Kinh Thánh: Ê-sai 6:1-13
Ê-sai là con trai của A-mốt (II Vua 19:20, không phải tiên tri A-mốt). Tên Ê-sai theo tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “Đức Giê-hô-va đã cứu rỗi”. Vợ Ê-sai là một nữ tiên tri, đã sinh cho ông hai người con tên là Sê-a-Gia-súp (Ê-sai 7:3) và Ma-he-Sa-la-Hát-Bát (Ê-sai 8:3).
Ê-sai được Chúa dùng trong vai trò là một nhà tiên tri để truyền phán Lời Chúa cho nước Giu-đa trải qua các đời vua Ô-xia, Giô-tham, A-cha và Ê-xê-chia (Ê-sai 1:1). Chúa đã khải tỏ cho ông biết về việc Ngài sẽ sửa phạt dân sự vì họ cứ đắm chìm trong con đường tội lỗi, bỏ ngoài tai những lời khuyên bảo của Ngài (Ê-sai 1; 6:10-12). Tuy nhiên, Chúa nhân từ vẫn muốn họ trở lại con đường ngay thẳng chính trực công bình như vốn có (Ê-sai 1:21, 25-28; 6:13). Trong những năm thực thi công tác, tiên tri Ê-sai đã luôn công bố sứ điệp một cách mạnh mẽ. Chức vụ của Ê-sai liên quan đến vua Ê-xê-chia được ghi nhận chi tiết trong II Các vua 19-20 và II Sử ký 32. Theo lịch sử Do Thái ghi nhận, tiên tri Ê-sai đã bị vua Ma-na-se dùng cưa gỗ cưa xẻ ra làm hai. Quả thật, đó là một kết thúc buồn trong cái nhìn của con người nhưng chắc chắn tiên tri Ê-sai đã hoàn tất sứ mạng một cách trọn vẹn trước mặt Chúa.
Trước khi dấn thân trong chức vụ tiên tri, Ê-sai đã có một trải nghiệm tuyệt vời trong sự kêu gọi đặc biệt của Chúa. Điều đó được ký thuật trong Ê-sai 6:1-13. Qua đây chúng ta rút ra được những bài học quý giá về sự kêu gọi và lựa chọn của Chúa trên đời sống mình.
1. Phải thánh sạch:
Trước khi được Chúa kêu gọi và sai phái, Ê-sai đã trải qua kinh nghiệm được Chúa thanh tẩy thật phước hạnh. Chúa đã khải tỏ cho Ê-sai thấy sự vinh hiển cùng sự uy nghi của Ngài (Ê-sai 6:1-4). Đứng trước quang cảnh đó, Ê-sai đã nhận biết mình là một con người tội lỗi, chẳng xứng đáng và kêu cầu sự thương xót của Chúa. Ông nói rằng “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân” (Ê-sai 6:5). Ông không thể không phủ phục trước sự thánh khiết tuyệt đối và vinh quang của Chúa. Bởi tấm lòng ăn năn hối cải của Ê-sai, Chúa đã khiến “một sê-ra-phim bay đến tôi, tay cầm than lửa đỏ mà đã dùng kềm gắp nơi bàn thờ, để trên miệng ta, mà nói rằng: Nầy, cái nầy đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi.” (Ê-sai 6:6-7). Chúa đã tẩy thanh mọi ô nhơ bất khiết và khiến ông trở nên thánh sạch trước mặt Ngài. Có thể nói đó là một trải nghiệm tuyệt vời cho cuộc đời của Ê-sai. Ông đã hạ mình trước Chúa nên được Chúa đem lên và đặt vào vị trí quan trọng trong công tác của Ngài.
Chắc hẳn đây cũng phải là điều mà mỗi chúng ta cần trải nghiệm trước khi muốn làm bất cứ một việc gì cho Chúa. Một sự hạ mình, một sự ăn năn, một sự tha thứ và một sự thanh tẩy. Sự thánh khiết của con người không tự nhiên có được vì mỗi người sinh ra trong bản chất tội lỗi (Thi thiên 51:5). Tuy nhiên, điều đó đến từ sự thương xót của Chúa bởi tấm lòng hạ mình ăn năn của mỗi người. Tất cả chúng ta đều cần sự thanh tẩy hoàn toàn để chuẩn bị cho sự dấn thân phục vụ Đức Chúa Trời. Chúa là Đấng thánh khiết nên những người phục vụ Ngài phải thánh (Lê-vi-ký 11:44-45). Chúa chỉ trao trách nhiệm cho người có tấm lòng trong sạch. Mọi sự ô nhơ bất khiết không thể tồn tại trước mặt Chúa. Vì vậy, xin Chúa cho mỗi người chúng ta là những người muốn phục vụ Chúa luôn tra xét lại đời sống mình và sẵn sàng hạ mình ăn năn trước Chúa. Không có tội lỗi nào quá lớn mà Chúa không thể tha thứ nhưng cũng không có tội lỗi nào quá nhỏ mà không cần sự ăn năn. Lời Chúa trong Ê-sai 1:18 chép rằng: “Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”. Chúa sẵn sàng tha thứ cho những ai biết ăn năn. Và khi đã được thanh tẩy thì sẽ được trao sứ mạng vì sự tha thứ đến trước sự sai phái.
2. Sẵn sàng đáp ứng tiếng gọi của Chúa:
Ngay sau khi kinh nghiệm sự tha thứ, thanh tẩy và phục hồi của Chúa, Ê-sai đã nghe được tiếng gọi của Chúa một cách rõ ràng đối với ông “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?”. Đáp lại lời kêu gọi đó, Ê-sai đã nói một cách mạnh mẽ rằng “Có tôi đây, xin hãy sai tôi” (Ê-sai 6:8). Câu trả lời thể hiện tinh thần sẵn sàng, sốt sắng và đầy quyết tâm của Ê-sai trong sự dấn thân phục vụ Chúa. Câu trả lời cũng bày tỏ tấm lòng thuận phục của ông. Chúa muốn ông đi đâu, làm gì thì ông cũng sẵn sàng vâng theo. Ông không ngại gian khó, không chùn bước trước những trở lực, không sợ nguy hiểm rình rập. Ông sẽ đi theo sự sai phái của Ngài dầu hoàn cảnh có như thế nào. Ông vừa trải nghiệm ơn tha thứ của Chúa cho cuộc đời mình và đáp lại bằng một tấm lòng mạnh mẽ để làm mọi điều Chúa muốn.
Đây thật là tinh thần Chúa muốn thấy nơi mỗi người chúng ta. Một tấm lòng trong sạch cùng một sự sẵn sàng để ra đi cho công việc Chúa. Lời kêu gọi của Chúa “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” vẫn luôn vang vọng trong từng tấm lòng của mỗi chúng ta. Nhưng chúng ta đã đáp ứng như thế nào trước tiếng gọi của Chúa? Ngày nay, cuộc sống hiện đại với nhiều bộn bề lo toan dễ làm chúng ta hời hợt hoặc không quan tâm đến sự phục vụ Chúa. Đôi khi chúng ta tự trấn an rằng mình đã làm tròn trách nhiệm với Chúa vì không bỏ nhóm buổi nào, mỗi sáng Chúa nhật đi thờ phượng Chúa là đủ rồi. Hoặc đôi khi chúng ta cũng góp phần phục vụ Chúa nhưng chỉ trong những lúc rảnh rỗi, còn nếu bận rộn thì sẵn sàng gác lại công việc Chúa để lo việc riêng của mình,… Tinh thần như vậy thật chưa đúng với điều Chúa mong đợi nơi con cái Ngài. Từng Cơ Đốc Nhân là một thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời và là một chi thể trong thân của Đấng Christ. Mỗi người đều phải có trách nhiệm góp phần gây dựng và mở mang Hội Thánh Chúa. Trách nhiệm đó không bởi sự bắt buộc nhưng Chúa muốn chúng ta vui lòng nhận lấy, sẵn sàng nói với Chúa như Ê-sai “Có con đây, xin hãy sai con”. Tiếng gọi của Chúa dành cho mỗi người mỗi cách khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Dầu vậy, Chúa muốn tất cả chúng ta đều có chung một đáp ứng như tiên tri Ê-sai. Đừng ai phớt lờ trước tiếng gọi của Chúa. Và cũng đừng ai hẹn nay hứa mai bởi cơ hội qua đi không bao giờ quay trở lại. Mong rằng Lời Chúa dứt dấy tấm lòng chúng ta để luôn sẵn sàng dấn thân cho công việc Chúa.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)