Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Sùng đạo nhưng không tin

Kinh Thánh: Mác 16:14

“Sau nữa, Ngài hiện ra cho mười một sứ đồ đang khi ngồi ăn, mà quở trách về sự không tin và lòng cứng cỏi, vì chẳng tin những kẻ từng thấy Ngài đã sống lại.” (BTT)

Các môn đồ đi theo Chúa Jêsus nhưng họ có tin Ngài, tin những điều Ngài đã nói và tin Ngài là ai không? Không có sự quở trách nghiêm khắc nào được ghi lại về cuộc gặp gỡ sau khi Chúa Jêsus phục sinh với các môn đồ trong Lu-ca 24:41-43. Tuy nhiên, sự thật là các môn đồ không tin, và họ cũng chẳng vui chút nào. Lòng họ đầy sự sợ hãi và không muốn tin vào những gì họ không thể nhìn thấy hoặc lý giải. Họ cố chấp không tin vào lời hứa mà Chúa Jêsus thường lặp đi lặp lại với họ rằng Ngài sẽ sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba.

Khái niệm “không tin” có lẽ khiến chúng ta khó lòng hiểu được. Chúng ta có thể nghĩ: “Có thể họ thiếu hiểu biết, bối rối hoặc có thể đầu óc quá đơn giản nên không hiểu tất cả những điều Chúa Jêsus đã nói.” Tuy nhiên, Chúa Jêsus thường đề cập đến việc họ ít đức tin (Ma-thi-ơ 8:26; 14:31, 16:8; 17:20). Lời của Ngài dường như ít có thẩm quyền đối với họ hơn là với những người bệnh phong, quỷ ám và những người mù.

Không tin là tình trạng mù loà bên trong. Không chỉ là “không hiểu được”; không tin bao gồm việc chủ động đưa ra quyết định không tin vào các bằng chứng sẵn có. Đáng lẽ họ nên tin lời của Chúa Jêsus và hiểu lời ấy theo đúng như những gì Ngài phán, nhưng các môn đồ nhất quyết xem xét sự thật mà Chúa Jêsus đã phán bằng kinh nghiệm của họ, loại bỏ mọi thứ không quen thuộc đối với họ. Ngay cả khi Chúa Jêsus xuất hiện sau phục sinh, Ngài cũng đã khiển trách sự không tin của Thô-ma (Giăng 20:24-29) với lý do lẽ ra ông phải tin những lời Chúa Jêsus đã nói trước đó. Thật vậy, Đấng Cứu Thế đang nói đến thời điểm Phúc Âm trở thành một câu chuyện dễ hiểu, được kể và tin, chính là thời điểm hiện nay.

Những người hay hoài nghi ở thế kỷ XXI vẫn yêu cầu bằng chứng trong khi từ chối tin vào Lời Chúa. Nhưng nhiều Cơ Đốc nhân ở thế kỷ XXI cũng gặp phải một vấn đề tương tự: không phải họ không tin vào Lời Chúa (họ phải tin, nếu không thì họ không phải là Cơ Đốc nhân), mà họ không tin rằng những người khác sẽ tin vào Phúc Âm được giải thích chân thật từ Kinh Thánh. Vì lý do gì đó, họ nghĩ rằng Lời của Đức Chúa Trời là một chứng cớ không thoả đáng về Chúa Jêsus, và cần được chứng minh bằng phép lạ hoặc ít nhất là một thứ gì đó hữu hình, để mắt họ có thể nhìn thấy được. Nhưng Phúc Âm có thể chạm đến tấm lòng, và Phúc Âm có quyền năng; bởi vì Đức Thánh Linh sẽ hành động để khiến mọi người tin thông qua những lời chứng. Không có vấn đề gì đối với khả năng biến đổi đời sống của Phúc Âm; vấn đề nằm ở những Cơ Đốc nhân thiếu lòng tin rằng Phúc Âm có thể và sẽ làm điều đó!

Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì Lời của Ngài là lẽ thật, đáng tin cậy và sẵn có. Xin tha thứ cho con vì con đã không tin những gì Ngài đã phán, hoặc nghi ngờ Phúc Âm có quyền năng biến đổi đời sống và cứu con người ra khỏi sự hư mất đời đời. Xin giúp con tin rằng Lời Ngài vẫn quyền năng, để con không ngại nói về Lời của Ngài với bạn bè và đồng nghiệp của con. Nhơn danh Chúa Jêsus. Amen!

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn