Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đức Chúa Trời có tạo nên loài khủng long không?

Hỏi: Em đọc câu chuyện sáng tạo trong Sáng thế Ký đoạn 1 và tò mò muốn biết: “Đức Chúa Trời có tạo dựng con khủng long không? Nếu có, tại sao người ta không còn thấy khủng long trên mặt đất? Có phải loài khủng long bị tuyệt chủng không?

Đáp: Đức Chúa Trời đã tạo dựng muôn vật và mọi thứ trong đó, kể cả loài bò sát khổng lồ như khủng long.

Từ “khủng long” có nghĩa là con thằn lằn khổng lồ. Thật ra mãi đến năm 1841, từ khủng long mới có trong từ điển. Đó là khoảng 230 năm sau khi bản Kinh Thánh King James (1611) được dịch ra. Vì hầu như tất cả các phiên bản Kinh Thánh tiếng Anh đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngôn ngữ của King James, nên từ khủng long không thực sự được tìm thấy trong bất kỳ đoạn nào trong bất kỳ cuốn Kinh Thánh tiếng Anh nào. Vì vậy, những bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt dịch là trâu nước.

Trong khi đó, từ liệu bê-hê-mốt trong tiếng Hy-bá-lai בְהֵמוֹת (Gióp 40:10) được định nghĩa là con vật trên cạn lớn nhất, mà chúng ta thường gọi là khủng long. “Hãy nhìn con Bê-hê-mốt mà Ta đã dựng nên như dựng nên con; Nó ăn cỏ như bò” (Gióp 40:10-TTHĐ). Trong Kinh Thánh, đây là chỗ duy nhất không bác bỏ được, đề cập đến từ liệu bê-hê-mốt. Để hiểu rõ hơn về khủng long, hãy tra xem Gióp 40:10-19, mà John MacArthur (www.gty.org) giải thích như vầy:

“Mặc dù từ liệu bê-hê-mốt này là một thuật ngữ chung được sử dụng phổ biến trong Cựu Ước để chỉ gia súc lớn hoặc động vật trên cạn, nhưng mô tả trong đoạn văn này cho thấy một sinh vật phi thường. Con trâu nước đã được gợi ý bởi các chi tiết trong phân đoạn (Gióp 40:10–19). Tuy nhiên, cái đuôi ngắn của trâu nước hầu như không phù hợp với câu 17, trong đó đuôi có thể được dịch là “thân cây”. Nó có thể ám chỉ đến một con voi, được coi là “đầu tiên” hoặc là thủ lĩnh của các tạo vật của Đức Chúa Trời mà chỉ Ngài mới có thể điều khiển (câu 19). Nhưng trong ý nghĩa của từ liệu bê-hê-mốt (câu 10), Kinh Thánh mô tả sự sáng tạo ấn tượng nhất của Đức Chúa Trời đối với động vật trên cạn, đó là loài khủng long, phù hợp với tất cả các đặc điểm. Đức Chúa Trời muốn cho Gióp thấy quyền năng của Ngài trong sự sáng tạo – tạo vật quyền năng. Đức Chúa Trời phán với Gióp trong Gióp 40:10,11 “Nầy… hãy xem…” điều này có nghĩa là Gióp có khả năng nhìn thấy khủng long bằng chính đôi mắt của mình.”

Về việc khủng long bị tuyệt chủng, hầu hết các sách giáo khoa cũng như các nhà khoa học theo thuyết tiến hoá cho rằng khủng long đã bị tuyệt chủng (tham khảo “Luận về thuyết tiến hoá” của Jobe Martin). Cũng vậy, một số giả thiết cho rằng từ sau đại hồng thuỷ thời Nô-ê, loài khủng long bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, không chỗ nào nói cho chúng ta biết rằng loài khủng long bị tuyệt chủng.

Nói tóm lại, chúng ta phải xem xét lý do ban đầu Kinh Thánh được ban cho chúng ta. Kinh Thánh không phải để thỏa mãn trí tò mò của chúng ta về những con thú khổng lồ sống trong quá khứ của trái đất. Lời Kinh Thánh có chép: “Những điều huyền nhiệm thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta, nhưng những điều được mặc khải thuộc về chúng ta và con cháu chúng ta đến đời đời, để chúng ta làm theo mọi lời của luật pháp nầy” (Phục truyền 29:29-TTHĐ). Kinh Thánh được ban cho chúng ta để chỉ cho chúng ta về Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa và tiết lộ cho chúng ta, vật thọ tạo của Ngài, làm thế nào chúng ta có thể có mối quan hệ với Đức Chúa Trời qua Con của Ngài, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ. Chính Chúa Giê-xu phán: “Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: Ấy là Kinh thánh làm chứng về Ta vậy.” (Giăng 5:39)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn