Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 26:69-75
“Bấy giờ Phi-e-rơ vẫn ngồi ngoài sân. Có một người đầy tớ gái đến gần, mà nói cùng người rằng: Ngươi cũng là kẻ ở với Jêsus, người Ga-li-lê. Song Phi-e-rơ chối trước mặt chúng mà rằng: Ta không hiểu ngươi nói chi. Khi đi ra ngoài cửa, lại có một đầy tớ gái khác thấy người, bèn nói cùng kẻ ở đó rằng: Người nầy cũng ở với Jêsus, người Na-xa-rét. Song Phi-e-rơ lại chối và thề rằng: Ta chẳng hề biết người ấy. Một chặp nữa, những kẻ ở gần đó đến gần nói với Phi-e-rơ rằng: Chắc thật, ngươi cũng thuộc về đảng ấy, vì tiếng nói của ngươi khai ngươi ra. Người bèn rủa mà thề rằng: Ta không biết người đó đâu! Tức thì gà gáy. Phi-e-rơ nhớ lại lời Đức Chúa Jêsus đã phán rằng: Trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần. Đoạn, người đi ra và khóc lóc cách đắng cay.” (BTT).
Lẽ ra Phi-e-rơ chẳng nên có mặt trong sân trà trộn vào đám lính cùng các đầy tớ gái. Sự kiêu ngạo, tự cao hay lòng dũng cảm đã đưa ông đến đó. Có lẽ đó là tinh thần trách nhiệm của ông dành cho Chúa Jêsus bị đặt nhầm chỗ. Dù gì chăng nữa, ông đã không đạt được kì vọng của mình vào đêm hôm ấy. Giọng nói của ông (từ miền bắc Ga-li-lê) đã bị phát giác, và nhiều người đã nhìn thấy người đánh cá khác lạ đi cùng Chúa Jêsus.
Một cô gái tiến đến gần ông, nói ông đã đi cùng với Chúa Jêsus. Phi-e-rơ phủ nhận điều đó. Mọi người đều nghe thấy và giờ sự chú ý của họ tập trung vào người lạ mặt. Cảm giác khó chịu và sợ hãi, Phi-e-rơ cố đi ra cửa nhưng tình cờ ông nghe một cô gái khác nói với những người xung quanh rằng ông là một trong những môn đồ. Ông cất tiếng thề thốt rằng mình không hề biết gì về Chúa Jêsus – thật là dối trá. Nhưng đám lính cùng người hầu cứ khăng khăng như vậy. Lời thách thức thứ ba khiến Phi-e-rơ rất sợ hãi và giận dữ tự nguyền rủa mình nếu ông có gian dối.
Tức thì, con gà trống cất tiếng gáy chào ngày mới, đón ánh bình minh đầu tiên đến giải vây màn đêm tăm tối. Đúng y như điều Chúa Jêsus đã nói với ông (Ma-thi-ơ 26:34). Người Thầy biết điểm yếu của Phi-e-rơ cùng chi tiết của lần phản bội thứ hai này vài giờ trước khi sự việc xảy đến. Nhưng đây là lần đầu tiên Phi-e-rơ hiểu mọi lời ông nói về lòng trung thành với Chúa Jêsus đều là giả dối. Chẳng những không đủ sức bảo vệ Chúa Jêsus, ông còn thất bại đến ba lần. Ông khóc lóc và cất tiếng ai oán trong nỗi đau tận đáy lòng khi nhận ra mình đã làm Chúa thất vọng; và Chúa Jêsus biết dũng khí của ông cũng chỉ là lời nói dối.
Than khóc vì tội lỗi là điều tốt (2 Cô-rinh-tô 7:10-11). Nó làm cho sự thật trở nên rõ ràng. Chúng ta nên dừng buông lời dối trá cao ngạo của mình và sẵn sàng trung thực với Chúa. Không còn gì để giả vờ và không còn nơi nào khác để trốn tránh. Những giọt nước mắt ăn năn, một tâm hồn tan nát và tấm lòng thống hối sẽ không bao giờ bị Đức Chúa Trời xem thường (Thi 51:17). Cảm thấy vô cùng hổ thẹn về tội lỗi không phải là yếu đuối mà là cách duy nhất dẫn đến sự ăn năn, xưng tội và phục hồi. Khi anh chị em đau khổ vì tội lỗi của họ, đừng an ủi giả dối bằng việc nói với họ rằng điều đó không xấu – tội lỗi luôn luôn tệ hơn điều chúng ta nhận biết và cách chữa lành duy nhất là sự tha thứ qua ân điển của Đấng Christ. Hãy tìm kiếm ân điển và kinh nghiệm lòng thương xót của Ngài (Ê-sai 55:6-7), cũng như từ bỏ đời sống cũ nhờ sự giúp đỡ của Ngài.
Lạy Đức Chúa Trời hay tha thứ, con cảm ơn Ngài vì luôn sẵn lòng giải thoát tội nhân khỏi mặc cảm tội lỗi. Xin tha thứ cho con vì luôn nghĩ mình ổn, trong khi thật ra con không “ổn” với Ngài. Con xin ăn năn tội lỗi của mình và xin Ngài xóa bôi tội lỗi của con vì Chúa Jêsus đã chết thay cho con. Xin phục hồi con để con có thể phục vụ Ngài và nói cho người khác biết về ân điển cứu rỗi của Chúa. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work