Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Giá phải trả và giá trị của sự tận hiến

Kinh Thánh: Mác 14:3-5

“Đức Chúa Jêsus ở tại làng Bê-tha-ni, trong nhà Si-môn là kẻ phung. Ngài đương ngồi bàn ăn, có một người đàn bà vào, đem một cái bình bằng ngọc, đựng đầy dầu cam tòng thật rất quí giá, đập bể ra mà đổ dầu thơm trên đầu Đức Chúa Jêsus. Có vài người nổi giận nói cùng nhau rằng: Sao xài phí dầu thơm ấy như vậy? Vì có thể bán dầu đó được hơn ba trăm đơ-ni-ê, mà bố thí cho kẻ khó khăn. Vậy, họ oán trách người.” (BTT)

Sau hai mươi bốn giờ nữa, Chúa Jêsus sẽ dùng Bữa Tiệc Cuối Cùng; nhưng Ngài dành đêm đó để thư giãn với bạn bè trong nhà của một người phung được chữa lành (Mác 14:1-3). Ngài thật điềm tĩnh biết bao khi đối diện với đau thương sắp ập đến! Không có gì lạ khi những vị khách danh dự được chủ nhà xức dầu thơm tại một bữa tối đặc biệt. Nhưng tại một thời điểm, Ma-ri (em gái của Ma-thê và La-xa-rơ) đã bước vào và đổ hết dầu quý của mình ra ngoài như một hành động tận hiến phung phí.

Đây là một trong hai tình tiết về một người phụ nữ đập bể bình đựng dầu thơm quý giá. Trong câu chuyện này, Ma-ri đổ dầu thơm lên đầu Chúa Jêsus, còn trong Lu-ca 7:36-50, một người đàn bà có tội đã đổ dầu thơm lên chân Chúa Jêsus. Tại sao những người phụ nữ này lại có hương liệu đắt tiền như vậy? Vào thời đó, hương liệu và muối có giá trị lâu dài tương đương tiền bạc (Giăng 12:3). Đó là một cách để tiết kiệm cho tương lai. Lời giải thích khả thi nhất là hương liệu đó được trao cho một cô gái để dành làm của hồi môn. Nó có thể đã được niêm phong trong một hộp đá thạch cao tuyết hoa hoặc một lọ thủy tinh. Một khi dấu niêm phong bị gỡ và dầu thơm bị đổ ra, nó sẽ mất đi giá trị tiền tệ nhưng đem lại giá trị danh dự to lớn cho người nhận.

Đó là một hành động đẹp thể hiện sự tận hiến với Chúa Jêsus. Nhưng không phải ai cũng đồng tình. Chúng ta biết rằng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã ở đó, và ông là một trong những người đầu tiên phàn nàn. Giăng 12:4-6 nói: “Nhưng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là một môn đồ về sau phản Ngài, nói rằng: Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đơ-ni-ê đặng bố thí cho kẻ nghèo? Người nói vậy, chẳng phải lo cho kẻ nghèo đâu, song vì người vốn là tay trộm cắp, và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong.” Các môn đồ khác đã cùng ông quở trách Ma-ri vì bà lãng phí tài sản làm vốn của mình. Mùi hương của sự tận hiến quên mình trộn lẫn với mùi hương của sự tham lam ích kỷ. Nhưng Chúa Jêsus nói rằng khi Phúc Âm được rao giảng thì đương nhiên danh Ngài sẽ được tôn vinh, bất chấp giá chúng ta phải trả là gì (Mác 14:9).

Những người vô tín xem việc thể hiện sự tận hiến với Chúa Jêsus là khờ dại. Ngày nay, có nhiều Cơ Đốc nhân đang chịu khổ hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử vì lòng yêu mến Chúa Jêsus. Sự nhạo báng, lời nói cay nghiệt, sự bắt giữ, tra tấn, và hành hình có cùng mức độ ngược đãi với những gì Chúa Jêsus từng chịu (II Ti-mô-thê 3:12). Và Ngài đã tự mình trải qua tất cả (Thi thiên 22:12-18). Ma-ri cũng phần nào trải nghiệm sự chống đối tương tự trong bữa tiệc tối. Họ quan tâm đến số tiền để mua dầu thơm (được che đậy dưới vẻ quan tâm đến người nghèo) hơn là việc sử dụng dầu thơm đó để tôn vinh Đức Chúa Jêsus Christ sắp được chôn cất (Mác 14:8). Việc chế giễu sự tận hiến chân chính dành cho Chúa Jêsus là một hành động đố kỵ giống như Giu-đa do sự xúi giục của Sa-tan. Việc đó vẫn gây nên nỗi đau trong gia đình, tại nơi làm việc, trường học và đại học. Khi sự hy sinh về thời gian, sức lực hoặc tiền bạc vì cớ Chúa Jêsus vượt quá mức độ mà những người hoài nghi xem là “hợp lý”, bạn sẽ bị họ tấn công. Nhưng nếu bạn yêu mến Chúa Jêsus như Ma-ri, thì đừng lo lắng về suy nghĩ của những người khác; chỉ có phản ứng của Chúa Jêsus mới quan trọng.

Kính lạy Chúa Jêsus. Cảm ơn Ngài rất nhiều vì những điều Ngài đã làm cho con, bởi vì Ngài yêu con. Xin Chúa tha tội cho con vì con đã giữ lại những điều tốt nhất con có cho tương lai, làm ảnh hưởng đến sự tận hiến của con bởi lòng tham ích kỷ. Xin Chúa giúp con thêm lên lòng cam kết đối với Ngài, bất chấp những lời chế giễu hoặc quở trách mà con phải đối mặt. Xin giúp con mạnh mẽ như Ngài và không ngã lòng tại nơi con trải qua sự chống đối chỉ vì yêu Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn