Kinh Thánh: Mác 15:25-30
“Lúc đóng đinh Ngài, là giờ thứ ba. Án Ngài có ghi vào cái bảng rằng: Vua Dân Giu-đa. Cũng có hai đứa ăn cướp bị đóng đinh với Ngài, một đứa tại cây thập tự bên hữu Ngài, một đứa tại cây thập tự bên tả. Những kẻ đi ngang qua đó chế báng Ngài, lắc đầu mà nói rằng: Ê! ngươi là kẻ phá đền thờ, và cất lại trong ba ngày, hãy cứu lấy mình, xuống khỏi cây thập tự đi!” (BTT)
Có ba cây thập tự được dựng lên vào ngày Chúa thi hành án. Người bị đóng đinh vào thập tự giá chính giữa chính là Jêsus người Na-xa-rét, Con Đức Chúa Trời, Đấng Mết-si-a (Đấng Christ). Hai tử tội bị đóng đinh ở hai bên đều là những tên tội phạm khét tiếng. Chúng ta không biết chi tiết về tội danh của họ, nhưng từ ngữ trong bản gốc cho biết họ đã có những hành động cướp của cho cá nhân mình. Họ bị bắt vì tội ác của mình, bị kết án và rồi bị treo lên cây thập tự trong đau đớn, chịu hình phạt mà họ đáng phải chịu. Còn Chúa Jêsus dù không hề phạm tội, nhưng ý định của Ngài là chịu hình phạt mà chúng ta đáng phải chịu.
Tấm bảng đóng trên đầu Chúa Jêsus được viết bằng ba thứ tiếng, với nội dung: “JÊSUS NGƯỜI NA-XA-RÉT, LÀ VUA DÂN GIU-ĐA” (Giăng 19:19). Đó không chỉ là lời mô tả về Chúa Jêsus mà còn là một tội danh. Tội phản quốc. Phi-lát xem mối thù của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong nước đối với Chúa Jêsus chỉ như một cuộc tranh cãi nội bộ khác về tôn giáo, nhưng bằng chứng của họ đã khiến vị quan tổng đốc này đủ cơ sở để kết án Chúa Jêsus về tội làm phản Sê-sa. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng một phần: Chúa Jêsus chắc chắn là Đấng được xức dầu của Y-sơ-ra-ên (Công vụ 4:27), nhưng Ngài cũng là Vua của mọi vua (I Ti-mô-thê 6:13-16). Vì vậy, Sê-sa có trách nhiệm phải thuận phục Đấng Christ, chứ không phải ngược lại.
Thế mà việc phỉ báng Con Đức Chúa Trời không những hợp pháp, mà lại còn đặc biệt nhắm vào Ngài. Chúa Jêsus đã được tiên tri là “bị kể vào hàng kẻ dữ” (Ê-sai 53:12), không chỉ là một trong số ba vụ hành quyết vào ngày hôm đó, nhưng Ngài bị kể vào hàng kẻ dữ vì Ngài “đã mang lấy tội lỗi nhiều người” (Ê-sai 53:12). Những lời xúc phạm dành cho Chúa Jêsus đến từ tấm lòng chống nghịch của những con người tự do nhưng lại bị trói buộc trong tội lỗi. Dân chúng khinh dể Ngài và thêm lời xúc phạm vào những thương tích của Ngài, thế nhưng Ngài cũng đang chết vì tội lỗi của họ. Sau khi trưng dẫn sai Kinh Thánh (một dấu hiệu của Sa-tan), họ tiếp tục nhạo báng lời tuyên bố về sự phục sinh của Ngài (Giăng 2:19-22), cho rằng chính những chiếc đinh là thứ đã giữ Ngài trên thập tự giá. Tuy nhiên, Chúa Jêsus chịu khổ hình vì Ngài yêu thương họ!
Việc nhạo báng Đấng Christ và những người theo Ngài bắt đầu tiếp diễn kể từ lúc đó. Giờ đây, trong nhiều nền văn hóa, người ta ít kính sợ Đức Chúa Trời, họ cho rằng tốt hơn hết là gạt Chúa Jêsus ra ngoài lề và chỉ có những người theo chủ nghĩa truyền thống lỗi thời hoặc những người yêu thích điều dị thường mới tin Ngài. Nhưng khi không thể né tránh việc Ngài xưng là Vua, thì người ta cho rằng việc nhạo báng Ngài bằng nhiều hình thức sẽ đặt Ngài về lại đúng vị trí “ngoài lề” đó của Ngài. Nhưng vị trí của Ngài là làm Vua; còn vị trí của chúng ta là thờ phượng và vâng phục Ngài. Điều đó đem lại phước lành cho chúng ta và vinh quang cho Ngài. Còn khước từ Ngài sẽ đem đến sự đoán phạt, cũng chính là lý do mà Chúa Jêsus phải chịu chết để cứu chúng ta. Mỗi khi chúng ta suy ngẫm về thập tự giá, điều thách thức chúng ta là tra xét lại sự trong sạch và đời sống chứng nhân của mình, cũng như chia sẻ Phúc Âm cho người khác, một số người có thể vẫn đang khinh dể Cứu Chúa yêu thương họ.
Kính lạy Chúa, tạ ơn Ngài đã giúp con hiểu được lý do tại sao một số bạn bè và người thân của con khinh dể Ngài (và khinh dể con vì đã phục vụ Ngài). Xin Chúa tha tội cho con vì con đã không chấp nhận bị khinh dể vì Ngài. Xin Chúa giúp con kiên nhẫn chịu đựng sự chế giễu như Ngài đã chịu, tin rằng ân điển của Ngài sẽ dẫn họ đến với sự ăn năn và niềm vui khi được phục vụ Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work