tôi cảm thấy bị bỏ rơi trong thử thách. Tại sao Đức Chúa Trời dường như ở xa khi tôi cần Ngài nhất?

☘ Cảm giác Đức Chúa Trời dường như ở xa là cảm xúc của con người và thỉnh thoảng đó cũng là kinh nghiệm của hầu hết Cơ Đốc nhân. Có những lúc con cái Chúa gặp khó khăn, thì cầu nguyện. Cũng có những lúc, họ thất vọng, thì kêu xin Chúa mau mau giải cứu. Thế nhưng, tất cả những gì họ được đáp lại là sự yên lặng, một sự yên lặng đáng ngại đến nỗi làm cho họ không thể suy nghĩ được gì ngoài việc cho rằng: Đức Chúa Trời không nghe thấy gì. Sau đây là một số nguyên tắc từ cái nhìn theo Thánh Kinh có thể đem lại niềm hy vọng và sự yên ủi cho Cơ Đốc nhân khi có cảm giác Đức Chúa Trời dường như ở xa.

1. Cảm giác bị bỏ rơi trong thử thách là kinh nghiệm bình thường
Một số tín hữu cảm thấy bị bỏ rơi trong thử thách và số khác cũng cảm thấy giống như vậy. Nếu có thể được, hãy đọc kỹ những tác phẩm của các tác giả Cơ Đốc rất quen thuộc như là Oswald Chambers, Charles Spurgeon và D. Martyn Lloyd-Jones, thì chúng ta sẽ phát hiện họ biết rõ nỗi đau đớn cực độ mà chúng ta có thể đang trải qua. Sau khi C.S. Lewis, tiểu thuyết gia, nhà luận văn, thi sĩ và cũng là thần học gia không chuyên người Ái Nhĩ Lan mất đi người vợ vì căn bệnh nan y, ông đã kêu xin Chúa yên ủi nhưng cảm thấy bị bỏ rơi khi lời kêu xin không được đáp lại. Trong lúc bối rối, ông hỏi, “Điều nầy có nghĩa gì? Tại sao trong thời thịnh vượng của chúng tôi Đức Chúa Trời hiện diện là Vị Chỉ huy nhưng lại vắng mặt cứu giúp trong lúc nguy khốn?”
Thật ra, chúng ta không cần có một thư viện khổng lồ để biết kinh nghiệm của mình là bình thường. Chỉ lật những trang Kinh Thánh, đặc biệt là sách Thi Thiên thì chúng ta đọc được nhiều lời rên siết kêu xin Đức Chúa Trời hành động (Thi 6:2-3; 77:7-9; 83:1; 22:1). Có lẽ Thi Thiên 22:1 là thí dụ được nhiều tín hữu biết nhất. Chúa Jêsus yêu dấu của chúng ta đã lặp lại lời Thi Thiên 22:1 trên thập tự giá: “Khoảng ba giờ chiều, Đức Chúa Jêsus kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni?” nghĩa là: “Đức Chúa Trời của con! Đức Chúa Trời của con! Sao Ngài lìa bỏ con?” (Mat 27: 46-TTHĐ).
Một phân đoạn then chốt trong thư tín I Phi-e-rơ sẽ giúp chúng ta thấy rõ những lúc đau buồn là bình thường và có ích cho con cái của Đức Chúa Trời. Giữa nhiều chi tiết về ân điển đầy vinh hiển của Đức Chúa Trời là lời khẳng định rằng những ai vui mừng trong sự cứu rỗi cũng sẽ kinh nghiệm sự đau đớn do nhiều thử thách, hoạn nạn gây nên (xem I Phi 1:3-7).
Từ trong ánh sáng của Lời Chúa, hãy tìm sự an ủi vì biết rằng những lúc đau buồn ngay cả những lúc cảm thấy Đức Chúa Trời ẩn mặt là trải nghiệm thuộc linh của chúng ta. Đức Chúa Trời không bỏ rơi chúng ta cho dù chúng ta cảm thấy như vậy. Nhiều tín hữu khác đã thành công đi qua con đường tăm tối mà chúng ta đang đi và hoàn tất hành trình của họ. Sứ đồ Phi-e-rơ nhận biết rằng những thử thách gây nên đau buồn trong tín hữu và cảm giác bị bỏ rơi trong thử thách là kinh nghiệm bình thường. Sứ đồ cũng đề cập thêm hai nguyên tắc giúp Cơ Đốc nhân hiểu và nhẫn nhục chịu đựng sự khốn khó của mình.

2. Cảm giác bị bỏ rơi trong thử thách là kinh nghiệm tạm thời
Cảm thấy đau buồn vì thử thách như là cảm nhận sự vắng mặt của Đức Chúa Trời sẽ dày vò tín hữu nhụt chí nếu nỗi đau buồn cứ dai dẳng. Và vì vậy, sứ đồ Phi-e-rơ nói tiếp sự đau buồn chỉ “trong ít lâu” (I Phi 1:6). Sự khốn khó chỉ tạm thời. Đức Chúa Trời sẽ không lìa bỏ chúng ta trong sự đau buồn mãi mãi. Sự đau buồn sẽ ngưng – có thể không đúng lúc chúng ta muốn – nhưng sẽ kết thúc. Một khi hiểu được mục đích của sự thử thách, chúng ta sẽ nhận được ích lợi từ kết quả của hoạn nạn và vui mừng khi được Cha Thiên thượng bồng ẵm trong vòng tay ấm áp của Ngài.

3. Cảm giác bị bỏ rơi trong thử thách là kinh nghiệm có mục đích
Sứ đồ Phi-e-rơ dường như đoán trước được câu hỏi kế tiếp, “Một tín hữu cần kinh nghiệm những thử thách gây nên sự đau buồn vì mục đích gì? Ông trả lời: “để đức tin của anh em sau khi được thử nghiệm sẽ quý hơn vàng — dù vàng đã được thử lửa, vẫn có thể hư hoại — đem lại sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện đến.” (I Phi 1:7-TTHĐ)

🌹 Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta được Chúa hứa rằng Ngài hiện diện với chúng ta, mặc dù chúng ta cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi và không được cứu giúp. Hãy yên tâm vì biết rằng Đức Chúa Trời là Cha yêu thương có lý do tốt đẹp khi đưa chúng ta vào thử thách. Ngài hứa sẽ làm cho chúng ta trở nên thánh khiết, dù cho điều đó lấy đi niềm hạnh phúc của chúng ta trong ít lâu. Thật vậy, chúng ta sẽ tìm thấy ích lợi từ sự thử thách, không phải bằng cách phớt lờ nó hay là ngã quỵ vì hoạn nạn quá nặng nề, nhưng bằng cách hiểu được những mục đích của sự thử thách Chúa cho phép xảy đến. Khi chúng ta nhận ra rằng Đức Chúa Trời sử dụng sự thử thách để làm cho chúng ta nhận biết ân điển của Ngài trong đời sống và đem lại sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng, thì chúng ta sẽ được trang bị chịu đựng thử thách dù khi điều đó khiến chúng ta cảm thấy đau buồn và nặng nề trong tâm hồn. Hơn nữa, chịu đau khổ trong sự yên lặng cũng sẽ:
(1) Khiến cho chúng ta vâng giữ Lời Chúa (Thi 119:67).
(2) Học biết Lời Chúa sâu hơn (Thi 119:71).
(3) Thêm lên lòng trắc ẩn và hiệu quả trong sự phục vụ (II Cô 1:3-4).
(4) Dạy chúng ta nhẫn nhục trông đợi Chúa (Thi 27:14).
(5) Làm cho niềm vui của chúng ta ít phụ thuộc vào hoàn cảnh (Ha 3:16-19).
(6) Khiến chúng ta nhận biết Chúa rõ hơn khi Ngài hồi phục chúng ta (Gióp 42:7-17).

🌼 Nói tóm lại, hãy để những nguyên tắc Kinh Thánh nầy hình thành cái nhìn của chúng ta. Hãy học cách đáp ứng trước sự khó khăn, hoạn nạn theo Kinh Thánh chứ không theo cảm xúc. Hãy dựa vào bản tánh được mặc khải của Đức Chúa Trời. Ngài cho phép chúng ta kinh nghiệm sự đau buồn tạm thời để đem lại cho chúng ta những ích lợi lớn hơn, đó là “sẽ cùng được vinh quang với Ngài” (xem Rô 8:18). Nguyện xin Chúa Thánh Linh yên ủi những ai đang trải qua thử thách bởi Lời Ngài. Muốn thật hết lòng!
(Phỏng dịch theo Grace to You)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn