Ma-thi-ơ có nghĩa là “món quà của Chúa Giê-hô-va” (gift of the Lord), là một tên khác của Lê-vi (Ma-thi-ơ 9:9). Ông là một người thâu thuế cho đế quốc La Mã, người đã lìa bỏ mọi sự đi theo Chúa Jêsus (Lu-ca 5:27, 28), làm một trong 12 sứ đồ của Chúa (Ma-thi-ơ 10:3; Mác 3:18; Lu-ca 6:15; Công vụ các sứ đồ 1:13). Trong danh sách 12 môn đồ đầu tiên của Chúa, Ma-thi-ơ gọi chính ông rất rõ ràng là “người thâu thuế” (Ma-thi-ơ 10:3). Không có nơi nào khác trong Kinh Thánh tên của Ma-thi-ơ được liên kết với “người thâu thuế”. Những trước giả các sách Tin Lành khác luôn sử dụng tên trước đây của ông là Lê-vi, khi nói đến quá khứ tội lỗi của ông. Đây là bằng chứng về sự hạ mình khiêm nhường của Ma-thi-ơ, ông được ban cho đặc ân viết về cuộc đời và chức vụ của Chúa Jêsus trong những từ ngữ thật đẹp đẽ và đầy vinh hiển mà Ma-thi-ơ được Chúa sử dụng để ghi lại, bày tỏ Chúa Jêsus là vị Vua tuyệt vời. Ma-thi-ơ là người xấu xa nhất trong những người xấu xa, được Chúa ban cho đặc ân mở đầu Tân Ước. Như ba sách Tin Lành khác, sách Tin Lành đầu tiên trong Tân Ước được đặt tên là sách Tin Lành Ma-thi-ơ.
1/ Người thâu thuế như thế nào?
Trong cái nhìn của người Giu-đa, người thâu thuế là đáng khinh, là tầng lớp thấp nhất của tầng lớp thấp, một kẻ phản bội. Bởi vì người thâu thuế là những người bị khinh thường nhất trong Y-sơ-ra-ên, họ bị ghét và bị gièm pha, phỉ báng nhất trong xã hội Do Thái. Họ bị ghét nhiều hơn so với lính La Mã. Họ bị ghét nhiều hơn những người cai trị La Mã. Tại sao? Bởi vì họ đã sử dụng quyền hành từ những người La Mã để thu tiền thuế của dân chúng, nuôi những kho bạc của người La Mã và nhồi nhét cho đầy túi tiền riêng của họ. Và thậm chí họ đã dùng vũ lực để thu tiền từ dân chúng bởi sử dụng những kẻ côn đồ hung dữ. Họ là đáng khinh, hèn hạ, bị xã hội ruồng bỏ, họ bị ngăn cấm vào trong các nhà hội. Thậm chí họ không thể đi vào nơi thờ phượng địa phương với những người khác.
Trong phần ký thuật sách Tin Lành Lu-ca cho chúng ta biết một người thâu thuế và những kẻ xấu nết, người thâu thuế phải giữ khoảng cách với mọi nhóm người, đặc biệt nhóm lãnh đạo tôn giáo trong nhà hội. Theo nguyên ngữ có hai từ liệu nói đến người thâu thuế, cho biết có hai loại người thâu thuế: mặt đối mặt và ẩn danh. Ma-thi-ơ là người thâu thuế mặt đối mặt, ông là người dân chúng đã nhìn thấy mặt đối mặt, họ bực tức, phẫn nộ, ghét bỏ. Họ ghét Ma-thi-ơ bởi vì ông đã liên kết với dân ngoại, và trong ý nghĩa đó ông đã báng bổ Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, từ bỏ dân tộc của mình. Họ ghét ông bởi vì ông là một người tham nhũng, là một phần trong sự sùng bái thần tượng, bởi vì những người La Mã thờ lạy thần tượng. Đó là người xấu xa nhất trong những người xấu xa, và không một người nào từng chọn người thâu thuế cho bất kỳ vị trí nào. Khi Ma-thi-ơ không thể đi đến nhà hội, không thể đi đến đền thờ và thờ phượng, làm thế nào ông có thể là một sứ đồ của Chúa Jêsus? Vì vậy đây phải là một sự thật gây ấn tượng sâu sắc đối với Ma-thi-ơ trong cả đời sống của ông, kinh nghiệm sự lựa chọn của Chúa Jêsus trên ông.
Ma-thi-ơ là một người thâu thuế làm việc cho Đế quốc La Mã, điều đó khiến ông trở nên đáng ghét đối với những người lãnh đạo Do Thái. Nhưng Chúa Jêsus đã gọi ông ra khỏi công việc thâu thuế đó, và ngay lập tức Ma-thi-ơ đã lìa bỏ, đi theo Chúa và dọn tiệc trọng thể đãi Chúa Jêsus tại nhà mình. Ma-thi-ơ trở thành một môn đồ, sau đó Chúa đã chọn ông làm một trong 12 sứ đồ. Ở đây, không có đề cập cụ thể về chức vụ của ông sau Công vụ các sứ đồ đoạn 1. Tuy nhiên, sách Tin Lành Ma-thi-ơ ghi lại một số chi tiết có ý nghĩa quan trọng về cuộc đời và chức vụ của Chúa Jêsus, làm ứng nghiệm lời tiên tri, với những phép lạ, dấu kỳ, và bằng chứng có giá trị về sự sống lại bằng thể xác của Chúa Jêsus. Có nhiều chi tiết đáng chú ý khác trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ khẳng định đức tin của ông trong Chúa Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời.
Ma-thi-ơ cũng được biết là Lê-vi – trong Ma-thi-ơ 9:9, “Đức Chúa Jêsus đã đi khỏi nơi đó rồi, thấy một người tên là Ma-thi-ơ đang ngồi tại sở thâu thuế, bèn phán cùng người rằng: Hãy theo ta, người liền đứng dậy, mà theo Ngài.” (cũng xem trong Mác 2:14, 15; Lu-ca 5:27-29) – Khi Chúa Jêsus “vừa đi qua” sở thâu thuế, Ma-thi-ơ đáp ứng tiếng gọi của Chúa, lìa bỏ mọi sự đi theo Chúa, dọn tiệc trọng thể đãi Ngài tại nhà mình. Cả hai môn đồ Mác và Lu-ca đều sử dụng tên Lê-vi trong sự ghi chép cùng một sự kiện, và Mác thêm chi tiết về Lê-vi là con A-phê.
Tất cả ba sách Tin Lành cho biết các thầy thông giáo và những người Pha-ri-si đã có lời bình phẩm kết án các môn đồ của Chúa Jêsus về việc Chúa và các môn đồ ngồi đồng bàn với những người thâu thuế. Điều đáng chú ý là trước khi Ma-thi-ơ ký thuật trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ về sự kêu gọi của mình, ông đã ghi lại cách mà bốn ngư phủ Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng rời bỏ lưới thuyền và đi theo Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 4:18-22). Qua ba năm ở với Chúa Jêsus, các sứ đồ có những cơ hội để nói chuyện với nhau về cách Chúa Jêsus đã kêu gọi họ cách cá nhân. Nhiều sự kiện trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ được viết đúng trật tự theo thời gian. Mô tả sự kêu gọi của bốn ngư phủ cũng được ghi lại trong Mác 1:16-20 và Lu-ca 5:1-11. Như trong nhiều trường hợp, chúng ta biết họ được hướng dẫn bởi Đức Thánh Linh khi họ ghi chép trong Kinh Thánh.
2/ Chúa Jêsus kêu gọi Ma-thi-ơ
Đầu tiên, Chúa Jêsus gọi Ma-thi-ơ là một người người thâu thuế, có khả năng ông đã thu thập thuế trên các loại hàng hóa bởi dân sự đem vào thành. Đó là lý do tại sao ông đương ngồi tại sở thâu thuế, có nghĩa Ma-thi-ơ làm công việc ghi vào sổ sách hơn thường lệ một ít ở đây và thu lượm lợi nhuận tốt cho chính ông. Ma-thi-ơ là một người Giu-đa làm việc cho người La Mã, nghịch với dân tộc mình và có khả năng ăn trộm từ dân tộc của mình để nhét vào túi. Tuy nhiên Chúa Jêsus vẫn gọi ông. Ma-thi-ơ ở đâu khi Chúa Jêsus kêu gọi ông? Đang ngồi tại sở thâu thuế! Ma-thi-ơ không cần rời khỏi sở thâu thuế để Chúa Jêsus gọi ông. Chúa gọi ông trong khi ông vẫn đang ngồi ở đó.
Suy gẫm: đây là phần quan trọng cho Cơ Đốc nhân để học biết Chúa Jêsus thực hiện điều tương tự này cho hết thảy chúng ta. Ngài gọi chúng ta khi chúng ta còn là kẻ có tội. Như trong Rô-ma 5:8 cho biết: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.” Cơ Đốc nhân nhận biết Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta như thế nào? Bởi vì Chúa Jêsus đã chịu chết thay cho chúng ta trên thập tự giá trong khi chúng ta vẫn là tội nhân!
Thứ hai, Chúa Jêsus kêu gọi Ma-thi-ơ đi theo Ngài. Đây là lời Chúa đã phán với Ma-thi-ơ khi ông đang ngồi tại sở thâu thuế: “Hãy theo ta”; và Ma-thi-ơ lìa khỏi sở thâu thuế lại đằng sau, đi theo Chúa Jêsus. Sách Tin Lành Lu-ca cho biết Ma-thi-ơ đã lìa bỏ mọi điều (Lu-ca 5:28). Ma-thi-ơ đã lìa bỏ công việc thoải mái, dễ dàng khiến ông giàu có. Ông đã lìa bỏ đời sống tội lỗi, ăn trộm, ăn cướp hay tham nhũng. Ma-thi-ơ lìa bỏ tất cả điều này, và hơn nữa để đi theo Chúa Jêsus. Cụm từ “Hãy theo ta” là tiếng kêu gọi để làm môn đồ của Chúa Jêsus. Đó là những gì mà Cơ Đốc giáo nói đến – đi theo Chúa Jêsus. Cơ Đốc giáo không giống như những tôn giáo khác, khi đến với Chúa Jêsus, chúng ta đi theo Ngài.
Suy gẫm: Sự kiện Chúa Jêsus gọi Ma-thi-ơ dạy Cơ Đốc nhân điều gì? Chúa Jêsus đến để gọi tội nhân, Ngài gọi chúng ta đi theo Ngài. Chúa gọi trong khi chúng ta vẫn ở trong tội lỗi; Ngài cũng gọi chúng ta ra khỏi lối sống cũ, đi theo Ngài, làm môn đồ của Ngài, và sống đời sống mới như trong Ê-phê-sô 4: 22-24.
3/ Chúa Jêsus kết giao với tội nhân
Ma-thi-ơ 9:10-11, “Vả, đương khi Đức Chúa Jêsus ngồi ăn tại nhà Ma-thi-ơ, có nhiều người thâu thuế cùng kẻ xấu nết đến ngồi ăn với Ngài và môn đồ Ngài. Người Pha-ri-si thấy vậy, thì nói cùng môn đồ Ngài rằng: Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết vậy?” Sau khi Ma-thi-ơ đã lìa bỏ mọi sự đi theo Chúa Jêsus, Ma-thi-ơ đã dọn tiệc trọng thể đãi Ngài tại nhà mình. Và chắc chắn, ông đã mời những người bạn của mình. Những người thâu thuế khác và những người khác đã bị khinh thường bởi dân mình. Vì vậy nhiều người thâu thuế và những “kẻ xấu nết” khác đã đến, ngồi ăn đồng bàn với Chúa Jêsus và các môn đồ của Ngài. Đó là quan trọng để hiểu những gì Ma-thi-ơ có ý nói bởi cụm từ những “kẻ xấu nết” ở đây. Ông không nói một vài người là kẻ xấu nết, còn một vài người khác là không, nhưng tất cả đều là tội nhân. Những người Pha-ri-si thường sử dụng cụm từ này nói đến những người đã tham dự vào những gì mà họ cho là tội rất xấu xa; đó là những kẻ thâu thuế, kẻ say rượu và những người kỵ nữ trong thành. Họ gọi những người đó là “kẻ xấu nết” bởi vì họ cho rằng những tội đặc biệt này xấu xa hơn nhiều so với tội của họ. Và Ma-thi-ơ dọn tiệc trọng thể với nhiều kẻ thâu thuế và “kẻ xấu nết” đến, ăn đồng bàn với Chúa Jêsus và các môn đồ của Ngài.
Suy gẫm: Thật vậy, là một người thâu thuế, sẽ bị khinh thường, chán ghét bởi dân tộc mình, những người bạn của họ là ai? Điều này có nghĩa Cơ Đốc nhân phải có lòng thương xót đối với những “người thâu thuế”, như chính Chúa đã thương xót chúng ta và nói cho họ biết về Chúa Jêsus – Đấng có thể giải cứu họ khỏi tội lỗi.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)