Kinh Thánh: Mác 12:32-34
“Thầy thông giáo trả lời rằng: Thưa thầy, thầy nói phải, hợp lý lắm, thật Đức Chúa Trời là có một, ngoài Ngài chẳng có Chúa nào khác nữa; thật phải kính mến Chúa hết lòng, hết trí, hết sức, và yêu kẻ lân cận như mình, ấy là hơn mọi của lễ thiêu cùng hết thảy các của lễ. Đức Chúa Jêsus thấy người trả lời như người khôn, thì phán rằng: Ngươi chẳng cách xa nước Đức Chúa Trời đâu. Rồi không ai dám hỏi Ngài nữa.” (BTT)
Sự công bình của Chúa là điều rõ ràng, nhưng chỉ đối với những ai mong muốn được Chúa kể là công bình. Sau khi Mác ký thuật lại một loạt các câu hỏi xuất phát từ tấm lòng nổi loạn và hoài nghi của các nhà lãnh đạo tôn giáo, người đàn ông này lại sẵn lòng lắng nghe câu trả lời của Chúa Jêsus. Hơn thế nữa, ông có thể thấy rằng những điều Chúa Jêsus nói là hợp lý… không chỉ là theo lý lẽ của riêng ông, mà là theo Kinh Thánh. Tín điều của dân Giu-đa (Dân số Ký 15:37-41; Phục truyền Luật lệ Ký 6:4-9, 11:13-21) mà ông được học từ thuở nhỏ và vẫn lặp lại hằng ngày xác thực điều mà Chúa Jêsus nói về nhu cầu hết lòng kính mến Đức Chúa Trời. Lời quở trách thứ hai của Sa-mu-ên với Sau-lơ trong I Sa-mu-ên 15:22 đã hình thành nên phản ứng của ông đối với phần thứ hai trong câu trả lời của Chúa Jêsus.
Vấn đề của vua Sau-lơ đó là ông muốn Chúa quý trọng và phục vụ mình, thay vì có bổn phận tôn kính Đức Chúa Trời bằng cách vâng theo những điều Ngài phán. Trong I Sa-mu-ên 13:11-14, Sau-lơ tự ý cho rằng ông sẽ đảm nhận vai trò của một thầy tế lễ trước mặt dân sự, đặng làm cho mình trông tốt đẹp. Đó là khi lời quở trách đầu tiên của Sa-mu-ên công bố rằng Sau-lơ không phải là người “theo lòng Đức Chúa Trời”, rằng nước của ông sẽ về tay một người thật sự muốn được Chúa xưng là công bình. Sự vâng lời luôn tốt hơn hoạt động tôn giáo che đậy sự bất tuân.
Người đàn ông trò chuyện với Chúa Jêsus cũng biết rằng Chúa Jêsus đã đúng, vì những điều Ngài phán giống với Kinh Thánh. Và đó vẫn là cách duy nhất để biết chắc đâu là sự thật. Vị thầy thông giáo ấy không thao túng Chúa Jêsus hay Kinh Thánh, ông xem cả hai có thẩm quyền ngang nhau, đó quả nhiên là sự thật. Chúa Jêsus xác định người đàn ông là khôn ngoan vì ông nói đúng rằng lời của Chúa Jêsus khớp với Lời được chép của Đức Chúa Trời; trái với những kẻ trước đó đã dùng lời nói để thử Chúa Jêsus nhằm cố gắng bắt lỗi Ngài. Nếu Lời Chúa bị khước từ, thì không còn nguồn nào khác cho sự khôn ngoan (Giê-rê-mi 8:9).
Than ôi, ngày nay các triết gia tôn giáo tự cho mình còn khôn ngoan hơn cả Chúa Jêsus và Kinh Thánh. Châm ngôn 26:12 nói: “Con có thấy người nào khôn ngoan theo mắt nó chăng? Còn có sự trông cậy cho kẻ ngu muội hơn là cho nó.” Chống lại Kinh Thánh tức là chống lại Chúa Jêsus, và Ngài là Đấng đoán xét luôn luôn công bình! (Sáng thế ký 18:25b). Đồng ý với Kinh Thánh tức là đồng ý với Chúa Jêsus, Ngôi Lời của Đức Chúa Trời. Không có gì đáng ngạc nhiên khi kim chỉ nam duy nhất mà chúng ta có để biết được tâm tình của Chúa Jêsus, tức là Kinh Thánh, đang bị tấn công. Nhưng khi chúng ta yêu mến Lời của Đức Chúa Trời và sống theo lời ấy, thì tâm hồn của chúng ta sẽ bình an biết bao và sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta sẽ có kết quả như thế nào khi chúng ta sống theo sự khôn ngoan của Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 1:24)!
Kính lạy Đức Chúa Cha. Tạ ơn Chúa vì Lời Ngài là tiếng phán của Chúa Jêsus với chúng con. Xin Chúa tha tội cho con vì con đã không xem trọng những điều Ngài phán để có thể uốn nắn đời sống con trong sự khôn ngoan của Ngài. Xin Chúa giúp con tôn kính Lời Ngài trong lòng con và thực hành lời ấy trong chính đời sống của mình, hầu cho bản tính của Chúa Jêsus được phô bày cách rõ ràng cho bạn bè và đồng nghiệp của con. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work