Kinh Thánh: Lu-ca 9:7-9
“Bấy giờ, Hê-rốt là vua chư hầu, nghe nói về các việc xảy ra, thì không biết nghĩ làm sao; vì kẻ nầy nói rằng: Giăng đã từ kẻ chết sống lại; kẻ khác nói rằng: Ê-li đã hiện ra; và kẻ khác nữa thì rằng: Một trong các đấng tiên tri đời xưa đã sống lại. Song Hê-rốt thì nói: Ta đã truyền chém Giăng rồi: Vậy người nầy là ai, mà ta nghe làm những việc dường ấy? Vua bèn tìm cách thấy Đức Chúa Jêsus.” (BTT)
Lẽ thật không bao giờ biến mất. Lu-ca thuật lại việc vua Hê-rốt cảm thấy đầy bất an khi hay tin các môn đồ lần đầu được sai đi truyền giáo mà không có Chúa Jêsus theo cùng. Có lẽ các sứ đồ tập sự trông giống như các môn đồ của Giăng Báp-tít khi loan báo về Nước Trời. Rõ ràng là họ đã gây được sự chú ý bởi vua Hê-rốt cho rằng họ có liên quan đến Giăng, người đã bị chém đầu khi nói ra sự thật về đời sống cá nhân của vua (Ma-thi-ơ 14:1-12). Phải chăng Giăng đã sống lại? Bất kỳ sứ điệp Phúc Âm nào nghe được từ các môn đồ đều làm vua ray rứt khi nhớ lại vụ sát hại Giăng. Mặc cảm tội lỗi chồng chất trong vua Hê-rốt.
Suy nghĩ của vua Hê-rốt vừa đúng vừa sai. Sai khi nghĩ rằng Giăng Báp-tít đã sống lại, nhưng lại đúng khi cho rằng sứ điệp được rao ra giống như sứ điệp của Chúa Jêsus, vì công việc của Giăng là dọn đường cho Chúa (Lu-ca 3:3-6). Vua Hê-rốt cần giải quyết tội lỗi của mình là đúng, nhưng sai nếu cho rằng chỉ cần nói chuyện với Giăng Báp-tít quá cố thì mọi việc sẽ ổn thỏa. Điều vua cần làm là xưng tội với Chúa Jêsus và cầu xin lòng thương xót của Ngài (Ma-thi-ơ 3:4-8). Nhưng cuối cùng khi Hê-rốt gặp Chúa Jêsus, ông đã chế nhạo Ngài (Lu-ca 23:8-12). Vua Hê-rốt biết sự thật nhưng từ chối làm theo.
Mặc cảm tội lỗi là nỗi đau tinh thần cho chúng ta biết có điều gì đó sai trật. Tuy nhiên, nó sẽ trở nên vô ích nếu chúng ta không muốn thú nhận tội lỗi mình và cầu xin lòng thương xót của Chúa. Chao ôi, nhiều bạn bè của chúng ta trong cộng đồng và nơi làm việc đang sống bất an trong “bẫy tội lỗi”. Vì sự thật về tội lỗi của họ sẽ vẫn còn đó (Lu-ca 8:17-18), nên họ cố gắng xoa dịu nỗi đau trong lòng bằng cách chìm đắm trong thú vui, của cải, hoạt động, tham vọng và sự suy tôn từ người khác, hay trong rượu chè, ni-cô-tin và các chất gây nghiện khác. Nhưng mặc cảm tội lỗi vẫn cứ xuất hiện bởi những lời nhắc nhở nho nhỏ, khiến chúng ta cứ mãi lo lắng. Giải pháp duy nhất là chúng ta hãy quay về với Chúa Jêsus qua sự ăn năn và đức tin, và khuyến khích người khác cũng làm như vậy (I Giăng 1:9).
Lý do chúng ta được đặt vào thế gian tội lỗi là để loan báo về Đấng Cứu Thế và đưa dẫn mọi người đến với Ngài. Việc loan báo về Đấng Cứu Thế không phải là nhiệm vụ dành riêng cho mục sư và nhà truyền giáo. Cho dù bạn là kỹ sư, giáo viên, công nhân xây dựng, cán bộ giao thông, lãnh đạo địa phương, thương gia, sinh viên, nông dân hay nhân viên y tế, nhưng nếu bạn biết Chúa Jêsus, bạn đều có thể nói cho bạn bè và đồng nghiệp của mình biết. Trách nhiệm của bạn là trình bày thông điệp, còn trách nhiệm của họ là đáp ứng.
Lạy Chúa Thánh, cảm ơn Ngài về tặng phẩm Ngài ban cho con đó là lương tâm bị cắn rứt, để cảnh báo con trước tội lỗi và thôi thúc con tìm kiếm sự tha thứ nơi thập tự giá của Đấng Christ. Xin tha thứ cho con khi con cố gắng che đậy hoặc làm giảm đi cảm giác phạm tội bằng những sự nghiện ngập. Xin tha thứ cho con khi thấy người khác cũng che đậy tội lỗi mà lại giữ im lặng về hy vọng được tha thứ qua Chúa Jêsus. Xin giúp con biết ăn năn tội để nhận được ân điển của Ngài; công khai nói về Đấng Cứu Thế của con cũng là Đấng muốn tìm cứu bạn bè của con nữa. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work