Hỏi: Em thấy những người chưa tin Chúa đeo dây chuyền có mặt hình thập tự giá. Cơ Đốc nhân có được đeo dây chuyền có mặt hình thập tự giá không?
Đáp: Được. Việc Cơ Đốc nhân có thể đeo dây chuyền có mặt hình thập tự giá không có gì sai. Dù vậy, cần hiểu thêm về vấn đề này.
Có một chút nhập nhằng đó là việc Cơ Đốc nhân đeo đồ trang sức như dây chuyền, lắc tay, lắc chân có thập tự giá có thích hợp và thậm chí có tội không. Mãi cho đến sau khi việc bị đóng đinh trên thập tự giá không còn là hình phạt về án tử hình nữa thì Cơ Đốc nhân mới bắt đầu đeo dây chuyền có mặt thập tự giá. Nhiều người xem thập tự giá chỉ là công cụ của sự chết được dùng để giết Đấng Cứu Thế yêu quý của chúng ta, một số khác thì xem thập tự giá như biểu tượng về sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu – một lời nhắc nhở đầy sức thuyết phục về sự hy sinh và đắc thắng của Chúa Giê-xu và về ân điển của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự cứu rỗi. Bởi đó là ý muốn của Đức Chúa Trời, nên Chúa Giê-xu sẵn lòng bước lên thập tự giá, mang lấy trên mình Ngài toàn bộ tội lỗi của nhân loại, đồng thời làm sạch tội cho những ai tin nhận Ngài.
Lý do duy nhất mà Kinh Thánh cấm đeo trang sức mang tính tôn giáo có thể là do vật thể đó trở thành việc thờ thần tượng (tham chiếu I Cô-rinh-tô 10:14) hoặc nếu người đeo bị cuốn hút vào trang sức bề ngoài (xem I Phi-e-rơ 3:3) hoặc việc đeo đồ trang sức là cớ gây cho người khác vấp phạm (xem I Cô-rinh-tô 8:9, Rô-ma 14:13). Nhiều người đeo đồ trang sức mang tính tôn giáo như một mốt thời trang mà không quan tâm đến việc bày tỏ Đấng Christ, tuy nhiên điều này không có nghĩa là Cơ Đốc nhân không thể hoặc không nên đeo. Nhiều Cơ Đốc nhân đeo dây chuyền có mặt hình thập tự giá với niềm tự hào về tình yêu thương, lòng tôn kính và tinh thần phục vụ Đấng Christ với tấm lòng ghi sâu những gì Chúa đã làm cho chúng ta.
Một vấn đề quan ngại khác là đeo trang sức có hình thập tự giá hoặc đính vào xe hơi có phải là dấu hiệu của Cơ Đốc nhân hay không. Thật ra, truyền thống đeo dây chuyền có mặt hình thập tự giá không xuất phát từ Kinh Thánh hoặc những phong tục của Hội Thánh trong thời Tân Ước. Mặc dù các sứ đồ rao giảng về quyền năng và sự khôn ngoan thập tự giá (tham chiếu I Cô-rinh-tô 1:17,18), nhưng họ không thần tượng hoá thập tự giá. Thập tự giá là công cụ lạ lùng của quyền năng, vì Chúa Giê-xu chịu đóng đinh, mang lấy tội lỗi của chúng ta cách nhục nhã và đầy đau đớn vì chúng ta (xem Hê-bơ-rơ 12:2). Vì vậy, không có chuyện ma thuật gì về thập tự giá như nhiều người nghĩ. Hơn nữa, mặt dây chuyền thập tự giá là vật thể vô hồn, và ý nghĩa của thập tự giá không nằm trong vật thể bằng gỗ, bằng kim loại hay bằng nhựa đó. Ý nghĩa thật của thập tự giá trong lời chứng của sứ đồ Phao-lô: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20)
Nói tóm lại, Cơ Đốc nhân không cần xét đoán việc đeo dây chuyền có mặt thập tự giá có thích hợp hay không. Mỗi Cơ Đốc nhân phải tìm cách làm đẹp lòng Đức Chúa Trời trong mọi điều chúng ta làm, nghĩa là không gây cớ vấp phạm cho bất cứ ai trong bước đường theo Chúa của họ (xem Rô-ma 14:20), cũng như không nên chú trọng trang sức bề ngoài. Đức Chúa Trời tìm kiếm tấm lòng của chúng ta để xem ai là người trung thành với Ngài (tham chiếu 2 Sử Ký 16:9; Thi thiên 139: 23,24) và xem chúng ta có khích lệ và bày tỏ tình yêu thương đối với người khác hay không.
(Dịch từ tổng hợp các nguồn)