Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Dấu lạ củng cố đức tin

Kinh Thánh: Mác 16:17-18

“Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: Lấy danh ta mà trừ quỉ; dùng tiếng mới mà nói; bắt rắn trong tay; nếu uống giống chi độc, cũng chẳng hại gì; hễ đặt tay trên kẻ đau, thì kẻ đau sẽ lành.” (BTT)

Dấu lạ không phải là phép màu, mà là kim chỉ nam giúp chúng ta đi trên con đường đúng đắn. Chúng cũng không phải là những đối tượng để chúng ta chiêm ngưỡng mà là những bước ngoặc giúp chúng ta đi đúng hướng. Khi sứ điệp Phúc Âm được rao ra, sách Công Vụ Các Sứ Đồ đã thuật lại các phép lạ khiến người ta chú ý đến Chúa Jêsus quyền năng độc nhất vô nhị. Thật kinh ngạc, trong khi một số sứ đồ tử đạo, thì những sứ đồ khác đã vượt qua nhiều hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng (II Cô-rinh-tô 11:23-28). Những dấu lạ như vậy là một phần trong sự khen ngợi mà Đức Chúa Trời dành cho Chúa Jêsus (Công vụ 2:22), và cho các sứ đồ (Công vụ 5:12) trước một thế giới tội lỗi.

Ngay cả những người khước từ sứ điệp cũng không thể làm ngơ trước các phép lạ. Hê-bơ-rơ 2:2-4 nhấn mạnh rằng sứ điệp cứu rỗi có rất nhiều dấu hiệu đáng chú ý xung quanh nó, nên việc bỏ lỡ sứ điệp đó là điều đáng trách! “Vì nếu lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi, mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? -là sự cứu rỗi Chúa truyền ra trước hết, rồi có những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta, Đức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép màu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra, để làm chứng với các kẻ đó.”

Cụm từ chính trong đoạn Kinh Thánh này là: “Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy”. Các dấu lạ không tạo ra đức tin hay khiến người ta không thể cưỡng lại tiếng gọi của Phúc Âm (Giăng 10:25; Giăng 10:38). Dấu lạ là bằng chứng để xác nhận những ai đáp ứng lời của Chúa Jêsus qua các sứ đồ của Ngài. Tuy nhiên, mặc dù nhiều người đã nhìn thấy các dấu lạ nhưng chỉ có một số người tin. Phúc Âm không phải là một lời đề nghị quyền lực nhằm kết nối mọi người; mà là thông điệp về sự chết của Đấng Christ vì tội lỗi của chúng ta, kêu gọi mọi người ăn năn để nhận được lòng thương xót và được làm con cái của Đức Chúa Trời. Các dấu lạ thu hút sự chú ý vào Phúc Âm, nhưng các dấu lạ không phải là Phúc Âm. Chúng không giúp con người giành lại quyền kiểm soát cuộc sống. Tác dụng thực sự của chúng là làm cho con người trở nên khiêm tốn để nhận ra rằng họ cần tình yêu thương và lòng thương xót của Đức Chúa Trời đến nhường nào như được bày tỏ trong Phúc Âm của Đấng Christ.

Con đường của người Cơ Đốc không chỉ là niềm an ủi cho kẻ đau buồn, cũng không phải luật lệ cho người sùng đạo. Đó là con đường đầy quyền năng. Phúc Âm là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu rỗi; và là sức mạnh để đối phó với những lời gian dối của Sa-tan. Nhiều người không biết rằng điều này là thật; nhưng tất cả các bằng chứng đều có trong Kinh Thánh. Hầu hết đều không tự mở Kinh Thánh ra đọc, vậy tại sao chúng ta không mời một người bạn cùng đọc với chúng ta? Hãy bắt đầu với sách Phúc Âm Mác, và loạt bài Lời Chúa Nơi Làm Việc sẽ giải thích từng câu cho bạn.

Kính lạy Cha là Đức Chúa Trời của chúng con! Cảm ơn Chúa đã ban Lời Chúa cho chúng con để thế gian này biết được Ngài là Đấng tuyệt vời như thế nào và ân điển của Đấng Christ dư dật trên chúng con đến nhường nào. Xin Chúa tha tội cho con vì những lúc con bị cám dỗ chỉ nói về các dấu lạ hơn là Phúc Âm quyền năng của Ngài. Xin Chúa giúp con chiến thắng sự dối trá của Sa-tan bằng cách can đảm mời gọi bạn bè cùng đọc Kinh Thánh với con để họ thấy được Chúa tuyệt diệu như thế nào và nhận được tình yêu của Ngài. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. A-men.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn