Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Sứ đồ Gia-cơ (con trai A-phê)

Ông Gia-cơ con trai A-phê là một trong những sứ đồ ít được biết đến nhất trong Kinh Thánh. Tất cả những gì Kinh Thánh nói về ông là ông được liệt kê trong danh sách mười hai môn đồ của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 10:3; Mác 3:18; Lu-ca 6:15; Công-vụ các Sứ đồ 1:13). Tên ông luôn đứng đầu danh sách bộ tứ thứ ba trong danh sách mười hai sứ đồ, hoặc đi liền với Tha-đê (theo Ma-thi-ơ và Mác), hoặc đi liền với Si-môn Xê-lốt (theo Lu-ca).

Ngoài danh sách đó, chúng ta không có thông tin nào về nhân thân của ông. Có một giả thuyết cho rằng ông Gia-cơ này là anh em với Lê-vi, tức là Ma-thi-ơ người thu thuế, vì cha của ông Lê-vi này tên là A-phê (Mác 2:14). Tuy nhiên A-phê là một tên gọi phổ biến, và chúng ta không chắc ông A-phê cha của Lê-vi có phải là A-phê cha của Gia-cơ hay không. Hơn nữa, ông Ma-thi-ơ và Gia-cơ con A-phê không bao giờ được nhắc đến cùng với nhau trong các sách Phúc âm hoặc nói rõ là anh em của nhau (như trường hợp của anh em Gia-cơ và Giăng con Xê-bê-đê, hoặc Anh-rê và Phi-e-rơ).[1] Do đó, chúng ta hầu như không thể nói rằng Gia-cơ con trai A-phê là anh em của Ma-thi-ơ.

Ông Gia-cơ con trai A-phê cũng thường bị nhầm lẫn với ông Gia-cơ em trai của Chúa Giê-xu (nhân vật được nhắc đến trong Ga-la-ti 1:19). Gia-cơ, em trai Chúa Giê-xu, rõ ràng đã trở thành người lãnh đạo trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, là phát ngôn viên đưa ra phán quyết tại Hội đồng Giê-ru-sa-lem (Công vụ 15:13-21), và cũng chính là trước giả thư Gia-cơ. Ông Gia-cơ đó chắc hẳn không phải là Gia-cơ con A-phê mà chúng ta đang nói đến.

Mác 15:40 đề cập đến một “Gia-cơ nhỏ” có người mẹ tên là Ma-ri, một trong các bà Ma-ri ngồi dưới chân thập tự giá khi Chúa chịu đóng đinh. Theo đó và xem thêm Ma-thi-ơ 27:56 chúng ta biết rằng ông “Gia-cơ nhỏ” này có một người anh em tên là Giô-sê (hay Giô-sép), có lẽ là một người theo Chúa nhưng không phải là sứ đồ. Mẹ của họ, bà Ma-ri, rõ ràng cũng là một tín đồ tận tụy của Chúa Giê-xu, là người chứng kiến Chúa chịu đóng đinh, là một trong những người phụ nữ góp phần chôn cất Chúa Giê-xu, và cũng là một trong những người khám phá ra ngôi mộ trống của Chúa trong ngày Chúa phục sinh (Mác 16:1; Lu-ca 24:10).[2]

Trong Giăng 19:25, Ma-ri mẹ “Gia-cơ nhỏ” được gọi là “Ma-ri của Cơ-lê-ô-ba” (trong Hy văn), nên người ta suy đoán rằng có thể Cơ-lê-ô-ba là cha của Ma-ri, hoặc Cơ-lê-ô-ba là chồng Ma-ri và có một tên khác là A-phê. Một tài liệu ngoại kinh cho biết có một Si-môn, con trai của Cơ-lê-ô-ba, là một trong các môn đồ của Chúa Giê-xu. Nếu Si-môn đó chính là Si-môn Xê-lốt, thì điều đó lý giải tại sao Si-môn và Gia-cơ (với tư cách là anh em) được ghép với nhau trong danh sách các sứ đồ theo Lu-ca.[3] Nếu quả vậy, Gia-cơ con trai của A-phê có thể đã thuộc nhóm cách mạng Xê-lốt cùng với anh em của mình. Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta không thể biết chắc chắn điều đó có đúng không.

Dựa trên các thông tin ít ỏi, đa số các học giả Kinh Thánh cho rằng Gia-cơ con A-phê chính là người được gọi là “Gia-cơ nhỏ” nói trên.[4] Biệt hiệu “Gia-cơ nhỏ” ắt hẳn đã được dùng để phân biệt ông với Gia-cơ con trai Xê-bê-đê, một nhân vật quá nổi tiếng. “Gia-cơ nhỏ” có thể có nghĩa là ông có tầm vóc nhỏ hơn hoặc trẻ tuổi hơn Gia-cơ con trai của Xê-bê-đê (từ Hy Lạp ho mikros, người nhỏ bé, có thể bao gồm cả hai cách hiểu). Nó cũng có thể có nghĩa là ông có ít ảnh hưởng hơn. [5] Có lẽ ông có cả ba điều đó: vóc dáng nhỏ hơn, còn trẻ hơn và không có nhiều ảnh hưởng như Gia-cơ con Xê-bê-đê. Dường như Gia-cơ con A-phê hay “Gia-cơ nhỏ” này không có những phát biểu hoặc hành động đặc biệt nào được ghi chép lại trong suốt quá trình theo Chúa cũng như trong lịch sử của Hội Thánh đầu tiên.

Vậy nên, tất cả những gì chúng ta biết chắc về Gia-cơ con A-phê là ông đã được chọn làm một trong mười hai môn đồ của Chúa, và ông là một trong những người thầm lặng, ít nổi bật nhất. Chúng ta cũng có thể gần như chắc rằng ông có biệt hiệu là “Gia-cơ nhỏ” vì sự “nhỏ hơn” về nhiều phương diện so với Gia-cơ con Xê-bê-đê. Nhưng chúng ta cũng biết chắc rằng ông cũng đã được sai đi truyền giáo cho người Do Thái để rao giảng “nước thiên đàng đã đến gần”; ông đã tham gia chữa lành các thứ bệnh tật, chữa sạch người bị phung, làm cho kẻ chết sống lại và đuổi quỷ như các sứ đồ khác (Ma-thi-ơ 10:5-8). Ông cũng đã có mặt trong Lễ Tiệc Thánh đầu tiên (Ma-thi-ơ 26:20), và cũng chứng kiến Chúa hiện ra với các môn đệ sau khi Phục Sinh (Giăng 20:19-25).

Truyền thuyết kể rằng Gia-cơ con A-phê đã bị người Do Thái ném đá vì rao giảng Đấng Christ, và được chôn cất gần thánh đường ở Giê-ru-sa-lem. Cũng có người nói ông bị người Do Thái bắt, ném khỏi Đền Thờ, rồi bị đánh chết bằng dùi cui. Cũng có truyền thống khác nói rằng Gia-cơ, con trai A-phê, đã đi truyền giáo ở Ba Tư (Iran ngày nay), nhưng đã bị người Ba Tư từ chối nghe ông giảng đạo và đóng đinh ông.[6] Chúng ta không rõ ông chết cách nào, nhưng điều chắc chắn là ông đã tuận đạo vì đã trung tín rao giảng Phúc âm.

Có một số bài học chúng ta rút ra được từ câu chuyện cuộc đời Gia-cơ con A-phê. Thứ nhất, không phải tất cả những môn đồ trung kiên của Chúa Giê-xu đều nổi bật dưới ánh đèn sân khấu.Như nhiều sứ đồ khác, Gia-cơ con A-phê đã đáp tiếng Chúa Giê-xu gọi đi theo Ngài và trở thành môn đồ, nhưng ông chỉ ở phía sau hậu trường, làm một tín đồ tận tụy của Chúa Giê-xu và góp một phần nào đó trong công tác truyền bá Phúc âm, gây dựng Hội Thánh sơ khai. Dù ông có phải là“Gia-cơ nhỏ” hay không thì chúng ta vẫn có thể chắc chắn rằng ông thầm lặng hơn và ít ảnh hưởng hơn nhiều môn đồ khác. Kinh Thánh không nói một điều gì về công việc, thành quả hay tính cách của ông. Ông không hỏi bất kỳ câu hỏi nào hay nói bất cứ điều gì được Kinh Thánh ghi lại. Ông không phát biểu nhiều như Phi-e-rơ, cũng không có sáng kiến, hành động đặc biệt nào được ghi lại; có lẽ ông chỉ là người yên lặng đi theo kế hoạch và mục tiêu đào tạo của thầy mình. Đặc điểm nổi bật của ông là không có gì nổi bật, và vì thế ông trở nên người đại diện tuyệt vời cho rất nhiều người trong chúng ta, những người kém “nổi bật” trong cộng đồng Cơ Đốc. Chúng ta không cần phải mặc cảm về sự “nhỏ hơn” trong nhiều phương diện của mình khi so với một số người được Chúa ban cho nhiều ân tứ hơn và vai trò phục vụ nổi bật hơn. Điều quan trọng mà Chúa mong nơi bất kỳ môn đồ nào của Ngài là sự trung thành và trung tín. Tấm gương về đức tin và sự tận hiến cuộc đời của Gia-cơ con A-phê cho Chúa Cứu Thế tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều Cơ Đốc nhân phục vụ Chúa âm thầm ngày nay.

Điều thứ hai, ngoài tên của cha mình là A-phê, chỉ có một mối liên hệ duy nhất trong cuộc đời của ông được ghi chép, là sự gắn kết với Chúa Cứu Thế Giê-xu trong tư cách một môn đồ trung thành. Suy cho cùng, có lẽ đó là tất cả những gì quan trọng nhất. Đức tin nơi Chúa Giê-xu không tách chúng ta khỏi truyền thống gia đình, nhưng cũng không tuỳ thuộc truyền thống gia đình. Cho dù chúng ta thuộc gia tộc nào, gia thế chúng ta ra sao, điều thiết yếu là đức tin và mối liên hệ sống động của cá nhân mỗi người với Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Thứ ba, Chúa có chương trình và kế hoạch tin dùng mỗi người trong ân sủng và quyền tể trị của Ngài. Gia-cơ con Xê-bê-đê nổi tiếng hơn, nhưng lại là vị sứ đồ tuận đạo đầu tiên. Gia-cơ con A-phê it được biết đến hơn nhưng lại có thời gian phục vụ lâu hơn. Vì thế, điều quan trọng cho mỗi môn đồ Chúa vẫn là sự thuận phục và trung tín phục vụ khi còn cơ hội.

Cuối cùng, cho dù Kinh Thánh hay sử sách không ghi chép tất cả mọi điều, chúng ta biết chắc chắn rằng Chúa là Đấng nhìn thấy, ghi nhận và thưởng phạt công minh cho tất cả những tôi tớ của Ngài. Gia-cơ con A-phê không được nhiều người đương thời lẫn hậu thế biết đến, nhưng Đấng của hôm qua, ngày nay, cho đến đời đời không hề quên dù chỉ một chi tiết nhỏ nhất trong cuộc đời của ông. Đấng đó cũng đang dõi theo và ghi nhớ tất cả mọi điều chúng ta làm khi vẫn còn thời gian và cơ hội hầu việc Ngài trong tư cách môn đồ.

Nguyện Chúa giúp chúng ta trung tín và vui thoả phục vụ ngay cả khi chỉ là một “Gia-cơ con A-phê” ít tên tuổi hoặc “Gia-cơ nhỏ”.

[1] Myers, A. C. (1987). In The Eerdmans Bible dictionary (p. 549). Grand Rapids, MI: Eerdmans.
[2] Green, J. B., McKnight, S., & Marshall, I. H. (1992). Dictionary of Jesus and the Gospels (p. 180). Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press.
[3] Orr, J., M. A. .. D. D. (1999). J. Orr (Ed.), The International standard Bible encyclopedia : 1915 edition. Albany, OR: Ages Software.
[4] Achtemeier, P. J., & Harper & Row, P., Society of Biblical Literature. (1985). Harper’s Bible dictionary (1st ed., p. 446). San Francisco: Harper & Row.
[5] Elwell, W. A., & Comfort, P. W. (2001). In Tyndale Bible dictionary (p. 665). Wheaton, IL: Tyndale House Publishers.
[6] E. A. W. Budge, The Contendings of the Apostles, 2 tập [1899–1901], 2:50, 264–66 trong Silva, M., & Tenney, M. C. (2009). The Zondervan Encyclopedia of the Bible, H-L (Revised, Full-Color Edition, Vol. 3, p. 455). Grand Rapids, MI: The Zondervan Corporation.

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn