Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Chạy trốn

Kinh Thánh: Mác 14:51-52

“Có một người trẻ tuổi kia theo Ngài, chỉ có cái khăn bằng gai trùm mình; chúng bắt người. Nhưng người bỏ khăn lại, ở truồng chạy trốn khỏi tay chúng.” (BTT)

Đây có thể là một câu chuyện rất cá nhân mà trước giả muốn ký thuật lại, Mác miêu tả chính mình như một người trẻ tuổi trong một tình huống đáng xấu hổ. Việc liên kết những sự kiện Kinh Thánh cách xa nhau về thời gian là điều không nên, nhưng trong trường hợp này thì có bằng chứng cho rằng Bữa Tiệc Cuối Cùng được tổ chức tại nhà của Mác (Công vụ 12:12) và ông đã vội vã ra ngoài trong bộ đồ ngủ bằng vải lanh khi nghe tin có sự xáo trộn ở Ghết-sê-ma-nê. Điều quan trọng của câu nầy là xác định trước giả là người trong cuộc (dù ngắn gọn và đáng hổ thẹn), thay vì chỉ đơn thuần tường thuật những sự kiện lịch sử mà người khác nhìn thấy.

Từ “trốn đi” là rất có ý nghĩa. Đó là cùng một từ mà ông đã dùng trong câu trước: “Bấy giờ, mọi người đều bỏ Ngài và trốn đi cả.” (Mác 14:50). Nói cách khác, trước giả của sách Phúc Âm này hoàn toàn đồng cảm với sự hèn nhát và vô tín của các sứ đồ tập sự. Về mặt này, không có sự khác biệt nào về đạo đức giữa ông và Phi-e-rơ, người mà có lẽ đã chiếm phần lớn bút mực của ông. Phúc Âm ông viết là dành cho những người yếu đuối như ông, chạy trốn khi gặp nguy hiểm, miễn cưỡng khi dấn thân vào môi trường mới mẻ và lo lắng khi tin cậy Chúa Jêsus.

Người trẻ tuổi này biết cảm thông, quan tâm và cuối cùng trở thành một môn đồ của Chúa Jêsus. Tuy nhiên, tại vườn Ghết-sê-ma-nê, lòng trung thành của ông cũng không hơn các môn đồ khác khi gặp thử thách. Ông cũng chạy trốn, không có gì để che đậy lương tâm của ông. Tuy nhiên, phân đoạn Kinh Thánh này thúc giục chúng ta hãy nhìn xem Chúa Jêsus thật sự là ai, và hành động thoáng qua này cho thấy ngay cả Mác cũng không hiểu vào thời điểm đó. Phần kết thúc mở trong câu Mác 16:8 có đề cập đến những người phụ nữ cũng không có lòng can đảm hay sâu nhiệm gì hơn về thuộc linh: “Các bà ấy ra khỏi mồ, trốn đi, vì run sợ sửng sốt, chẳng nói cùng ai hết, bởi kinh khiếp lắm.” Chính ông và tất cả những người theo Chúa Jêsus cần được Đức Thánh Linh cảm thúc và biến đổi trước khi trở nên hữu ích cho Chúa.

Trốn chạy khỏi khó khăn và nguy hiểm là một phần trong tính cách của Mác: khi còn là một nhà truyền giáo tập sự, ông đã không vượt qua vòng thử việc (Công vụ 13:13, 15:37-39). Dù cho Phao-lô và Ba-na-ba bất đồng về việc có nên sử dụng ông trong công cuộc truyền giáo hay không, nhưng Chúa biết Ngài có thể dùng Mác như một người viết lách, chứ không phải một nhà truyền giáo tiên phong. Phúc âm Mác viết về những thất bại của các môn đồ, trong đó có Mác. Đó là lý do tại sao Chúa Jêsus đã chết để trả giá cho tất cả những thất bại đó. Tội lỗi của ông đã góp phần vào tội lỗi của thế gian in hằn trên thân thể Chúa Jêsus, và ông biết rõ điều đó. Tuy nhiên, như Chúa Jêsus đã nói, những người biết mình được tha thứ nhiều thì yêu mến nhiều (Lu-ca 7:47). Kinh nghiệm của Mác về sự thất bại và sự tha thứ dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho ông trong chức vụ Chúa ban, và chúng ta cũng nên như thế khi nhớ về lòng nhân từ và ân điển của Đấng Christ đối với thất bại của chính chúng ta.

Lạy Cứu Chúa, khi con suy ngẫm về những thất bại của con trong cuộc sống, con cũng thấy thập giá Chúa đã chết để chịu hình phạt thay cho con. Xin Chúa tha thứ cho con vì những sai phạm lặp đi lặp lại nhiều lần. Xin Chúa giúp con luôn nhớ rằng Ngài biết cách dùng con cách tốt nhất để Ngài được vinh hiển, và xin giúp con phục vụ Ngài với lòng biết ơn khiêm nhường, sẵn sàng chia sẻ tình yêu thương đối với Ngài tại nơi công sở, trong gia đình và khi đi du lịch. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus. Amen!

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn